Thanh thiếu niên đang ngày càng bạo lực hơn

04/04/2024 - 06:13

PNO - Nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận các hành vi bạo lực của thanh thiếu niên đang tăng lên. Các chuyên gia cho rằng, áp lực tâm lý từ đại dịch, sự thay đổi cơ cấu xã hội, nội dung bạo lực trên mạng… là nguyên nhân của tình trạng này.

Hành vi bạo lực của học sinh tăng

Một cuộc khảo sát gần đây do kênh BBC thực hiện với 9.000 giáo viên ở Anh cho thấy, 1/5 giáo viên đã bị học sinh tấn công trong năm qua. Nhiều người thừa nhận hành vi bạo lực của học sinh gia tăng so với 2 năm trước. Hành vi khạc nhổ, chửi thề, đánh nhau, xô đẩy, ném ghế xảy ra thường xuyên hơn ở các trường học trên cả nước.

Nhiều bất ổn từ gia đình, nhà trường và xã hội đang khiến thanh thiếu niên có nhiều hành vi bạo lực hơn trước - Ảnh minh họa: iStock
Nhiều bất ổn từ gia đình, nhà trường và xã hội đang khiến thanh thiếu niên có nhiều hành vi bạo lực hơn trước - Ảnh minh họa: iStock

Erica Bowen - chuyên gia tâm lý học về giáo dục và pháp y - giải thích: đại dịch đã hạn chế cơ hội phát triển các kỹ năng xã hội của trẻ em, từ đó phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, dẫn đến việc trẻ “hành động nhiều hơn kiềm chế”. Thống kê cũng cho thấy, số lần học sinh bị đình chỉ học tập do vi phạm kỷ luật trên toàn quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 6 năm qua.

Daniel Dawkins - người điều hành Aspire People, một cơ quan tuyển dụng nhân sự ngành giáo dục - cho biết: các vụ học sinh tấn công bằng dao, bạo lực thể xác và đe dọa trong trường học không ngừng gia tăng kể từ đại dịch. Giáo viên Lorraine Meah (35 năm kinh nghiệm) cho biết cô đã chứng kiến những đứa trẻ 3-4 tuổi “khạc nhổ và chửi thề”; những đứa trẻ 5-6 tuổi ném ghế. Cô chia sẻ: “Thường thì sẽ có 3-4 đứa trẻ trong lớp có hành vi thách thức giáo viên. Điều đó thật khó giải quyết khi bạn có một lớp gồm 30 học sinh”.

Olly Parker - Giám đốc đối ngoại của tổ chức từ thiện chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em YoungMinds (Anh) - cho biết: ngày càng nhiều thanh thiếu niên gặp vấn đề về tâm thần, điều này ảnh hưởng đến hành vi của các em. Ông nói: "Trường học là môi trường hỗ trợ, mang lại cảm giác cộng đồng, gắn kết và tương tác xã hội cho thanh thiếu niên. Thế nhưng chúng cũng là một trong những yếu tố hàng đầu tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ, thông qua các vấn đề như nạn bắt nạt, áp lực học tập, các mối quan hệ bạn bè không tốt và thiếu sự hỗ trợ tinh thần".

Tác động từ bên ngoài

Ở Thái Lan, nhiều nhà phân tích đồng ý rằng xã hội đang đẩy trẻ em tới bạo lực. Một số trẻ chỉ có thể thể hiện bản thân thông qua bạo lực và có rất ít sự hỗ trợ hoặc thấu hiểu từ gia đình. Vài tháng qua, nhiều vụ bạo lực đáng chú ý xảy ra ở Thái Lan như trường hợp thiếu niên 14 tuổi nổ súng trong trung tâm thương mại khiến 3 nạn nhân thiệt mạng vào tháng 10/2023; trong tháng 1/2024, 5 đứa trẻ đã hành hung, chôn sống 1 phụ nữ 47 tuổi vô gia cư; một học sinh đâm chết bạn cùng lớp giữa sân trường vào buổi chào cờ.

Giáo sư Sompong Jitradub - Giám đốc Quỹ giáo dục công bằng (EEF) - cho rằng cấu trúc gia đình hiện nay tại Thái Lan có một số điểm yếu. Cha mẹ thường quá bận rộn với công việc và chiều chuộng con cái bằng điện thoại thông minh thay vì dành thời gian cho chúng. Cùng với những bất cập trong hệ thống giáo dục, nơi giáo viên chịu gánh nặng quá tải, trẻ em bị bỏ rơi và phải tự phát triển.

Theo thống kê của Cục Bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên, có 12.000 trường hợp trẻ em và thanh thiếu niên phạm tội hình sự trong giai đoạn 2022-2023. Trong đó, hơn 1/2 đã học xong trung học và hầu hết đều xuất thân từ những gia đình có đổ vỡ.

Giáo sư Adisak Plitponkarnpim - Giám đốc Viện Phát triển gia đình và trẻ em quốc gia tại Đại học Mahidol (Thái Lan) - giải thích: hành vi hung hăng ở trẻ em thường được chia thành 2 loại: những người tìm kiếm sự chú ý và những người phản ứng trước các mối đe dọa. Nhóm đầu tiên thường liên quan đến áp lực đồng trang lứa và mong muốn thống trị, trong khi nhóm sau bắt nguồn từ cảm giác bị đe dọa và phản ứng dữ dội.

Nguyên nhân của hành vi hung hăng này có thể bắt nguồn từ 3 yếu tố chính: khuynh hướng di truyền do sự phát triển não bộ bất thường; sự giáo dục và những ảnh hưởng bên ngoài như phương tiện truyền thông, trò chơi, chất kích thích; sự cạnh tranh trong học tập làm phá hủy niềm vui tự nhiên của tuổi thơ, cản trở tư duy sáng tạo.

Ông Sompong Jitradub nói thêm: "Hệ thống trường học thiếu tính linh hoạt và không gian để trẻ thể hiện bản thân, thư giãn. Không một bộ hoặc cơ quan nào có thể tự mình giải quyết vấn đề này. Vì vậy, chính phủ có thể cần phải chịu trách nhiệm xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc".

Linh La (theo The Guardian, Khaosod English, Daily Mail)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI