Thảnh thơi vui sống sau hơn 30 năm một mình nuôi con

03/05/2017 - 16:42

PNO - Nay đã ngoài 60 nhưng mẹ vẫn... học và dùng thành thạo smartphone, “chơi” cả zalo, facebook để “dõi theo” con cái và cập nhật thông tin.

Sáng sớm, cô Trần Ngọc Ánh, 63 tuổi, thong thả tưới nước cho khu vườn nhỏ, chỉ khoảng 100m2, ở Q.Thủ Đức (TP.HCM), vốn là “món quà” các con dành tặng mẹ. Cuộc sống hiện tại của cô khá thảnh thơi, sáng nấu ăn rồi ngồi uống trà với con. Khi các con đi làm, cô đọc kinh, làm việc nhà, xem ti vi hoặc nghe giảng pháp.

Tối, các con về, mẹ con trò chuyện. Nhìn cuộc sống của cô, nhiều người ngưỡng mộ: “Giờ là lúc cô đang hưởng phước, được con cái chăm lo đủ đầy…”. Nhớ chuyện mấy mươi năm trước, cô cứ ngỡ như mới hôm qua. 

Thanh thoi vui song sau hon 30 nam mot minh nuoi con
Cô Ngọc Ánh

Cô không thể nào quên khoảng thời gian hạnh phúc nhất đời cô là lúc đi kinh tế mới ở Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai). Đó là khi cô gặp được một nửa của mình. Những ngày đó dù nghèo khó nhưng đôi vợ chồng trẻ ngập tràn hạnh phúc.

Nhưng niềm vui ngắn ngủi, con gái đầu bảy tuổi, con trai giữa bốn tuổi, con út mới lên ba thì chồng cô mất vì bệnh tim. Lúc đó, trong cô tràn ngập lo lắng và hoang mang, không biết rồi mình sẽ làm cách nào để nuôi con, con cái thiếu cha liệu sẽ ra sao...

Một nách ba con nhỏ, cô Ánh chạy chợ bán buôn, dần tích lũy được một quầy tạp hóa nho nhỏ. Ngày nào cô cũng phải thức dậy từ 3 giờ sáng để ra chợ; bất kể nắng cháy da hay mưa bão dầm dề. “May mà trời thương cho tôi sức khỏe, buôn bán thuận lợi, nên cũng lo được cho ba đứa con ăn học thành người. Mừng nhất là mấy đứa nhỏ chỉ lo học hành, không theo bạn xấu, có lẽ vì các con cảm nhận được tình thương của mẹ, thấy mẹ cực khổ vì mình...”.

Nhìn lại quãng đời hơn 30 năm ấy, cô Ánh tâm sự nhẹ tênh. Hỏi có lúc nào cô quá mệt mỏi, chỉ muốn buông xuôi. Tiếng “không” gọn lỏn bật ra tức thì. “Mình thương con nên không thấy chuyện gì là quá sức. Chỉ mong con lớn nhanh.  

Ngồi cạnh mẹ, anh Lưu Đình Long (biên tập viên báo Giác Ngộ) kể thêm về người mẹ nuôi của mình: “Mẹ luôn đối xử tốt với mọi người, nỗ lực hết mình và biết chấp nhận. Với con cái, mẹ dùng tình thương để dạy dỗ. Mẹ luôn kết nối với các con để hiểu con cần gì mà nhắc nhở, chia sẻ kịp thời. Nay đã ngoài 60 nhưng mẹ vẫn... học và dùng thành thạo smartphone, “chơi” cả zalo, facebook để “dõi theo” con cái và cập nhật thông tin. Mẹ thích nấu ăn và nấu rất ngon nên thích xem các chương trình ẩm thực trên internet, học hỏi những món mới để đãi cả nhà”.

Anh Long có duyên gặp cô Ánh từ một khóa tu, rồi cùng đi chùa, dần thân quen như con cái trong nhà, rồi xưng hô “mẹ con” khi Long trở thành một thành viên mới trong gia đình cô Ánh.

Ba người con của cô Ánh, con gái đầu học y tá, đang làm việc ở khoa Tim, BV nhân dân Gia Định, nhưng vì mê hoa nên sau 17 năm làm y tá đã nghỉ việc mở một cửa hàng hoa.

Hai con trai, một anh đã lập gia đình, làm việc tại công ty cấp nước; con út là kỹ sư thiết kế, làm cho một công ty xây dựng. Có công ăn việc làm ổn định, các con đã chăm lo cho mẹ đầy đủ cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

Cô Ánh là người tình cảm, luôn nghĩ cho người khác và hết lòng với con cái, nên mẹ con thật sự gần gũi, điều không phải gia đình nào cũng có được. Các con, dù đều đã xấp xỉ tuổi 40 nhưng về nhà vẫn được mẹ ra đón, ôm hôn như thuở nhỏ. Mẹ hiểu tính ý từng người, từ tính ăn nết ở, nên chăm sóc rất đúng việc, kịp lúc.

Cô Ánh thường yêu cầu các con: “Giờ mẹ bệnh nhiều nhưng vẫn ráng uống thuốc cho khỏe, vì sống một ngày con cái vui một ngày. Nếu bệnh nặng, mẹ chỉ mong ra đi thật nhanh cho con cháu đỡ khổ”. Nghe câu đó của mẹ, các con cô Ánh đều rưng rưng...

Khánh Thủy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI