“Phù phép” các khoản chi liên quan tiền quyên góp phòng chống dịch?
Theo đó, ngày 22/4, UBND thành phố tiếp nhận phiếu chuyển số 137/TTBNV-PĐP của Thanh tra Bộ Nội vụ về đơn của một cán bộ kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của ông Lê Minh Tấn trong vai trò Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM.
|
Ông Lê Minh Tấn đã nhận quyết định về hưu trước tuổi kể từ ngày 1/5 vừa qua - Ảnh: Internet |
Thực hiện chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức, Văn phòng UBND thành phố chuyển Thanh tra thành phố đơn kiến nghị của cán bộ trên để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật và thông báo kết quả giải quyết đến Thanh tra Bộ Nội vụ.
Trong đơn, vị cán bộ đề nghị ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có ý kiến xem xét xử lý ông Lê Minh Tấn vì nhiều dấu hiệu sai phạm.
Theo đơn, từ tháng 7 đến tháng 10/2021, ông Tấn lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng không đúng mục đích các khoản tiền từ các chi bộ, công đoàn cơ sở đã đóng góp cho công tác xã hội và phòng chống dịch COVID-19.
Cụ thể, ông Lê Minh Tấn đã không sử dụng đúng mục đích số tiền 461.207.600 đồng vận động từ đội ngũ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các phòng, ban, đơn vị trực thuộc thuộc Sở đóng góp cho cơ sở cai nghiện ma túy Bố Lá, trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc bị phong tỏa vì dịch bệnh và lực lượng tuyến đầu trên địa bàn thành phố.
Số tiền này được “biến hóa, phù phép” thành các khoản chi, mục chi khó lý giải. Khoản chi cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Sở thì danh sách nhận tiền không có người lao động là lái xe, nhân viên phục vụ trong khi họ cũng tham gia tuyến đầu chống dịch, cũng đứng trước ranh giới sự sống và cái chết nếu chẳng may nhiễm COVID-19.
Khoản chi thăm, viếng 30 gia đình công chức, viên chức, người lao động các đơn vị trực thuộc Sở đã mất hoặc có người thân mất vì COVID-19 chỉ có 50 triệu đồng. Trong khi đó số tiền chi cho 23 thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của Sở lên đến 97,6 triệu đồng, có nghĩa là mỗi thành viên ban chỉ đạo (trong đó có giám đốc Sở) nhận 4,6 triệu đồng, cao gấp 3 lần số tiền 1,6 triệu đồng dành thăm viếng một gia đình có người mất vì dịch bệnh.
Ngoài ra, mãi đến ngày 23/12/2021 Sở mới tổ chức đoàn đi thăm viếng. Câu hỏi mà đơn kiến nghị đặt ra là có hay không việc chỉ đạo, thống nhất để hợp thức hóa các hồ sơ cho việc chi từ nguồn vận động trên?
Số tiền đóng góp từ tháng 7 năm ngoái nhưng đến tháng 1/2022 đối tượng đích của cuộc vận động, cụ thể là 2 trung tâm, chỉ nhận được một ít khẩu trang vào thời điểm dịch bệnh đã ổn định, hàng hóa không còn khan hiếm.
Vào tháng 3/2022 tại buổi họp công khai kết quả vận động, chánh văn phòng Sở chỉ đọc báo cáo mà không gửi cho đại biểu tham dự. Kết luận buổi họp, giám đốc Sở yêu cầu các phòng, ban, đơn vị làm văn bản về việc có thống nhất báo cáo hay không!?
Điều này theo đơn kiến nghị là không đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND TPHCM về công khai đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đang công tác tại Sở và các đơn vị trực thuộc Sở...
Làm rõ các khiếu nại, tố cáo từ năm 2020 cho đến nay
Vấn đề thứ hai, từ năm 2020 đến nay, báo chí và mạng xã hội đưa rất nhiều thông tin và các đơn thư khiếu nại, tố cáo chính thức cũng như không chính thức các vấn đề liên quan đến ông Lê Minh Tấn.
Điển hình như khiếu nại, tố cáo về thi đua khen thưởng, lý lịch cán bộ, học hành, bằng cấp và bổ nhiệm thần tốc, con đường thăng tiến, nhận tiền hỗ trợ COVID-19, phát ngôn “không có ai thiếu ăn thiếu mặc”, biến xe công thành xe tư…
Thế nhưng, tập thể công chức, đảng viên, người lao động của Sở không hề nhận được thông tin công bố chính thức nào từ các cấp có thẩm quyền của TPHCM nhằm trả lời dư luận.
Vị cán bộ kiến nghị hai bộ trưởng có ý kiến với Ban Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch UBND TPHCM sớm công bố kết luận về các vụ việc báo chí đăng tải, đơn thư tố cáo liên quan đến ông Lê Minh Tấn để trả lại niềm tin, sự trong sạch cho đội ngũ nhân sự đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước và ngành lao động - thương binh và xã hội thành phố.
Người đứng đơn cũng đề nghị hai bộ trưởng có ý kiến với Chủ tịch UBND thành phố thành lập đoàn Thanh tra để thanh tra việc quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, sử dụng nhân sự của Sở từ khi ông Tấn làm việc cho tới thời điểm hiện nay đã đảm bảo quy định pháp luật, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực và có lãng phí nguồn lực của Nhà nước không?
Đề nghị thanh tra tài chính nguồn kinh phí chi thường xuyên và không thường xuyên của Sở. Thông báo công khai quyết toán thu chi nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn khác năm 2021 do ngày 16/3/2022 tại hội nghị cán bộ, công chức cơ quan cho thấy có nhiều khoản chi không rõ nhưng không được giải thích.
Đề nghị làm rõ các nguồn do Văn phòng Sở vận động trong thời gian qua, điển hình việc vận động 60 triệu đồng tại báo cáo công khai kết quả vận động COVID-19, phục vụ cho mục đích gì và có đúng chức năng không?
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã có Quyết định số 07/QĐ-UBND-TC về việc nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lê Minh Tấn kể từ ngày 1/5. Quyết định trên của lãnh đạo thành phố căn cứ trên Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Cán bộ công chức, Luật BHXH và Nghị định số 46/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức. Như vậy, căn cứ vào ngày sinh 15/3/1963, ông Lê Minh Tấn nghỉ hưu sớm trước tuổi. Hiện ông chỉ mới 59 tuổi. |
Quốc Ngọc