Còn bảo hiểm y tế chỉ trả phí này cho đơn vị máu từ 250ml trở lên. Theo các cơ sở y tế, rắc rối này do Bộ Y tế mà ra.
Xài tiết kiệm bị truy thu
Ngày 4/5/2019, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM - gửi công văn số 447/BVNĐ1-KHTH kiến nghị Sở Y tế TP.HCM giúp bệnh viện “lấy lại” hơn 120 triệu đồng từ Bảo hiểm Xã hội TP.HCM thu năm 2018.
|
Người nhà bệnh nhân xem giá viện phí. Ảnh: Hiếu Nguyễn |
Số tiền này là chi phí xét nghiệm kháng thể bất thường, xét nghiệm NAT, ký sinh trùng sốt rét… nhằm đảm bảo an toàn cho những bịch hồng cầu lắng dưới 250ml tách từ máu toàn phần trước khi truyền cho bệnh nhi nhưng không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Cụ thể, với bịch máu có thể tích 200ml được các bệnh viện nhập về giá 701.600 đồng nhưng bảo hiểm y tế chỉ thanh toán 520.000 đồng. Tương tự, bịch hồng cầu lắng 100ml nhập về 370.800 đồng chỉ được thanh toán 280.000 đồng, bịch 150ml nhập giá 538.200 đồng chỉ được trả 402.000 đồng.
Trong khi đó, Bảo hiểm Xã hội TP.HCM lại chi trả phí làm xét nghiệm này cho những bịch hồng cầu lắng tách từ máu toàn phần có thể tích trên 250ml. Giá các bệnh viện mua về bao nhiêu sẽ được bảo hiểm y tế thanh toán bấy nhiêu.
|
Kiểm tra máu trước khi truyền cho bệnh nhân |
Một bác sĩ điều trị cho rằng: “Những đơn vị hồng cầu lắng tách từ máu toàn phần dưới 250ml chủ yếu dùng cho trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nên thường chỉ truyền một bịch là đủ. Thế nhưng, nếu bảo hiểm y tế không thanh toán sẽ thiệt thòi cho người bệnh lẫn bệnh viện.
Nếu lách luật rất dễ, chúng tôi vẫn cho trẻ truyền loại 250ml, dư thì làm giấy hủy bỏ (vì không thể dùng cho bệnh nhân khác) và bảo hiểm vẫn thanh toán hoàn toàn loại 250ml. Nhưng đạo đức nghề y không cho phép làm như vậy bởi đó là máu hiến. Vận động người hiến máu khó khăn và nhiều bệnh nhân đang cần máu. Do đó, chính sách y tế phải đúng đắn để bác sĩ lo cứu người, chứ không mệt mỏi với chính sách”.
Một chuyên gia hàng đầu về truyền máu huyết học phân tích: những bịch máu trước khi truyền cho người bệnh, đơn vị cung cấp máu có nhiệm vụ thực hiện các xét nghiệm đảm bảo an toàn mới chuyển đến bệnh viện.
|
Ngân hàng Máu của BV Truyền máu Huyết học TP.HCM chuyển máu an toàn đến các bệnh viện sử dụng |
Tại TP.HCM, hiện nay có Ngân hàng Máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học và Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy cung ứng máu và thực hiện các xét nghiệm an toàn mới chuyển đến các bệnh viện để truyền cho bệnh nhân.
Bộ Y tế chưa rõ ràng
Không chỉ có các bệnh viện nhập nguồn máu về điều trị cho bệnh nhân mà ngay cả Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy và Ngân hàng Máu của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho rằng, nguyên nhân khiến giá máu toàn phần và chế phẩm từ máu dưới 250ml khi nhập về khác với giá được bảo hiểm y tế thanh toán là do Bộ Y tế không rõ ràng trong việc ban hành Thông tư 05/2017/TT-BYT ngày 14/4/2017 về việc quy định giá tối đa và chi phí phục vụ cho việc xác định giá một đơn vị máu toàn phần, chế phẩm máu đạt tiêu chuẩn.
Cụ thể, tại khoản 10, điều 3 của Thông tư 05, Bộ Y tế chỉ quy định cụ thể cách tính giá của máu toàn phần và chế phẩm máu có thể tích từ 250ml trở lên: “Các cơ sở truyền máu thực hiện xét nghiệm kháng thể bất thường thì giá đơn vị máu toàn phần, khối hồng cầu có thể tích từ 250ml trở lên và chế phẩm máu được cộng tối đa 17.000 đồng/1 đơn vị; chi phí làm xét nghiệm NAT được cộng tối đa 210.000 đồng/1 đơn vị”.
Trước kiến nghị của Bệnh viện Nhi đồng 1, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Bảo hiểm Xã hội TP.HCM để giải quyết những vướng mắc, khó khăn.
Trước mắt, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện trên địa bàn thành phố không thu tiền làm xét nghiệm kháng thể bất thường và xét nghiệm NAT của người bệnh khi sử dụng các chế phẩm dưới 250ml. Phí chênh lệch này do đơn vị cung cấp máu là Trung tâm Truyền máu và Ngân hàng Máu phải chi trả thay cho bệnh nhân.
Sở cũng gửi văn bản kiến nghị Bộ Y tế bổ sung Thông tư 05/2017/TT-BYT về thanh toán chi phí làm xét nghiệm kháng thể bất thường và chi phí làm xét nghiệm NAT được cộng thêm cho đơn vị máu toàn phần, khối hồng cầu dưới 250ml.
Có như vậy các bệnh viện mới được bảo hiểm y tế chi trả cho người bệnh, đồng thời giúp các bệnh viện không bị thất thu, đảm bảo nguồn thu hoạt động chuyên môn cho cơ sở cung cấp máu.
|
Kiểm tra máu an toàn tại Ngân hàng Máu TP.HCM trước khi chuyển đến các bệnh viện điều trị cho người bệnh |
Ngay sau khi Sở Y tế đề nghị các đơn vị cung cấp máu tự chịu chi phí chênh lệch này thay cho bệnh viện và người bệnh; ngày 7/6, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM gửi thông báo đến các bệnh viện thông báo ngừng cung ứng chế phẩm khối hồng cầu từ 150ml máu toàn phần.
Theo tiết lộ của bệnh viện này, do một số lý do khách quan nên Ngân hàng Máu của bệnh viện tạm ngừng sản xuất, mong các bệnh viện thông cảm lựa chọn các chế phẩm có thể tích khác thay thế.
Các bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 cho biết, trước nay, hầu hết các đơn vị máu truyền cho bệnh nhân đều nhập từ Bệnh viện Truyền máu Huyết học, ít nhập của Bệnh viện Chợ Rẫy. Nếu không có hồng cầu lắng 150ml sẽ gây bất tiện trong điều trị.
Rõ ràng, việc ngưng sản xuất chế phẩm hồng cầu lắng 150ml cũng là cách cơ sở xét nghiệm an toàn máu tránh thất thu.
Do đó, để các đơn vị sản xuất bịch 150ml và tạo điều kiện cho các bịch máu dưới 250ml được bảo hiểm y tế thanh toán, Bộ Y tế không được phép chậm trễ dù chỉ một ngày để bổ sung lại Thông tư 05 giúp bệnh viện lẫn bệnh nhân an tâm điều trị.
Văn Thanh