PNO - Không đơn thuần là nhiệm vụ của một nghệ sĩ quân đội, NSƯT Thanh Thúy nói chị đang ngân lên những khúc hát tự hào ca ngợi ý chí, vẻ đẹp tâm hồn của quân, dân nơi đầu sóng ngọn gió.
edf40wrjww2tblPage:Content
Những ngày này, NSƯT Thanh Thúy luôn có mặt trong rất nhiều chương trình nghệ thuật về biển đảo dọc chiều dài đất nước, từ Hà Nội vào đến Vũng Tàu, Cần Thơ, Vĩnh Long... mà theo chị nói là “để làm sao đóng góp thiết thực nhất chút sức nhỏ bé vào công việc chung của mọi người”. Hiện tại, chị cũng đang thực hiện một video ca nhạc (MV) nhan đề Tôi yêu biển đảo Việt Nam theo phong cách giản dị như câu chuyện kể về hành trình xuyên Việt để hát ca ngợi vẻ đẹp của biển đảo Việt Nam, qua đó góp phần bày tỏ lòng yêu nước của mình.
“Trường Sa luôn bên em”
Sáu lần đến thăm Trường Sa, mỗi lần đi là một lần NSƯT Thanh Thúy thêm quyến luyến nơi đây với những câu chuyện đẹp đọng lại vô cùng sâu sắc trong tâm tưởng. Là một nghệ sĩ trong quân đội, Thanh Thúy có điều kiện để đến với nhiều vùng biển đảo nhưng mỗi lần trở về từ Trường Sa, chị lại cảm thấy trưởng thành hơn.
Đến bây giờ, Thanh Thúy vẫn nhớ mãi chuyến đi hát ở Trường Sa hồi năm 2004 khi đoàn nghệ thuật từ đất liền đến một hòn đảo nổi có cây xanh rợp mát với khá đông cán bộ chiến sĩ đang trấn giữ. Chị kể rằng khi khép lại đêm diễn mà nghệ sĩ ai nấy đều hát rất “sung”, anh chiến sĩ chỉ huy đơn vị bất ngờ đến hỏi: “Chương trình đã kết thúc nhưng Thúy có thể nán lại hát thêm một vài bài nữa không nhưng không phải trên sân khấu này”. Nghe vậy, Thanh Thúy quá đỗi ngạc nhiên, sẵn lòng đi theo anh chỉ huy đến một góc sân gặp hai chiến sĩ còn rất trẻ. Bấy giờ, chị mới biết họ là hai người giữ nhiệm vụ canh gác ngoài bờ biển suốt chương trình, nghe có đoàn nghệ sĩ từ đất liền ra họ thích lắm nhưng chưa nghe được bài nào. Cảm động quá, chị hỏi hai người lính ấy thích bài gì mình sẽ hát tặng ngay. Thế rồi chị đứng hát miên man và trong khoảnh khắc ấy, họ không còn là nghệ sĩ - khán giả mà đã trở thành những người bạn tâm tình.
Bảy năm sau, trong một chuyến lên hát trên nhà giàn DK1, Thanh Thúy lại có thêm một trải nghiệm mà khi kể lại chị không giấu được sự xúc động. Hôm ấy, sóng vô cùng lớn vì có áp thấp nhiệt đới sắp mạnh lên thành bão khiến canô không sao cập sát vào nhà giàn được mà phía trên nhà giàn thì các chiến sĩ đang hết lòng mong mỏi nghệ sĩ trong đoàn bước lên giao lưu. Cuối cùng, các chiến sĩ phải dùng trực thăng thả dây thừng xuống để mọi người trên canô đu dây lên nhà giàn. Thanh Thúy trải lòng: “Bạn biết không, khoảnh khắc cheo leo giữa biển trời, máu phiêu lưu nổi dậy, tôi vừa thích thú vừa sợ hãi nhưng cũng không khỏi cảm phục ý chí của các anh chiến sĩ nơi nhà giàn. Những câu chuyện được nghe về sự hy sinh của các anh trong những lần nhà giàn sụp đổ càng thôi thúc tôi quyết tâm phải leo lên nhà giàn cho bằng được để hát tặng các anh”.
Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long lại có ý nghĩa đặc biệt đối với Thanh Thúy bởi đấy là ca khúc đầu tiên chị lựa chọn biểu diễn trong lần đầu thăm Trường Sa năm 2000. Đến nay, chị vẫn được xem là ca sĩ thể hiện nhạc phẩm này để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người nghe.
Nhiều hoài bão lớn
Thanh Thúy của hiện tại đã được nhà nước phong tặng NSƯT, hiện là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam với cấp bậc thiếu tá, giữ chức vụ Đoàn phó Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 nhưng chị vẫn luôn đề cao sự mộc mạc, chân thành của người nghệ sĩ để sống lâu trong lòng khán giả.
Đã 20 năm kể từ khi Thanh Thúy giành giải nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP.HCM năm 1994, đến bây giờ, chị vẫn thường nhìn lại khoảnh khắc đoạt giải nhất thật hồn nhiên, trong sáng ấy để tự nhắc nhở mình biết quý trọng những điều đơn giản nhưng tình cảm nhất. “Tôi nghĩ một nghệ sĩ đi vào lòng công chúng không chỉ bởi kỹ năng biểu diễn được rèn luyện qua năm tháng mà chính tình cảm, cái hồn và thần thái khi diễn mới khiến khán giả nhớ mãi” - chị tâm sự.
So với trước đây, việc ca hát của Thanh Thúy có phần chậm lại vì những công việc của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, những trách nhiệm của một đại biểu HĐND khóa VIII cùng việc học thạc sĩ tại Nhạc viện TP.HCM và cả hoài bão làm đạo diễn sân khấu nhưng chị luôn sắp xếp thời gian một cách khoa học nhất để cống hiến cho nghệ thuật.
Thanh Thúy chia sẻ rằng nhiều năm làm nghề, chị nhận thấy rất nhiều khán giả yêu mến dòng nhạc truyền thống cách mạng này nhưng lại chưa có những sân khấu thường xuyên với chương trình được đầu tư tử tế, nghiêm túc để họ đến chia sẻ tình yêu âm nhạc. Vì vậy, chị mong muốn tương lai có thể thực hiện những chương trình âm nhạc truyền thống cách mạng và dân gian cho riêng mình, phối hợp với một sân khấu để thực hiện những chương trình thường kỳ để phục vụ các khán giả.
Để chuẩn bị cho tiết mục tốt nghiệp lớp đạo diễn sân khấu tại Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM vào cuối năm nay, Thanh Thúy đã chọn kịch bản Khách sạn hào hoa - một vở diễn rất quen thuộc với giới mộ điệu cải lương để công diễn vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân 22/12, một thời điểm không thể phù hợp hơn đối với một kịch bản về lực lượng vũ trang. Với những đặc thù của nhạc kịch, Thanh Thúy hy vọng có thể tạo dấu ấn riêng trong nghề đạo diễn để làm nền tảng vững chắc cho những hoài bão lớn hơn.
Hạnh phúc viên mãn
Với cuộc sống gia đình, Thanh Thúy cho rằng mình đã có một hạnh phúc viên mãn khi được sự yêu thương của gia đình và niềm vui chứng kiến con trai lớn lên hằng ngày. Với nghệ thuật, những vinh dự của nhà nước và những giải thưởng do công chúng bình chọn như Mai Vàng 2012 (hạng mục Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng) giúp chị cảm thấy việc mình làm thật sự có ích và là động lực để chị tạo ra nhiều sản phẩm âm nhạc đáp lại sự trông đợi của công chúng.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.