2/3 thanh niên ở độ tuổi 18-29 có nguy cơ lo âu và trầm cảm. Đó là cảnh báo do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra sau nghiên cứu tại 112 quốc gia năm 2020.
Mới đây, tạp chí y khoa Mỹ JAMA Pediatrics đăng kết quả nghiên cứu toàn cầu của nhóm nghiên cứu do phó giáo sư Sheri Madigan - Khoa Tâm lý học thuộc Đại học Calgary (Canada) - làm trưởng nhóm.
Theo đó, khoảng 1/4 thanh thiếu niên (TTN) đang bị trầm cảm và 1/5 đang phải vật lộn với chứng lo âu. Trẻ lớn gặp nhiều rối loạn về sức khỏe tâm thần hơn trẻ nhỏ. Khi đại dịch bùng phát, việc bị cô lập xã hội khiến sức khỏe tâm thần người trẻ càng xuống dốc.
Phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi với bác sĩ (BS) chuyên khoa I Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần kinh BV Quân y 175 - Bộ Quốc phòng, về hỗ trợ tinh thần cho TTN trong giai đoạn Việt Nam đang trải qua đợt dịch thứ tư với nhiều đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Phóng viên: Lứa tuổi nào đang chịu tổn thương nhiều nhất về tinh thần trong tình hình giãn cách xã hội, thưa BS?
BS Nguyễn Văn Ca: Lứa tuổi vị thành niên và thanh niên sở hữu “cái tôi” lớn, cần những cơ hội, môi trường để khẳng định mình, đứng trước bao dự tính về học hành, sự nghiệp, yêu đương… nhưng bị kìm hãm bởi giãn cách xã hội, bị ức chế, khó chấp nhận, nên thường có những phản ứng mạnh trước tác động của dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Nếu giãn cách kéo dài, lứa tuổi này tổn thương nhiều nhất. Tuy nhiên, khó xác định số liệu do giai đoạn này trở ngại trong việc khám, tiếp cận chuyên gia và diễn biến ấy vẫn đang âm ỉ trong gia đình.
* Thưa BS, những dấu hiệu nào báo động con em mình đang gặp khó khăn tâm lý?
- Phổ biến ở lứa tuổi này là chứng rối loạn cảm xúc và hành vi TTN, hình thái khác với trầm cảm ở người trung niên, cao tuổi với biểu hiện thường gặp là dễ bị kích thích, cáu kỉnh.
Dấu hiệu đáng lưu ý là các em hạn chế giao tiếp, ít quan tâm các thành viên trong gia đình mặc dù giãn cách là điều kiện để gần gũi người thân. Giấc ngủ cũng thay đổi, các em thường thức đêm, ngủ ngày. Các em ít nói, cộc cằn, khó chịu, tâm trí không ổn định.
Trước những tác động, các em dễ gặp phản ứng bực bội, có thái độ, cách cư xử và hành động đôi khi ngược lại với yêu cầu của người lớn. Đặc biệt, có trường hợp người trẻ hành xử không phù hợp quy tắc đạo đức, rối loạn hành vi, chống đối trong gia đình, ngoài xã hội.
Lứa tuổi TTN cũng có thể bị chứng khó thích nghi với điều kiện mới như học trực tuyến hoặc tới lớp phải đeo khẩu trang. Các em dễ phản ứng những người xung quanh.
Có nhiều trường hợp vi phạm quy định về giãn cách, các em vẫn tụ tập, đi chơi, thăm người yêu, đua xe, cá độ bóng đá, thậm chí phạm tội. Trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều, lứa tuổi này nhạy cảm, chưa ổn định về mặt tâm lý nên dễ chạy theo, dễ bị tác động bởi yếu tố thần tượng hóa, yếu tố tâm lý đám đông.
Bên cạnh mặt trái ấy, lứa tuổi TTN là lứa tuổi năng động, linh hoạt và tìm tòi sáng tạo. Việc sử dụng hệ thống mạng, sử dụng công nghệ trong học tập, công việc, là cơ hội để các em cho ra đời những cái mới, độc đáo, đem lại giá trị cho xã hội.
* Vậy là có cả những tác động tích cực khi các em ở lâu trong nhà…
- Giãn cách tạo ra nhiều cơ hội. Mỗi đứa trẻ có những nhu cầu vượt ra khỏi giới hạn của từng gia đình. Việc sa vào sai lầm khiến rối loạn tâm lý xảy ra, hoặc kích hoạt thêm cho rối loạn bộc lộ, nặng hơn hoặc rõ ràng hơn.
Giãn cách cũng có thể tạo cơ hội cho những thay đổi tích cực, thể hiện tài năng trẻ, giúp ích cho xây dựng, phát triển nhân cách bền vững của mình.
Tất nhiên phải xét quá trình tâm lý của mỗi bạn trẻ chứ không phải giãn cách là trẻ bị hư ngay, bất ổn tinh thần ngay hoặc phát huy điều tích cực được ngay. Xuất phát điểm vẫn là trẻ được quan tâm, chăm sóc tâm lý như thế nào từ gốc rễ - những ngày còn thơ.
* Phải chăng vì khi con lớn, phụ huynh đã chủ quan, buông tay cho tự bơi nên trẻ lớn “yếu đuối” tinh thần?
- Khi còn ở cấp tiểu học, sự quan tâm của các bậc phụ huynh còn sát sao, như theo dõi, giám sát chặt chẽ việc con xem gì đọc gì hay con thân bạn nào, thích sách gì, hảo món ăn gì… Thực ra, con bao nhiêu tuổi cũng cần cha mẹ quan tâm, nhưng cách thức quan tâm khác đi.
Với TTN, các em đã không còn phải hướng dẫn từng động tác, chăm chút từng miếng ăn mà nắm bắt suy nghĩ, tạo cho con tình thương bao la, cho con sự gợi mở rộng lớn.
Cha mẹ nên trò chuyện với con về bạn bè, nghề nghiệp, quan điểm về đồng tiền và cuộc sống, thông qua đó cha mẹ hiểu con đang bị gò bởi những giới hạn gì. Vì những bế tắc giữ trong lòng sẽ gây dồn ứ cảm xúc mỗi ngày, lâu dần thành tổn thương.
Dù không biết con nhắn tin cho ai, nội dung gì nhưng nếu quan tâm có thể nhận thấy những biến đổi cảm xúc của con trong ngày: vui tươi, hớn hở hay cau mày, nhăn mặt, buồn rầu, thở dài… Quan trọng là cha mẹ có đủ quan tâm, đủ chiều sâu cũng như sự phong phú trong chăm sóc, giúp con cởi mở.
* Thực tế, cha mẹ vẫn dành cho con tình thương bao la nhưng việc tiếp cận đứa con đã lớn không hề dễ…
- Đúng là phụ huynh khó tiếp cận, đồng hành với trẻ vì vướng nhiều rào cản.
Nhiều phụ huynh lấn cấn giữa dành cho con khoảng trời tự do và chăm sóc, thể hiện tình thương. Đôi khi trong các mối quan hệ, cha mẹ biểu lộ tình thương quá nhẹ, làm cho thiên hướng tự do nơi con lấn át.
Con làm những điều cảm thấy tự chịu trách nhiệm nhưng lại chưa đủ điều kiện, kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức để tự chịu trách nhiệm được, dẫn đến những sai lầm hay thử thách đè nặng so với khả năng chống đỡ tinh thần, khiến con đổ gục.
|
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK |
Không phải con lớn rồi muốn làm gì thì làm. Tuy phụ huynh không đi quá sâu, quá phạm vào những điều riêng tư nhưng sự trao đổi thẳng với nhau được khuyến khích, khi đó những trải nghiệm được đúc rút để trẻ không bị vấp ngã.
Vị thành niên, thanh niên đã hình thành tính độc lập và có thiên hướng trao đổi cùng lứa tuổi, với bạn, với người tin tưởng, ít trao đổi với cha mẹ.
Chưa trưởng thành hẳn, sự biến đổi hoóc-môn cảm xúc khiến các em không kiểm soát được thái độ, lời nói, hành vi dễ dẫn đến “xung đột chan chát” ngay khi người lớn trợ giúp, nhất là sự trợ giúp chưa thích hợp, không đúng lúc.
Đôi khi cần phụ huynh phải đúng như người bạn, phải giao tiếp khéo léo, hiểu biết, tinh tế, nhẹ nhàng. Thời gian đầu tư cho sự tương tác cũng rất quan trọng.
Cần kiên trì, không nóng vội, chơi với con, nâng nhẹ tinh thần con, từ đó con sẽ có cơ hội bộc lộ những mong muốn, sự cô đơn, buồn chán, tuyệt vọng. Trường hợp chính người hỗ trợ cũng đang mắc chứng rối loạn tâm lý, rối loạn lo âu đôi khi sự cộng hưởng càng bất lợi.
* Cuộc chiến với dịch COVID-19 nói riêng và với nghịch cảnh nói chung chưa thể đoán biết ngày kết. Điều đó như “gia hạn” nỗi bi quan và tự ti ở người trẻ, phải không BS?
- Hãy giúp các em thay đổi nhận thức! Thử bàn cùng con những đề tài như: dịch bệnh là bất lợi đối với vấn đề ra trường, tìm việc làm, khó khăn về mặt tài chính, kết nối bạn bè…
Nhưng nó có cơ hội gì không? Có phải tất cả đều bít lối? Nếu phải “sống chung với lũ” thì mình chọn tồn tại hay chịu thua? Tuổi trẻ rất nhanh nhạy, dễ bắt nhịp, đủ cơ hội để thay đổi số phận thì sao phải dừng lại?
Thay đổi nhận thức sẽ thay đổi cảm xúc, hành vi, chấp nhận sự dịch chuyển trong tâm thế lạc quan, sẵn sàng. Cộng với các tổ chức xã hội hỗ trợ công ăn việc làm, cung cấp thông tin thị trường nhân lực, việc làm để kiếm thu nhập, tích lũy kinh nghiệm sống, sau đó sẽ có cơ hội phát triển để đạt được hoài bão và ước mơ của mình.
* Xin cảm ơn và kính chúc BS vui khỏe, hạnh phúc!
Tô Diệu Hiền (thực hiện)