Thanh tra Sở Y tế TP.HCM: Không bó tay trước phòng khám Trung Quốc lừa đảo bệnh nhân

07/04/2017 - 15:08

PNO - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết bị tress khi đọc về những sai phạm của phòng khám Trung Quốc trên địa bàn do báo chí đăng tải vừa qua.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM nói: "Tôi stress khi nhận được phản ánh của người dân. Những gì báo chí phản ánh chỉ là một phần nổi thôi. Như chúng ta biết, giai đoạn đầu họ hoạt động không phép…

Giờ các phòng khám này chuyển sang giai đoạn mới, ngày càng tinh vi, có đủ giấy phép. Thứ nhất, chứng chỉ hành nghề của bác sĩ TQ do Bộ Y tế cấp theo quy định. Giấy phép hoạt động của phòng khám do Sở Y tế tỉnh, thành cấp.

Thanh tra So Y te TP.HCM: Khong bo tay truoc phong kham Trung Quoc lua dao benh nhan
Bác sĩ Bùi Minh Trạng - Chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM 

Ban đầu khi xin phép hoạt động, tất cả đều là người Việt Nam đứng tên. Các vị trí bác sĩ phụ trách chuyên môn, trưởng khoa phòng, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đều là người Việt, nhưng sau khi hoạt động một thời gian, bắt đầu đưa bác sĩ TQ vào làm việc".

- Thưa ông, dường như chúng ta đang bó tay với phòng khám TQ?

Bác sĩ Bùi Minh Trạng: Báo chí, anh em đồng nghiệp đặt ra câu hỏi hết sức chính đáng “có bó tay không”? Nói thật, không phải tôi tự tin, nhưng tôi khẳng định không bó tay với chuyện này. Chúng ta có đầy đủ con người, công cụ, pháp luật để làm. Dư luận có quyền đặt nghi ngờ có chuyện bảo vệ, bao che không mà sao thấy vi phạm hoài mà cứ tồn tại.

Trong năm qua, với khoảng 14.000 cơ sở y tế tư nhân đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi đã tiến hành phạt vi phạm trên 10 tỷ đồng. Nhưng trong số tiền phạt, chỉ riêng 16 phòng khám TQ đã chiếm tới 1,1 tỷ đồng (hơn 10%).

- Vậy biện pháp cụ thể nào, thưa ông?

Bác sĩ Bùi Minh Trạng: Theo tôi, việc xử lý từng vụ không ăn nhằm gì, quan trọng là phải có biện pháp, công cụ ngăn chặn hành vi sai trái này. Do đó, trọng tâm thứ nhất là chấn chỉnh về giá. Dù quy định tư nhân có quyền quyết định giá khám chữa bệnh, nhưng theo luật giá mới năm 2017, tôi đã kiến nghị ban giám đốc sở yêu cầu các đơn vị này phải công khai giá cho tới tận tất cả các dịch vụ điều trị luôn, chứ không phải chỉ tiền khám.

Ví dụ mổ trĩ bao nhiêu tiền, cắt quy đầu bao nhiêu… phải công khai đầy đủ. Tôi đề nghị trong tháng Tư này phải thực hiện xong. Ngoài thực hiện niêm yết tại phòng khám, cơ sở phải trình lên Sở Y tế xem xét giá đó có phù hợp không. Đồng thời, để sở công khai trên trang web của sở để người dân biết.

Trọng tâm thứ hai, đó là yêu cầu chẩn đoán toàn diện. Khi một bệnh nhân vào được chẩn đoán, khám hết tất cả các bệnh và sau đó đưa ra đường hướng điều trị. Không thể chấp nhận tình trạng khi người ta đang ở trên bàn làm thủ thuật mới đề nghị làm thêm cái này, cái kia.

- Ông có ý kiến gì về các hành vi sai trái mang tính hệ thống của các phòng khám này?
Bác sĩ Bùi Minh Trạng: Tôi đã suy nghĩ nát nước, đề xuất phòng khám TQ phải báo cáo trước danh mục kỹ thuật, quy trình chẩn đoán.Tôi rất rầu cái từ “vẽ bệnh”, tức là chẩn đoán sai. Nhưng người ta không có bệnh mà nói có bệnh, lại là chẩn đoán sai cố ý. Chúng ta phải chứng minh điều đó.

Bằng cách nào? Tôi sẽ cho họ thấy khi cấp chứng chỉ, anh đạt được điều kiện, nhưng thực tế giám sát tôi thấy anh cứ chẩn đoán sai hết lần này, đến lần khác, tức là không bảo đảm được chuyên môn. Tôi đã đề nghị sở, tước chứng chỉ bác sĩ có ý “chẩn đoán sai”.

Giữa tháng Ba, thanh tra đã yêu cầu đầu tháng Tư các phòng khám TQ phải nộp danh mục kỹ thuật, quy trình chẩn đoán và cách thức điều trị cho tất cả bệnh lý nhưng chưa thấy ai nộp hết cả. Trách nhiệm của chúng tôi quá lớn, nhưng cũng hiểu nếu làm không được thì đứng sang một bên cho người khác làm. Tôi đề nghị phòng nghiệp vụ y hối thúc, hướng dẫn cho các phòng khám trình sớm những yêu cầu này.

- Từ những bất cập trong thực tiễn quản lý phòng khám TQ, ông thấy cần có thay đổi nào trong việc chế tài?

Bác sĩ Bùi Minh Trạng: Luật thường quy định cho cái chung, người làm luật cũng không ngờ trong thực tế lại có nhóm người đối phó, lách luật kiểu đó. Chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ toàn diện bởi đưa ra áp cho cái chung. Nó không tránh khỏi việc quá nặng với những người làm ăn chân chính do sơ suất. Thế nhưng, chế tài lại quá nhẹ với những kẻ cố tình luồn lách, cố tình sai phạm.

Tôi nghĩ, đến một lúc nào đó các nhà hoạch định chính sách phải có các chế tài không phải nặng nhẹ, mà phải phù hợp. Có thể chia ra cụ thể mức chế tài, xử phạt cho các cơ sở theo quy mô đầu tư, không đánh đồng hết như hiện nay. Thứ hai, chia theo vị trí địa lý, vùng miền hoạt động khác nhau. Và chế tài phải có quy định mức tăng nặng cho những trường hợp tái phạm nhiều lần, có thể cấm hành nghề.

Liên quan phòng khám TQ còn có yếu tố thông dịch viên do Bộ Y tế cấp chứng chỉ song song với việc cấp chứng chỉ cho bác sĩ nước ngoài hành nghề trên lãnh thổ Việt Nam. Để đủ điều kiện thông dịch cho bác sĩ, ngoài trình độ tối thiểu đại học về ngoại ngữ, còn phải có kiến thức y khoa từ trung cấp trở lên. Khi đi kiểm tra, thông dịch của các phòng khám này thường không có mặt. Tôi nghi ngờ người được cấp phép thông dịch thì cho thuê lại chứng chỉ hành nghề tại các phòng khám này.

- Xin cảm ơn ông.

 Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI