PNO - Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng xem xét thu hồi 13 dự án bất động sản tại TPHCM vì được giao đất khoảng 20 năm nhưng không thực hiện đầu tư. Trong đó có những dự án đã bán cho khách hàng, vậy quyền lợi của khách hàng sẽ ra sao?
Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, pháp luật về kinh doanh bất động sản quy định rất rõ đối với mỗi loại hình sản phẩm bất động sản (đất nền, căn hộ…) khi bán ra thị trường phải đáp ứng các quy định liên quan như nghiệm thu hạ tầng đất nền (có giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận….) căn hộ phải nghiệm thu phần móng, giấy phép xây dựng…
Luật sư Trần Minh Cường - Đoàn Luật sư TPHCM
Tuy nhiên, đối với 13 dự án Thanh tra kiến nghị thu hồi nêu trên, hầu hết các dự án chưa hoàn thành thủ tục giải phóng mặt bằng, chưa có quyết định giao đất chính thức, chưa triển khai đầu tư xây dựng, chưa thu tiền sử dụng đất. Do đó, việc một số chủ đầu tư huy động vốn tại các dự án trên là “bán lúa non”. Như vậy, đến hiện nay, chủ đầu tư có thể vẫn chưa bàn giao đất và giấy chứng nhận như cam kết tại các thỏa thuận với khách hàng (nếu đã bán cho khách hàng). Hiện nay, phát sinh rủi ro dự án bị xem xét thu hồi thì các bên sẽ căn cứ theo các thỏa thuận hợp đồng đã ký để làm cơ sở xem xét giải quyết (hoàn tiền gốc và lãi hoặc bất kỳ phương án nào được các bên ghi nhận tại Hợp đồng/Thỏa thuận đã ký).
Việc thỏa thuận theo hợp đồng giữa các bên như trên được xác lập trên cơ sở tự nguyện. Các giao dịch giữa người mua với chủ đầu tư mang tính chất dân sự, khi rủi ro xảy ra người mua chỉ có thể yêu cầu các bên trả lại tiền. Không được trả lại tiền theo yêu cầu thì chỉ còn giải pháp là khách hàng khởi kiện ra tòa để đòi lại tài sản đã bỏ ra.
“Thông thường tòa sẽ xem xét hiệu lực hợp đồng, do bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh về nguyên tắc tòa án sẽ tuyên vô hiệu hợp đồng và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định pháp luật về dân sự (các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận và bồi thường thiệt hại nếu có). Lúc này khách hàng sẽ phải chịu rủi ro vì họ đã bỏ tiền ra 10 năm nhưng chỉ nhận lại như cũ, so với việc nhận nền đất cách đây 10 năm sẽ khác nhau (xét đến yếu tố trượt giá và lợi nhuận cơ hội khác). Tóm lại các trường hợp Nhà nước thu hồi dự án do chủ đầu tư vi phạm điều kiện về kinh doanh bất động sản, khách hàng chịu hoàn toàn rủi ro. Việc giải quyết phụ thuộc vào thiện chí của các bên, còn kiện ra tòa thì tốn thời gian, chi phí. Cho nên người dân cần thận trọng kiểm tra, nghiên cứu kỹ pháp lý dự án trước khi mua” - luật sư Cường nói thêm.
Dự án khu dân cư 6A của Intresco hiện vẫn chưa được triển khai và đang bị kiến nghị thu hồi
Cũng theo luật sư Cường, ngoài ra, Nhà nước nên có các biện pháp ngăn ngừa từ gốc của vấn đề, xem xét, đánh giá, cân nhắc thật kỹ về năng lực của các chủ đầu tư khi giao đất cho họ cũng như các yếu tố về đất đai, khả năng thành công trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay từ khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư.
Trường hợp dự án bị chậm triển khai cần gia hạn đầu tư, Nhà nước cũng cần đánh giá lại nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc… cần phải gia hạn, kéo dài thêm thời hạn thực hiện dự án. Đồng thời, phải yêu cầu chủ đầu tư đưa ra phương án giải quyết đủ sức thuyết phục cho việc khi được gia hạn, tránh gia hạn dễ dãi và không kèm theo các điều kiện, cam kết ràng buộc chặt chẽ.
Kiến nghị thu hồi 13 dự án tại Khu đô thị Phía Nam
Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét thu hồi 13 dự án trong Khu đô thị phía Nam TPHCM đã được giao đất từ năm 1999 - 2003 nhưng chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai, chưa đầu tư xây dựng.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Nam Sài Gòn khu 6 (10,1ha) của Công ty TNHH MTV xây dựng Bình Minh; khu dân cư Intresco khu 6A (6,91ha), dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu 6B (21,73ha) và dự án phát triển nhà ở lô số 5 (6,73ha) đều của Công ty CP đầu tư kinh doanh Nhà; dự án chung cư tái định cư khu 6B (2,59ha) của Công ty TNHH Việt Thiên; dự án phát triển nhà ở lô số 3 (2,32ha) của Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4.
Dự án khu công viên dịch vụ vui chơi giải trí Hoa Đồng (3,78ha) của Công ty CP sản xuất dịch vụ Hoa Hồng; khu dân cư 9A-2 (19,21ha) của Công ty CP và phát triển bất động sản Việt Liên Á; khu công viên KH và DC (48,55ha) của Công ty CP Đất Phương Nam; trung tâm thương mại dịch vụ và bãi đậu xe 194 - khu 9B (2,95ha) của Công ty CP Đầu tư Xây dựng 194; khu dân cư Thăng Long (24,79ha) của Công ty CP xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng số 9; dự án xưởng sản xuất cửa nhựa cao cấp khu 15 (1,08ha) của Công ty TNHH Lĩnh Phong.
TPHCM yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.