PNO - Công tác cán bộ nữ tại TPHCM ngày càng được chú trọng, đạt nhiều thành tựu và được đánh giá cao song thực tế vẫn chưa tương xứng với sự phát triển và đặc thù thành phố cũng như yêu cầu của Thành ủy TPHCM đề ra. Đây là thực trạng được nêu tại hội nghị bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cán bộ nữ trên địa bàn TPHCM do Tiểu ban công tác cán bộ nữ TPHCM tổ chức chiều 29/11.
Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TPHCM - thành phố hiện có 615/2.034 cán bộ nữ (chiếm tỉ lệ 30,24%) đang đảm nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng cấp sở, ngành và quận, huyện. Trong thời gian qua, công tác bố trí cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các đơn vị này luôn được quan tâm, chú trọng và thực tế, đã tăng về số lượng và chất lượng. “Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa có lãnh đạo nữ; cán bộ nữ giữ những vị trí chủ chốt, đứng đầu còn thấp; tỉ lệ nữ trong cấp ủy và cán bộ chủ chốt ở một số phòng, ban chưa tương xứng với sự phát triển lực lượng của giới trong đơn vị, địa phương” - bà Nguyễn Trần Phượng Trân khẳng định.
Đồng tình, ông Võ Phi Rạng Đông - Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay: “Tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp tuy có tăng so với trước đây nhưng vẫn còn thấp, chưa tương xứng tiềm năng nguồn nhân lực của ngành GD-ĐT”. Ông phân tích, số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên nữ toàn ngành chiếm tỉ lệ khá cao, hơn 97.790 người trong tổng số hơn 121.000 người toàn ngành, chiếm tỉ lệ 80%. Trong đó, cán bộ quản lý nữ hơn 4.480 người, chiếm 3,7%.
Tương tự, ngành y tế TPHCM có tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là 41.424 người, trong đó có 27.442 nữ (chiếm 66,24%). Trong Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Y tế TPHCM có 1/7 người là nữ, không có nữ trong Ban giám đốc và có 2/7 nữ trong tổng số lãnh đạo Văn phòng Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức Đảng ủy sở. Ngoài ra, không có cán bộ nữ trong lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội cấp sở… Trong năm 2022, ngành có 955 nữ/2.183 người - chiếm 43,75% được đào tạo trong nước, 42 nữ/132 người - chiếm 31,8% được đào tạo ở nước ngoài, 210 nữ/594 người - chiếm 35,35% được cử đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tương đương; 80 nữ/237 người - chiếm 33,76% được cử đi đào tạo tiến sĩ và tương đương.
Ông Trần Văn Xồi - Phó bí thư thường trực Đảng ủy Sở Y tế TPHCM - chia sẻ, nhân lực ngành y tế thành phố quy tụ các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên có trình độ chuyên môn cao, giữ vai trò chỉ đạo tuyến cho khu vực phía Nam. Họ cũng là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phòng, chống dịch COVID-19 xuyên suốt từ năm 2020 đến nay và trong đó, phải kể đến đóng góp to lớn của đội ngũ nữ giới.
Nói về nguyên nhân khiến tỉ lệ cán bộ nữ trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý chưa đạt, ông Trần Văn Xồi cho hay: “Do đặc thù của ngành y tế là thời gian học chuyên môn dài, phải trải qua giai đoạn thực hành 18 tháng, nhân viên y tế khi tham gia công tác đã gần 30 tuổi và sự phân hóa về trình độ chuyên môn trong ngành y tế khá rõ rệt”. Ngoài ra, một khó khăn khác đến từ quy định về độ tuổi nghỉ hưu khiến nguồn cán bộ nữ hạn chế. Và cũng như mọi ngành nghề, nữ giới còn gặp nhiều rào cản trong cuộc sống với quá nhiều gánh nặng gia đình, dẫn đến gặp không ít thách thức khi làm công tác lãnh đạo, quản lý.
Bí thư Huyện ủy huyện Nhà Bè Dương Thế Trung cũng nhất trí với lý do này. Ông kể, huyện luôn khuyến khích, động viên và chú trọng đào tạo cán bộ nữ, nhưng đôi khi việc bổ nhiệm lại rất khó. “Có nhiều trường hợp Ban Thường vụ Huyện ủy quan tâm và muốn thử thách, luân chuyển nhưng khi nghe tin thì nữ cán bộ đó đến gặp, xin cho công tác gần nhà để còn về phụ giúp gia đình” - ông Dương Thế Trung nói. Ngoài ra, theo ông, nhiều trường hợp cán bộ nữ có chồng không tham gia công tác chính quyền dẫn đến ít nhiều xung đột, ảnh hưởng hạnh phúc khiến họ ngại nhận công tác quản lý, lãnh đạo.
Vị thế của phụ nữ đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, khi phụ nữ có được quyền tham gia cũng như giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực (trong ảnh: Nữ lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp, trí thức cùng góp tiếng nói tại diễn đàn ASEAN++: Kết nối để phát triển bền vững) - Ảnh: Thu Lê
Chăm chút hơn cho công tác cán bộ nữ
Ông Nguyễn Phước Lộc - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM - cũng chỉ ra thêm thiệt thòi của nữ giới trong lĩnh vực y tế, vốn chiếm một lực lượng đông đảo. Theo ông, đào tạo 1 bác sĩ cần 6 năm nhưng mất đến 9 năm họ mới được hành nghề, tức tham gia thị trường lao động trễ hơn các lĩnh vực 5 năm. Đặc thù công việc, họ còn phải tiếp tục với chuyên khoa 1, 2 và nếu muốn đề bạt chức danh, phải hoàn thiện thêm nhiều. “Nữ bác sĩ thì cũng qua thời gian đào tạo giống nam bác sĩ nhưng họ lại về hưu sớm hơn 5 năm theo Bộ luật Lao động cũ và sớm 2 năm theo luật mới. Như vậy là lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nữ” - ông Nguyễn Phước Lộc chia sẻ. Ông đơn cử, thành phố hiện chỉ có 1 nữ giám đốc bệnh viện - người đã “lèo lái” và phát triển bệnh viện hiện đã hết tuổi bổ nhiệm lại; hay 1 nữ tiến sĩ, bác sĩ vốn là chuyên gia đầu ngành về cấp cứu sơ sinh, 1 chuyên gia về đào tạo nữ bác sĩ cấp cứu sơ sinh toàn miền Nam về hưu 2 năm nay khi họ còn có thể cống hiến.
Ông Nguyễn Phước Lộc cho rằng, đối với các lĩnh vực mang tính đặc thù như ngành y, cần những kiến nghị về chính sách pháp luật để sử dụng được lâu dài nguồn nhân lực chất lượng cao từ nữ nhân viên y tế. Ông cũng thống nhất về những rào cản đến từ trách nhiệm của nữ giới đối với gia đình, hạnh phúc bên cạnh trách nhiệm xã hội. Cho rằng những lợi thế của nữ giới trong chăm chút gia đình, tổ ấm lắm khi lại trở thành yếu thế trên con đường sự nghiệp, ông Nguyễn Phước Lộc khẳng định vai trò của thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ nữ là vô cùng quan trọng.
Theo ông Nguyễn Phước Lộc, mặc dù phần lớn các địa phương, đơn vị có tăng và đảm bảo đủ tỉ lệ cán bộ nữ song quan trọng nhất hiện nay chính là dự nguồn quy hoạch. Đây phải là công tác thường xuyên, cần sự chăm chút thông qua phát hiện từ sớm để xác định được chiều hướng của từng cán bộ mà có sự đào tạo, quy hoạch. “Quan trọng nhất trong công tác này chính là quyết tâm của người đứng đầu cấp ủy đảng, ở đâu có quan tâm sâu sát, tích cực, chủ động, tạo điều kiện cho cán bộ vượt qua chính mình… thì ở đó có kết quả tích cực” - ông Nguyễn Phước Lộc nói và đề nghị các đơn vị thúc đẩy hơn trách nhiệm này. Ông cũng đề nghị Đảng Đoàn Hội LHPN TPHCM phát huy tính chủ động trong tham mưu để song song công tác cán bộ nữ, là công tác bình đẳng giới, động viên, khích lệ cán bộ nữ cũng như có sự khen thưởng kịp thời để cán bộ nữ phấn đấu toàn diện hơn.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TPHCM - cũng khẳng định, trong giải pháp về công tác cán bộ nữ lẫn sự chuẩn bị về nguồn cho công tác này, vai trò của Hội LHPN TPHCM rất quan trọng. Theo bà, nữ giới thiệt thòi nhiều, từ các quy định trong đó tuổi nghỉ hưu dẫn đến tuổi đề bạt khác nam giới, hoặc những rào cản, định kiến nữ giới thường gặp phải. Hội LHPN các cấp giữ vai trò lớn trong việc tháo bỏ những cản trở vô hình với sự phát triển của phụ nữ cũng như ảnh hưởng đến nguồn cán bộ nữ.
Tuyết Dân
Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và các cấp ủy luôn quan tâm ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp thực hiện về công tác cán bộ nữ. Công tác quy hoạch cán bộ nữ bước đầu đạt một số kết quả tích cực, tỉ lệ cán bộ nữ từng bước được nâng lên, nhiệm kỳ sau luôn cao hơn nhiệm kỳ trước, tăng từ 30 - 40%, vượt chỉ tiêu trung ương quy định, tạo được đội ngũ kế cận, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng.
Ngày 28/11, Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: thực trạng và giải pháp”. Tại đây, bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - cho biết, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới với các nội dung: có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương nhận định, thực tế cho thấy vị thế của phụ nữ đã được cải thiện rất nhiều trong thời gian qua, khi phụ nữ được tiếp cận giáo dục, cải thiện về tình trạng sức khỏe, tham gia vào lực lượng lao động, giữ vai trò lãnh đạo trong nhiều lĩnh vực. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ cần tiếp tục được quan tâm nhất là khi quan niệm thiên chức của phụ nữ nằm ở nhiệm vụ sinh con và chăm sóc con cái, gia đình vẫn tồn tại.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.