Thanh tra An toàn thực phẩm có đang 'ảo tưởng sức mạnh'?

05/06/2017 - 17:26

PNO - “Tôi rất dị ứng với từ thanh tra chuyên ngành. Thanh tra mà không có “vũ khí” như trang thiết bị, test thử nhanh thì làm sao biết thực phẩm đạt hay không?", ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Ban Quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP HCM cho biết, thi thoảng lại có cơ quan chức năng công bố đã lập bao nhiêu đoàn thanh tra về ATTP, đã tăng cường thanh tra ra sao, rồi xử phạt được bao nhiêu cơ sở, phát hiện được bao nhiêu vi phạm. Thế nhưng điều đó thực chất không có gì là ghê gớm, hiệu quả không được bao nhiêu.

Thanh tra An toan thuc pham co dang 'ao tuong suc manh'?
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan - Giám đốc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM.

Ngay Ban Quản lý ATTP TP.HCM đi vào hoạt động từ tháng 3/2017 đến nay, đang tập trung chủ yếu vào kiểm tra, giám sát chứ không phải thanh tra hay thanh tra chuyên ngành.

“Tôi rất dị ứng với từ thanh tra chuyên ngành. Thanh tra mà không có “vũ khí” như trang thiết bị, test thử nhanh thì làm sao biết thực phẩm đạt hay không? Thanh tra mà không có “công cụ”, tức không có chế tài thì làm sao có sức răn đe? Trong khi hiện thanh tra ATTP của chúng ta đa phần chưa có cả vũ khí lẫn công cụ” – bà Lan nói.

Giám đốc Ban Quản lý ATTP TP.HCM phân tích thêm, đừng khoác cho thanh tra liên ngành ATTP “chiếc áo ảo tưởng sức mạnh quá lớn”. Chưa kể những phức tạp về thủ tục hành chính như muốn thanh tra chuyên ngành phải có quyết định, phải thành lập đoàn, rồi các Sở trong đoàn liên ngành cử cán bộ đại diện tham gia…, nhiều khi lãnh đạo các đơn vị trong đoàn liên ngành bố trí đi họp được cũng khó.

“Thậm chí nhiều đoàn liên ngành chưa đi thanh tra đã khua chiêng, gõ mõ, ai cũng biết nên khi đến thanh tra chẳng phát hiện được gì. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm tra thường xuyên để doanh nghiệp, người dân biết hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình đang có đơn vị giám sát” – bà Lan nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Ban Quản lý ATTP TP HCM Phạm Khánh Phong Lan, bà rất xót xa, trăn trở với bữa ăn tập thể của công nhân, người lao động và hiện đang chỉ đạo tập trung kiểm tra rất gay gắt.

“Có thể chủ doanh nghiệp cung cấp cho công nhân suất ăn 20.000 đồng/suất nhưng giá trị thật của suất ăn đó có khi chỉ 10.000 đồng vì còn qua bao khâu dịch vụ, trung gian. Không phải ông chủ doanh nghiệp cứ quăng tiền ra là xong mà phải có cơ chế giám sát, bảo vệ người lao động. Thực phẩm đắt tiền chưa chắc đã an toàn nhưng thực phẩm rẻ tiền, theo tôi chắc chắn không an toàn” – ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.

Thanh tra An toan thuc pham co dang 'ao tuong suc manh'?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình thêm các ĐBQH về vấn đề ATTP tại Quốc hội chiều 5/6.

Cũng trong chiều 5/6, phát biểu giải trình trước Quốc hội liên quan tới việc thực hiện chính sách phát luật về ATTP giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay hành lang pháp lý về quản lý ATTP đã khá đồng bộ, song vấn đề quan trọng nhất là tổ chức thực thi ở cơ sở.

Ngoài ra, một số quy định về quản lý ATTP còn bất cập, cần rà soát, điều chỉnh cả tầm Luật và văn bản dưới luật...

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra một thực trạng rất báo động trong lĩnh vực ATTP, đó là hiện vẫn có không ít doanh nghiệp coi thường sức khỏe người dân, coi thường quy định về ATTP.

“Thực tế vẫn có tình trạng người nông dân trồng rau 2 luống, một luống để ăn và một luống để bán. Người sản xuất vì lợi nhuận mà quên đi lương tri, cố tình làm trái pháp luật. Tuy vậy việc xử lý còn nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe” – Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Vũ Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI