l Quế
Quế thực ra không phải tên là Quế. Nó tên là gì thì không ai biết, chỉ có điều nó đột nhiên xuất hiện trước cửa nhà tôi vào một mùa đông năm ơ kìa khi bà nội tôi còn sống, và vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh. Theo cách gọi rất tâm linh thành kính của bà tôi thì bà chúa thượng ngàn đã gửi nó đến nhà tôi kèm theo một bao tải vỏ quế khô.
Thứ vỏ quế cuộn tròn lại thành ra một ống gỗ nâu óng, được cạo sạch vỏ rất cẩn thận, loại phơi được nắng, khô, thơm, đượm màu, chỉ cần mở vỏ bao, có thể cảm nhận được luồng hơi ấm nồng thơm cay ngọt ấy ùa ra dịu dàng… Con Quế im thin thít nhìn mẹ tôi kéo bao tải quế vào giữa nhà, nơi mà hương quế ngọt ngào đuổi sạch hơi than bùn độc địa, đuổi luôn cả mùi ẩm mốc cố hữu những mùa đông Hà Nội.
Vì không ai biết nó từ đâu ra, tên nó là gì, đến cả công an hộ tịch cũng gợi ý thôi thì nhà bác cứ giữ con bé lại cho đỡ lằng nhằng rắc rối nọ kia. Thế là nhà tôi có con Quế. Một dạng lai giữa con cháu - trẻ mồ côi - giúp việc vặt trong nhà!
Bà nội tôi quý nó lắm, bà tin rằng nó do thánh mẫu ban tặng kèm theo bao quế vàng bạc ngọc ngà kia. Nó và bao quế đến, bà tôi khỏi bệnh cứ như… chưa từng phải mua áo quan - chuẩn bị ảnh truyền thần để sẵn, mới cách đó đúng chỉ một con rằm!
Mẹ tôi cũng quý nó luôn, có nó mẹ như được uống sâm hàng ngày, da dẻ cứ hồng hào dần lên, tóc dần mượt ra đen lại… và cái thói nói chuyện một mình làm bố con tôi bao phen kinh hãi giờ khỏi hẳn vì thành ra nói chuyện với con Quế rất vui! Mẹ bảo rằng nhìn thấy nó, mẹ như thấy lại cả tuổi xuân của mẹ… Ồ, vậy nhìn thấy tôi, không rõ mẹ đã thấy gì?
Và cả con Tubi, cũng quý con Quế, vốn là con chó quá khôn, con Tubi thường xuyên bị bọn trộm giở đủ trò để bắt trộm. Trước nó một mình canh nhà, canh luôn bà nội già nằm nửa ngủ nửa lịm, nước trầu đỏ chảy tràn cả khóe môi. Bọn mèo mướp ở cái xóm này đã bị chuột ăn thịt bằng hết… chó thì ngu nên bị lên thớt lâu rồi.
Còn mỗi nó, vô phúc có bộ não quá nhiều nếp nhăn… sống đời mỏi mệt nằm dài bên bậu cửa. Giờ có con Quế, nó có bạn đi cùng. Con Quế băm cuống su hào già cho gà, con Tubi cũng lùa gà về máng. Con Quế nhóm than đun nước sôi hay lo phơi dưa cho héo hay chẻ củi hay nhặt giấy, nhặt vỏ lon… con Tubi cứ bon bon bên cạnh, một người một chó, một chó một người. Đầm ấm lắm!
Bố tôi công tác xa nhà triền miên coi như không tính, thỉnh thoảng con Quế hay có trò xin xỏ mẹ tôi đọc thư của bố tôi cho nó nghe. Rồi đoạn này đoạn nọ, nó cũng rơm rớm nước mắt, hoặc là cười toét miệng ngu ngơ… cứ như thể… đó là bố nó chứ chả phải bố của riêng tôi!
Con Quế lớn vù vù, cùng với tôi thành ra kiểu chị em bánh đa bánh đúc, tôi thân nó lúc nào tôi không để ý nữa… cho đến một ngày, tôi về nhà, thấy trước cửa có 10 bao tải quế chi, thơm ngát cả hành lang. Vào trong phòng thấy mẹ tôi, bà tôi nước mắt ngắn dài, tay cứ xoắn vào nhau chả nói chả rằng. Con Quế bận một bộ đồ kỳ dị và hơi sặc sỡ… có rất nhiều quả chuông bạc đang gõ leng keng. Nó đang nói một tràng dài, bằng tay. Tất nhiên rồi, nó là con Quế bị câm, chả nói bằng tay thì nói bằng gì đây nữa.
Rồi con Quế biến khỏi nhà tôi như là sau một mùa đông thì mùa xuân xồng xộc đến, phải thế, không thể khác. 11 bao tải quế nằm im lìm dưới gậm phản bà nội tôi. Cả nhà thơ thẩn, chó - gà ngơ ngẩn.
Tôi sẽ không kể tiếp về con Quế nữa, chuyện sau đó cũng nhiều nhưng mà tôi không muốn kể nữa. Chỉ có lần, nó gửi đến nhà tôi một bức thư toàn mùi tinh dầu quế, thư nó viết cũng dài, rằng ở bản nó không ai biết ngôn ngữ ký hiệu, nên nó hay đứng trước gương, tự nói chuyện bằng tay. Nó kể chuyện chồng nó bị bắt rồi, vì nhà nó nhiều cây thuốc phiện quá. Nó hỏi thăm bà nội có còn ngủ há miệng, mẹ có phơi kịp ca la thầu, bố có biên thư về thường xuyên, tôi có con chưa (mặc dù khi ấy tôi chưa có chồng), con Tubi đã chết chưa…
Tôi sẽ không kể thêm nữa về chuyện bà nội tôi đã mất, mất ngay trước ngày con Quế bị xử tử hình vì tội mang quá nhiều thuốc phiện trong bao tải đầy những vỏ quế khô. Nó, nếu thực sự bằng tuổi tôi như bọn tôi từng giao ước – ngày hôm đó vừa tròn 19 tuổi.
Bố tôi muốn dọn sạch cái kho dưới gậm phản của bà nằm, nhưng mẹ tôi không chịu, cứ ôm khư khư 11 bao “quế mục” (như lời bố tôi bảo). Mẹ tôi thì thầm nửa như chuyện trò, nửa như cầu khấn, kệ tôi đứng đằng sau: “Quế à, con đi xa, giữ gìn con nhé. Con trẻ dại quá, giờ bên ấy phải biết giữ gìn”.
Tôi mở cửa cho gió lạnh ùa vào, mùa đông sắp hết thật rồi, tết ở Hà Nội sẽ rất
nhanh thôi.
Trong lòng bàn tay tôi, quả chuông nhỏ kêu lanh canh khe khẽ… Quế đi thật rồi, tuổi trẻ của chúng tôi, đã đi thật rồi.
l Con tuần lộc bị điên
Con tuần lộc thực ra không phải là con tuần lộc, nó là người!
Trong một vở nhạc kịch vui nhộn - hơi khác thường với hiện trạng nghệ thuật mấy năm qua… bỗng nhiên xuất hiện một con tuần lộc biết nhảy múa hát ca, lại còn du côn, kiếm tiền giỏi đã thế… cũng biết yêu. Và thông minh thay, chọn cô gái đẹp nhất, hát hay nhất để yêu.
Con tuần lộc ấy mang đến cho hội trẻ, hội già, hội lỡ cỡ những cảm giác rất khác nhau mà thực ra là giống nhau kỳ cục… ví dụ, bọn trẻ sẽ thấy mình và những ước mơ điên cuồng của mình trong đó, hội già thì sẽ thấy tuổi trẻ đáng khát khao, đáng ước ao nó lồ lộ, ngồn ngộn ra kia, thấy chính tuổi trẻ đã qua của mình đang tưng bừng nhảy nhót trên sân khấu kia kìa, hội lỡ cỡ thì hừng hực cảm giác hình như mình vừa mới trẻ ngày hôm qua, sao hôm nay mình không tiếp tục trẻ nhỉ, 500 anh em ơi, TRẺ LẠI theo tôi!!!!
Vậy đấy, con tuần lộc này do người đóng - lúc thì cười hô hố, khi thì khóc hu hu, lại có bận im thin thít ra điều cô đơn yếu đuối. Nó như đầu tàu của một chuyến tàu cực khó đoán biết hành trình. Bạn mua vé khoang an toàn, hay khoang phiêu lưu, hay khoang cuồng nhiệt… kết quả cuối cùng bạn đều bị nó xỏ mũi dắt đi, và nó muốn dừng thì nó dừng, bạn mà hỏi, hay có ý phàn nàn, nó sẽ điên lên, đập bạn một phát chết luôn.
Tôi đang kể cho bạn nghe về một con tuần lộc không có thật đã được làm cho có thật trên sân khấu của bạn Nguyễn Phi Phi Anh. Con tuần lộc mũi đỏ bị điên này - với tôi - như linh hồn của cả vở nhạc kịch có tên rất chi hấp dẫn: Góc phố danh vọng. Tôi đã ngồi trong rạp cả hai giờ đồng hồ, có đoạn thì cũng bật cười, có đoạn thì cũng lặng đi, nhưng cũng nhiều khi thật sự là nén lòng nhìn xuống mũi giày.
Tôi cũng nhao vào vỗ tay, cho ra điều ta đây bao dung cổ vũ, tôi cũng nhíu mày khe khắt khi những đoạn dài và đều và tẻ mãi chả chịu trôi qua. Tôi cũng tự nhủ, thôi, sách dạy thế rồi, cái gì nói ra được cứ nói ra mà cái gì không nói ra nhưng làm cho mọi chuyện trôi qua tốt đẹp thì… thôi cứ im thin thít như con Quế! Thế cũng tốt lành.
Nhưng vấn đề là cái con tuần lộc ấy, nó không chịu để tôi yên. Nó cứ như con điên, nói huyên thuyên cả đống chuyện vào đầu. Y hệt một đứa trẻ trâu tưởng mình có trong tay quyền năng của siêu nhân hoặc là tài năng của một vĩ nhân mang trọng trách đổi thay thế giới!
Ôi, cái bọn trẻ, tất cả cái bọn trẻ, tổng động viên bọn mang tinh thần tuổi trẻ… tất cả thu bé lại thành một con tuần lộc bị điên đang ngồi đần thối trước mắt mình. Con tuần lộc ấy làm tất cả để thỏa đam mê, rồi lại dành tất cả đam mê chưa kịp thỏa để đổi lấy tình yêu lớn trong đời của nó. Nó đe dọa, nó bạo hành, nó ngọt ngào, dụ dỗ, nó tự lừa mị cả bản thân. Y hệt như một kẻ si tình chính hiệu.
Con tuần lộc bị điên ấy, quả nhiên làm cho tôi, à không, làm cho một phần tuổi trẻ ở trong tôi cựa quậy, đòi sống dậy. Lúc vở diễn khép màn, một đám đông toàn những khối thanh xuân tươi mọng căng tràn, tha hồ ôm nhau, bắn pháo hoa, hát và hét lên những lời vô nghĩa… tôi cứ đứng đó, lặng nhìn và khóc nức nở không nên hơi.
Tuổi thanh xuân ấy cách tôi vài sải chân bước, mấy hàng ghế bọc dạ xanh… thế mà sao nó xa quá đỗi, sao nó lại ra đi chả bao giờ trở lại… sao lúc nó chình ình chiếm lĩnh tôi, chả có ai bảo cho tôi rằng, rồi sẽ có ngày tôi-sẽ-tan ra-như -những dòng nước mắt. Vì nhìn thấy tuổi trẻ của mình trôi vụt mất đi đâu!
Bây giờ tôi đã hiểu, vì sao cậu ta đóng vai tuần lộc vào đến vậy! Là vì, trong mỗi con người mình đây, đều có một con tuần lộc bị điên mũi đỏ. Thanh xuân có thể đã qua, nhưng cơn điên của con tuần lộc vẫn còn. Thật nhẫn tâm nếu chúng ta béo tốt, phủ phê, còn con tuần lộc thanh xuân… gầy trơ xương
chết đói!
l Thằng bé cổ đeo chìa khóa và những bô nước đái
Khi tôi 18, bắt đầu làm bộ phim ngắn đầu tay của mình, thằng em tôi vừa lên sáu. Nó học lớp 1 trường gần nhà, ngoan và hư như mọi đứa bé bình thường khác. Tôi đi lang thang khắp xó xỉnh ngõ ngách Hà Nội, tìm diễn viên, tìm bối cảnh, tìm cảm hứng… Rồi tôi lôi thằng em mình vào đóng trong phim, vai một cậu bé con, chuyên nghề thổi bóng xà phòng và lủng lẳng trên cổ là xâu chìa khóa. Thoại chỉ nhõn hai từ: “Cúc cu!”.
Hồi ấy, tôi đã thấy em mình quả nhiên rất khá, diễn xuất tự nhiên, trong trẻo, thông minh. Nó là con trai út, gia đình theo thói thường cũng đặt nhiều kỳ vọng, ví dụ rõ nhất là, cứ xem tử vi thì sẽ chăm chăm nhờ các thầy giải lá số của nó đầu tiên. Trăm thầy cả trăm đều bảo nó sẽ là thằng cực oách, abc, xyz toàn những điều các ông bố bà mẹ mê mẩn ao ước tưởng tượng CON TÔI!
Rồi ngày tháng trôi, nó cũng phần nào không giống mấy với những lời thầy bà đưa đến, nó học cũng bình thường, nhưng khi cần, quả nhiên tập trung một tháng thì đỗ đại học cũng vào hàng đáng nể. Nhưng đại học thì… ý nghĩa gì mấy trong cái xã hội như này, vèo vèo đã hết bốn năm, ra trường nó cũng đi làm linh tinh, lương trên 5 dưới 8 (triệu), đủ gọi là tân sinh viên hơi hoành một tí.
Chuyện chắc cứ thế mà thư thả trôi đi, lá số tử vi có khi cũng chỉ còn là kỷ niệm vui thời thơ ấu. Đùng phát, mẹ tôi lâm trọng bệnh, mọi chuyện đảo lộn tùng phèo… thằng em tôi đang đà lối mòn sau một năm tốt nghiệp thử làm việc linh tinh sẽ du học ngành abc thời thượng ở mấy nước rất ơ kìa… tất nhiên, phanh két, cua ngoặt lại ngay.
Hai năm đã trôi qua, bệnh tình của mama không có dấu hiệu gì hồi phục, ngày qua ngày chừng đó thủ tục diễn ra, từ ăn uống, thuốc thang, vệ sinh, lau tay, lau mặt, huyết áp tăng, đường huyết tụt. Thằng em tôi, giờ chuyện du học đã đổi thành nghỉ việc kinh doanh tinh dầu tại gia, và không bao giờ quên hai giờ một lần kiểm tra để xả túi nước tiểu cho mẹ.
Thương nó, cũng có ý than thở - rằng cứ thế này còn chi tuổi trẻ, cứ thế này còn gì tương lai, và mình đấm ngực rất bi kịch vì chính mình cũng chả biết phải làm gì thêm… nhưng mặt nó cười cười, chả rõ buồn hay vui, làm mình đâm ra cũng bối rối. Bối rối xong rồi lại nhớ sinh nhật này nó vừa đủ 22. Nó xin nghỉ việc, để chủ động thời gian chăm mẹ… Ôsin giờ cũng bữa được bữa không!
Nhìn nó bây giờ, thật khó để nghĩ chuyện mời nó đóng phim, vì cái mặt nó chả còn kiểu trong veo veo như hồi lên sáu! Nó cũng chả hiếu thảo ngọt ngào như trong sách báo, khi tức lên nó gào quát cũng inh nhà. Nó cũng chả có mảnh tình nào sến sẩm vắt vai, cũng loay hoay khởi nghiệp nhưng chả ra đầu và cũng chả ra đũa…
Nói tóm lại, nó loanh quanh cùng bô nước đái, cùng những ê ẩm và than vãn tuổi già. Ưu điểm của nó, chắc là, dù xung quanh có ra sao thì ra, nó vẫn giữ được cái nhìn tươi lành, bản thiện. Một cái nhìn bố tôi vẫn bảo, thường gặp nhất ở bọn đương tuổi thanh xuân.
Mama lẫn cẫn nhiều, tôi cũng chuyện nọ xọ chuyện kia, nhiều khi giật mình quay lại thấy thằng em vẫn đang sắc thuốc, đổ bô… Nghĩ cho cùng, tuổi trẻ theo cách nào ừ thì ta lựa chọn, nhưng ngay cả khi cửa lựa, cửa chọn hẹp đến nỗi tưởng như chỉ còn khe hở… thì nhìn qua khe ấy, nói cho vuông tròn, vẫn cần một ánh mắt thực sự thanh xuân!
Ðạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp