Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói như vậy tại hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2030 diễn ra ngày 21/6 tại TP.Cần Thơ.
Tháo điểm nghẽn về giao thông, nhân lực
Theo Thủ tướng, nguồn nhân lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn nhiều hạn chế, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng hơn 15%, thấp hơn nhiều so với trung bình của cả nước. Do đó, cần quan tâm vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, sáng 21/6, tại Cần Thơ - ẢNH: DƯƠNG GIANG - TTXVN |
Quy mô kinh tế ĐBSCL chỉ chiếm 12,08% GDP của cả nước, thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước, tỷ lệ đô thị hóa cũng thấp hơn cả nước, các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, chuyển đổi số cũng thấp hơn so với các vùng khác trong cả nước. ĐBSCL là một trong những khu vực địa lý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên thế giới, như lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do mực nước biển dâng cao, sạt lở bờ sông…
Tại miền Tây Nam bộ, Cà Mau là tỉnh ven biển duy nhất của Việt Nam có ba mặt giáp biển, với chiều dài bờ biển 254km, diện tích ngư trường khoảng 80.000km2 (là một trong bốn ngư trường lớn nhất của cả nước), dưới thềm lục địa có trữ lượng dầu khí và khí đốt rất lớn (khoảng 170 tỷ m3). Đồng thời, đây là địa phương nằm ở trung tâm vòng cung khu vực Đông Nam Á, có ba cụm đảo gần bờ (Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc) nên rất thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Cà Mau cũng là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 100.000ha (có cả hệ sinh thái mặn và ngọt), có hai vườn quốc gia, khu ramsar, khu du lịch quốc gia, có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo, điện khí.
Tuy thuận lợi nhưng Cà Mau cũng là tỉnh chịu tác động nhiều nhất của tình trạng BĐKH. Thời gian qua, BĐKH ở Cà Mau diễn biến với tốc độ nhanh hơn, ngày càng phức tạp và rõ nét hơn, gây ra các tác động tiêu cực như sạt lở bờ biển, bờ sông, hạn hán, sụt lún đất, xâm nhập mặn, gây hại cho sản xuất nông nghiệp, mất rừng và nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng dây chuyền.
Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - nói: “Áp lực phát sinh giữa nuôi tôm và trồng rừng, bảo vệ rừng là khá lớn. Tình trạng lấy đất lâm nghiệp đào ao nuôi tôm đã khiến một lượng lớn đất lâm nghiệp khó khôi phục lại hiện trạng ban đầu để phát triển rừng trong thời gian tới”.
Theo ông, hệ sinh thái ven biển và quanh các cụm đảo ngày càng suy giảm, ô nhiễm môi trường biển có chiều hướng gia tăng, BĐKH và nước biển dâng là nguy cơ và thách thức lớn đối với toàn bộ vùng ven biển của tỉnh. Tỉnh không đủ nguồn lực để xử lý, khắc phục. UBND tỉnh đề ra nhóm giải pháp trọng tâm là “phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo vệ bờ biển, chống thiên tai và thích ứng với BĐKH”.
UBND TP.Cần Thơ cũng xác định được những điểm nghẽn lớn tương tự như các địa phương khác trong vùng, như: phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao. Xác định vị trí, vai trò là “trung tâm của vùng ĐBSCL trong liên kết phát triển vùng”, UBND TP.Cần Thơ đề ra các giải pháp “tháo nghẽn” như: quy hoạch hướng tới mục tiêu đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị.
Địa phương này cũng đang thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là thành lập trung tâm logistics phục vụ nhóm hàng nông sản, thủy sản và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch.
Phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, ĐBSCL có vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. ĐBSCL cần được phát huy cao hơn các tiềm năng, lợi thế của mình.
|
Khi tháo được các “điểm nghẽn” về giao thông, đồng bằng sông Cửu Long sẽ phát triển vượt bậc (trong ảnh: Cầu Rạch Miễu nối Tiền Giang với Bến Tre không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân hai tỉnh mà còn cho cả vùng) - ẢNH: ĐỖ MINH |
Trước mắt, các tỉnh, thành miền Tây Nam bộ cần tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch cũng như xây dựng các kế hoạch và đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao. Các địa phương trong vùng cần tích cực triển khai quy hoạch vùng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch; khẩn trương xây dựng, hoàn thành quy hoạch của từng địa phương.
Trong giai đoạn tới, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông và logistics, hạ tầng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hạ tầng giáo dục, y tế, hạ tầng chuyển đổi số, chống BĐKH để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL. Thủ tướng nói: “Các tuyến cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo các khu dân cư để tránh phải dành chi phí lớn cho giải phóng mặt bằng, tránh tác động lớn tới đời sống người dân”.
Theo Thủ tướng, các địa phương cần nâng cao tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao chất lượng quản trị, năng lực điều hành; chịu trách nhiệm đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư; thúc đẩy triển khai các dự án hạ tầng được giao trên địa bàn, bảo đảm tiến độ, chất lượng; đẩy mạnh và đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.
“Thông qua hội nghị này, sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư ở vùng ĐBSCL vì lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời góp phần vào sự phát triển của vùng ĐBSCL và đất nước Việt Nam” - Thủ tướng mong mỏi.
Phát triển nông nghiệp dựa vào thủy sản, trái cây, lúa gạo Quy hoạch vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030. Quy hoạch vùng xác định các chương trình đột phá mang tính chiến lược như phát triển vùng theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH, dựa trên ba trụ cột kinh tế, xã hội, môi trường; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên hướng tới một mô hình kinh tế xanh, lấy “con người” làm trung tâm; thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản, trái cây, lúa gạo phù hợp với thị trường, trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại phân vùng sản xuất dựa trên tài nguyên nước và thổ nhưỡng; phấn đấu đến năm 2030, vùng ĐBSCL trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM bên lề hội nghị, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho rằng quy hoạch vùng ĐBSCL là cơ hội để cả miền Tây Nam bộ phát triển, đi lên: “Hiện tại, điểm nghẽn quan trọng nhất là hệ thống giao thông. Đầu tư hạ tầng giao thông là việc cần thiết, đi đầu, quyết định cho những công việc tiếp theo. Giao thông chậm thì các công việc khác đều chậm theo”. Theo ông Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp - quy hoạch vùng ĐBSCL đã đặt ra một yêu cầu lớn; yêu cầu này không tạo ra áp lực mà trở thành động lực lớn và còn tạo dư địa để phát triển vùng. |
Từ Nhân