Uống trà học ký hiệu
Không dễ tìm Quán của Thời Thanh Xuân giữa Sài Gòn nếu thiếu sự hỗ trợ nhiệt tình từ bạn bè trên Facebook. Giữa không gian tấp nập, xô bồ, vừa đẩy nhẹ cánh cửa, mùi hương trầm thoang thoảng như xua đi bao mệt mỏi.
Lần đầu tiên đến quán, khách sẽ “ngơ ngẩn” trước cuốn menu được tô nhiều màu, kèm theo đó là những chiếc que đầy màu sắc như một ký hiệu riêng. Nhìn bạn nhân viên phục vụ ra dấu, khách mới nhận ra họ là những người khiếm thính. Mảnh giấy nhỏ với dòng chữ nắn nót: “Bạn thương! Bạn vui lòng chọn thức uống trên menu. Sau đó rút que có màu tương ứng với thức uống để bạn nhân viên người điếc có thể hiểu và phục vụ bạn nhé!”.
Những que màu tương ứng với từng món trong menu. Ví dụ trà thanh xuân được tô màu đỏ, nghĩa là ứng với que đỏ; trà lạnh là que màu cam; cà phê đen là que màu đen… Chưa hết, khách còn được học tại chỗ “ngôn ngữ đôi tay”. Đó là dùng tay này đặt thẳng lên bàn tay kia (như động tác chặt xuống) nghĩa là có đá; bàn tay để dưới cằm, hai ngón tay búng nhẹ vào nhau nghĩa là món nước được dùng nóng…
Nguyễn Thị Trà My (25 tuổi, sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM) mừng rơn khi tìm được quán. Cô tâm sự: “Mình nghe tới quán này lâu rồi, nay biết quán đã “cập bến” Sài Gòn, mình vui lắm nên rủ các bạn cùng đến. Quán yên tĩnh, trà ngon và đặc biệt là ở đây, mình học được nhiều thứ từ việc sẻ chia, tìm thấy năng lượng sống tích cực”.
Thích thú khi được học những ký hiệu đơn giản như cảm ơn, xin chào… Ngô Tú Anh (nhân viên văn phòng, ngụ Q.3, TP.HCM) trải lòng: “Đến đây, tôi thấy lòng nhẹ hẳn. Tôi nhận ra còn có một thứ ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của đôi tay, ánh mắt, nụ cười và những điềutốt đẹp”.
Giữa trung tâm Sài Gòn hào nhoáng và nhộn nhịp, Quán của Thời Thanh Xuân như “một nốt trầm” trên “bản nhạc sôi động” của thành phố phồn hoa này. Có lẽ chính không gian yên bình, nhẹ nhàng và gần gũi đã thu hút giới trẻ Sài Gòn tìm đến bởi đây là nơi cho họ những “khoảng lặng” để sống chậm lại.
Tin người Sài Gòn hào sảng
Trong không gian yên bình với tiếng nhạc du dương, quán được bài trí bằng nhiều cây xanh, những quả thông khô đến từ Đà Lạt. Trên vách, những tờ giấy note chứa đựng tình cảm của khách dành cho quán ngày càng dày thêm.
|
Người thắp lửa Võ Thành Luân |
Thực đơn quán chỉ xoay quanh những món trà đơn giản nhưng được chăm chút từ nguyên liệu cho tới cách pha và trình bày. Có một số món mỗi ngày chỉ bán với số lượng nhất định. Chẳng hạn món trà sương lạnh mỗi ngày chỉ có bốn ly. Thức uống này được làm từ hoa đậu biếc sấy khô, bỏ vào bình rồi ủ trong nước lạnh 12 giờ trước khi pha chế. Đá uống trà do quán tự làm bằng nước lọc tinh khiết. Cà phê trong quán đều là loại hạt cà phê Arabica do người Cơ Ho trồng ở độ cao 1.500m. Các món bánh ngọt được làm ở Đà Lạt và chuyển về trong đêm...
Ngoài trà bánh, quán còn bày bán những sản phẩm handmade như tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ Đà Lạt, xà phòng, vòng tay, vòng cổ, túi vải, sen đá... Tất cả sản phẩm đều do các bạn khiếm thính làm nên.
Không có bất kỳ mức giá nào cho từng món khách chọn, khách muốn trả tiền thì cho vào một chiếc hộp nhỏ tùy theo mức độ trải nghiệm và cảm nhận của mình.
|
Không có khoảng cách giữa người nói và người điếc |
Cửa hàng trưởng Nguyễn Tú Uyên kể, cô biết đến dự án Quán của Thời Thanh Xuân qua Facebook đã lâu; khi nghe nói sẽ có chi nhánh ở TP.HCM, cô liền ngỏ ý được đồng hành. “Ở đây, tụi mình hầu như không ghi giá tiền, mọi người tùy tâm muốn trả bao nhiêu cũng được; thậm chí không trả cũng không sao. Chúng mình vẫn phục vụ trong sự vui vẻ và bằng cả tấm lòng” - Uyên cho biết.
Nhưng nếu ai cũng vào quán uống nước “miễn phí” thì các bạn có sợ lỗ? Uyên mỉm cười nhẹ nhàng: “Tiền có thể nay có, mai không nhưng tình cảm rất thiêng liêng, không đong đếm được bằng vật chất. Chúng mình tin quán sẽ duy trì được lâu dài bởi tấm lòng hào sảng của người Sài Gòn”.
Người thắp lửa
“Cha đẻ” Quán của Thời Thanh Xuân chính là Võ Thành Luân (32 tuổi, quê H.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Đây là một dự án doanh nghiệp xã hội mang tính nhân văn, giúp những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau.
|
Không gian yên bình, mộng mơ của quán |
Trước đây, Luân cũng giống như nhiều người trẻ khác, luôn quay cuồng trong suy nghĩ làm sao kiếm được nhiều tiền và hưởng thụ. Năm 2016, khi đi du học tại Philippines, Luân gặp những nạn nhân của cơn bão Hải Yến. Họ đói khát, rách rưới, lê lết trên những con phố. Nhìn cảnh tượng ấy, anh không thể cầm lòng, bèn mang hết quần áo, tiền bạc trong người tặng các nạn nhân. Khi trở về Việt Nam, Luân quyết định giã từ những dự định, thói quen cũ để dấn thân vào con đường mới. Sau một thời gian trăn trở, “Quán của Thời Thanh Xuân” ra đời ở Đà Lạt. Ba năm sau, tháng 10/2019, quán có chi nhánh đầu tiên ở Sài Gòn.
Khi bắt tay vào thực hiện dự án tại Đà Lạt, Luân chỉ có hai bàn tay trắng. Anh bán những thứ quý giá mình có được, thuê một căn nhà làm quán. Hơn nữa, điều chàng trai trẻ này muốn hướng đến là hỗ trợ, giúp người điếc tự tin, hòa mình vào cuộc sống. Luân gọi các bạn không thể nghe hoặc nói là người điếc thay vì dùng từ “khiếm thính”. Thế nên, quán phân biệt người bình thường và người khiếm thính bằng cái tên “người nói” và “người điếc”.
Luân giải thích: “Đó là văn hóa của người điếc. Sứ mệnh của bọn mình là lý giải để mọi người hiểu được những người điếc muốn xã hội gọi mình như vậy. Trong văn hóa của họ, gọi điếc nghĩa là tôn trọng. Bạn đừng suy nghĩ theo tư duy của người nói mà hãy tư duy theo kiểu cách người điếc... Đấy là người điếc nói với mình”.
Hiện Võ Thành Luân đang bận rộn ở Hội An. Thêm một chi nhánh nữa của quán sắp được khai sinh. “Tham vọng” của chàng trai trẻ là trong hai năm tiếp theo có thể mở được 30 chi nhánh trên khắp đất nước. “Mình muốn tạo việc làm, tạo thu nhập, giúp các bạn điếc hòa nhập cuộc sống. Càng thêm nhiều Quán của Thời Thanh Xuân, cơ hội việc làm dành cho các bạn sẽ nhiều hơn”. Luân đã dành gần trọn tuổi thanh xuân của mình để biến tuổi thanh xuân của nhiều người trẻ thêm ý nghĩa. Tinh thần “phi lợi nhuận” Luân đặt ra cho quán đã mang đến cho chính Luân và những người trẻ như Luân, như các bạn nhân viên phục vụ của quán, như những vị khách ghé quán… cơ hội được mở lòng, trao đi và nhận về những giá trị tinh thần vô giá.
Phương Vy