Thánh vắc-xin - mối họa trong năm 2019

20/02/2019 - 17:00

PNO - Trong lúc các “thánh vắc-xin” đưa ra những cáo buộc phi lý về tác hại của vắc-xin thì hàng loạt trường hợp mắc sởi cùng các bệnh truyền nhiễm đã được cập nhật trên toàn nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác.

Facebook là kênh thông tin mở, hạn chế gạn lọc, nhưng đến nay cũng phải lên tiếng khẳng định sẽ can thiệp, ngăn chặn nguồn phát tán những thông tin tẩy chay vắc-xin. Làn sóng tẩy chay vắc-xin đang gieo rắc thảm họa thật sự khi dịch sởi đã quay trở lại.

Mạng xã hội “tiếp tay” thảm họa

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đăng trên Guardian, đã báo động về dịch sởi khi số ca mắc sởi tăng 50% trong năm 2018. Thống kê của WHO cũng chỉ ra, làn sóng tẩy chay vắc-xin là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh, lẽ ra không còn cơ hội xuất hiện ở những nước có nền y tế phát triển, quay trở lại.

Thanh vac-xin - moi hoa trong nam 2019

Chỉ riêng các chiến dịch tẩy chay vắc-xin ở Mỹ, có đến 147 nội dung tuyên truyền khác nhau, hầu hết đều thu hút cộng đồng. Nhiều nội dung trong số ấy đạt trung bình 5 triệu lượt xem. WHO dẫn chứng, các kênh như Facebook, YouTube là nền tảng mà các “thánh vắc-xin” (đối tượng chỉ trích vắc-xin không dựa trên chứng cứ khoa học) tự do đăng tải những thông tin không kiểm chứng.

WHO kết luận, việc chần chừ, từ chối vắc-xin là đe dọa nghiêm trọng trong số 10 mối đe dọa đáng sợ nhất đối với sức khỏe toàn thế giới trong năm 2019.

Giữa tháng Hai, đại diện mạng xã hội lớn nhất hành tinh - Facebook - khẳng định: “Chúng tôi đang từng bước loại bỏ đường dây phát tán thông tin sai sự thật liên quan đến sức khỏe. Không dừng lại ở bước can thiệp kỹ thuật, chúng tôi sẽ kết hợp với các chuyên gia đầu ngành, cung cấp thông tin chính thống cho cộng đồng”.

Phản hồi được Facebook đưa ra như cách xoa dịu chính quyền, sau khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ - Adam Schiff - gửi thư ngỏ đến nhà sáng lập đồng thời đang điều hành Facebook - Mark Zuckerberg cùng Giám đốc điều hành Google - Sundar Pichai, bày tỏ sự lo ngại việc các tập đoàn công nghệ thả lỏng thông tin giả liên quan đến vắc-xin.

Hậu quả là nhiều phụ huynh tin rằng, nói không với vắc-xin là lựa chọn thể hiện mình hiểu biết, có trách nhiệm. Sự thật, đó là hành vi đẩy sức khỏe cộng đồng đến bờ vực, tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát. Câu hỏi về trách nhiệm của các cỗ máy công nghệ đã được đặt ra.

Vì sao họ cấm quảng cáo thuốc lá với lý do gây ảnh hưởng đến sức khỏe cá nhân, trong khi việc phát tán thông tin gây ảnh hưởng đến cả cộng đồng lại bị bỏ sót?

Trong lúc các “thánh vắc-xin” đưa ra những cáo buộc phi lý về tác hại của vắc-xin thì hàng loạt trường hợp mắc sởi cùng các bệnh truyền nhiễm đã được cập nhật trên toàn nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia khác. Bang Washington đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi số ca mắc sởi chỉ trong tháng 1/2019 được ghi nhận là 58 ca.

Bác sĩ Alan Melnick - Giám đốc Cơ quan Y tế quận Clark (nơi bùng phát sởi tại bang Washington) - nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với CNN: đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Chỉ cần bạn ở trong căn phòng mà một người nhiễm sởi từng lưu lại 2 giờ trước đó đã đủ để bạn có nguy cơ nhiễm sởi. Trung bình, cứ 1.000 trẻ nhiễm sởi sẽ có 2 trẻ tử vong.

Bị “ném đá” vì ủng hộ chủng ngừa

“Chẳng bao giờ tôi tin được mình phải hứng chịu những lời lẽ hằn học, độc địa mà họ đổ lên vợ chồng tôi, trong lúc tôi suy sụp đối diện với cái chết của con trai và cố gắng gửi đi thông điệp để không một gia đình nào khác phải hứng chịu bi kịch như chúng tôi đã từng” - chị Catherine Hughes chia sẻ về trải nghiệm đau lòng của mình trên trang Ten Daily. Catherine Hughes là nhà đồng sáng lập dự án “Tia sáng cho Riley” và cũng là Giám đốc Quỹ chủng ngừa Australia.

Thanh vac-xin - moi hoa trong nam 2019
Nỗi đau mất con khiến vợ chồng Catherine Hughes quyết đứng lên chống lại “thánh vắc-xin”

Tháng 2/2015, cậu con trai bé bỏng Riley chào đời, cũng là lúc chị Catherine và chồng rơi vào hố sâu đau đớn. Chỉ mới vài ngày tuổi, Riley đã phải vật vã chống chọi với bệnh ho gà. Bé qua đời khi chỉ mới 32 ngày tuổi, trước khi kịp tiêm liều vắc-xin đầu đời. Catherine Hughes đã kêu gọi các bà mẹ đang mang thai hãy tiêm vắc-xin ho gà, nếu không muốn con mình gặp rủi ro.

“Cơn mưa đá” đã trút xuống Catherine và gia đình cô. Nhưng Catherine không lùi bước. Lời mắng nhiếc càng khó nghe, chị càng quyết tâm hành động, sáng lập dự án cộng đồng “Tia sáng cho Riley”, chia sẻ kiến thức khoa học về chủng ngừa.

Ám ảnh nhất với Catherine không phải là “cơn mưa đá” từ những nhóm người đầy thù hằn mà là cảnh tượng Riley khó khăn từng nhịp thở, nằm yên chịu đựng những ống tiêm đâm vào da thịt để thử máu, khắp người em chằng chịt dây nhợ và ống dẫn.

Suốt 4 năm qua, Catherine vẫn không ngừng hình dung Riley lẽ ra sẽ lớn lên, sẽ ghi dấu những cột mốc quan trọng cùng gia đình, nhưng vĩnh viễn cậu bé chẳng có được cơ hội ấy. Đến tận bây giờ, Catherine và chồng vẫn chưa thoát khỏi những tin nhắc “rác” của người lạ. Kỳ diệu ở chỗ, đấy lại chính là động lực cho Catherine chia sẻ với nhiều người hơn câu chuyện của con trai, về ký ức đầy nước mắt đã theo cô suốt bấy lâu. 

Thiên Như

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI