Tôi nhìn lại, băn khoăn, liệu khi tôi thành thật nhiều hơn thì vùng “hài lòng” trong đầu có lớn ra thêm? Từ đó, tôi bắt đầu kế hoạch sống thành thật, nghĩa là sẽ thành thật trong mọi tình huống và với mọi người.
|
Ảnh minh họa |
Ngay ngày đầu tiên, tôi đã vấp phải một chướng ngại. Khi đang ở trong phòng tắm, con gái tôi hỏi rằng con mèo (mà nó rất quý) thật sự đã đi ngủ từ năm trước hả mẹ? Tôi biết ngụ ý của con là có phải mẹ đã giết chú mèo ấy không; hẳn nhiên bé đang nghi ngờ tôi.
Chải tóc cho con, tôi thở dài tự hỏi mình, hay là để năm sau hẵng bắt đầu kế hoạch sống thành thật? Nhưng rồi tôi vượt qua, chấp nhận thách thức ấy. Tôi thành thật với con gái: “Đúng là mẹ đã lựa chọn để chú mèo chết đi chứ không phải cho mèo đi ngủ, vì mèo bị bệnh nặng. Mẹ muốn chú được an nghỉ”. Con gái tôi lập tức tỏ ra mất hứng thú sau lời giải thích. Nhưng không sao, tôi vẫn ổn.
Điều đầu tiên tôi nhận ra, lựa chọn nói dối hay thành thật dường như cũng có sự cám dỗ ngang nhau. Nghĩa là, việc thành thật với con bé chẳng làm tôi vui chút nào, nhưng nếu lừa dối thì kết quả vẫn vậy.
Một điều tương tự nhưng có phần khó hơn với đứa con trai tám tuổi của tôi. Dù thằng bé không đọc sách báo, nhưng bỗng dưng một hôm anh chàng quyết định mở lòng hỏi mẹ những điều “rất quan trọng” mà lâu nay nó ngượng, chưa dám hỏi: ma cô nghĩa là gì, tại sao người ta lại tự tử…
|
Ảnh minh họa |
Từ đó tôi cũng nhận ra mình không ngại trao đổi với con những điều mới mẻ khi chúng đang dần trưởng thành. Bởi nếu không hỏi tôi thì chúng sẽ tìm hiểu trên internet. Nếu để con phải lựa chọn giữa Youtube hay mẹ để hiểu về “mại dâm”, thì tôi sẽ chọn mình là người thầy của con.
Tuy nhiên, tôi vẫn băn khoăn về việc đôi khi cũng cần nói dối để tránh làm tổn thương người khác. Các nhà khoa học tại Đại học California San Diego, Hoa Kỳ đã tìm hiểu về những lời nói dối “xã giao” - nhằm giúp đỡ hay động viên người khác, như khi bạn khen một tác phẩm nào đó thật tuyệt vời để tán dương tác giả, dù thực tế bạn biết câu chuyện đó dở tệ.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chúng ta có xu hướng nói dối “xã giao” khi thấy đồng cảm với một ai đó. Tức là khi thấy buồn về một lời nói thật, tự nhiên chúng ta sẽ nói dối. Những lời nói dối kiểu này giúp đối phương cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng về lâu dài nó lại gây hại nhiều hơn là lợi. Một lời nói thật có thể khiến họ đau đớn nhưng cần thiết để giúp họ cải thiện khả năng, đặc biệt trong công việc và học tập.
Nhưng liệu “sự thật mất lòng” này có tốt cho hôn nhân?
Thực tế, sự thành thật của tôi đã giúp quan hệ vợ chồng thêm tốt đẹp. Khi quyết định thực hiện “kế hoạch thành thật”, thay vì làm một mình, tôi đã nói chuyện với chồng về việc này một cách nghiêm túc, chân thật và thẳng thắn.
Rất nhiều lần, sự thành thật đã gây ra vấn đề lớn giữa hai vợ chồng, như khi tôi không đồng ý với cách nuôi dạy con của anh, rằng không cần thiết phải chỉ ra và phê bình từng lỗi nhỏ hằng ngày của trẻ. Tôi dần nhận ra có một khoảng cách giữa “không thành thật” và nói dối “xã giao”, đó là “không chia sẻ mọi thứ”.
|
Ảnh minh họa |
Tôi nhận ra mình dễ nói dối hơn trong những chuyện nhỏ, hơn là chuyện lớn. Khi một khách hàng đã thanh toán món tiền mười triệu đồng, sau đó họ quên và gửi tiếp cho tôi mười triệu đồng nữa, tôi sẽ báo lại cho họ về sai sót này và hoàn lại số tiền.
Nhưng khi vào một quán ăn hay trả tiền taxi, người ta trả tiền thừa lại nhiều hơn cần thiết, dường như tôi không chú ý lắm. Tôi cũng không biết liệu mình có thành thật trong những tình huống đó không, liệu bạn có luôn trả lại những “món tiền nhỏ” ấy? Tôi muốn nói đến sự thành thật chứ không phải giá trị lớn hay bé.
Những trải nghiệm của tôi cũng giống với điều nhà kinh tế học hành vi Dan Ariely trình bày. Nghiên cứu của ông cho thấy, chúng ta sẽ gian dối khoảng 10% hay cỡ đó. Chúng ta chấp nhận lừa dối khi đảm bảo (một cách tương đối) sẽ không gặp rắc rối gì, với những thứ có thể cân đối lại. Chúng ta sẽ gian dối nhiều hơn nếu mọi người đều làm vậy, ngược lại, sẽ ít gian dối hơn nếu được ai đó nhắc nhở phải thành thật.
Một ví dụ nữa của sự gian dối là mạng xã hội. Nhà khoa học dữ liệu người Mỹ Seth Stephens-Davidowitz, trong cuốn sách của mình, đã chỉ ra sự trái ngược giữa cuộc sống lý tưởng, mà mọi người phô diễn trên mạng xã hội như facebook, so với những điều tìm kiếm trên Google - những ước muốn thật sự - mà chẳng bao giờ chúng ta công khai.
Những công cụ mạng xã hội tự nó không dối trá, nhưng khi tôi muốn tập trung vào sự thành thật chân thành nhất, thì có lẽ không nên nuông chiều bản thân, vì vậy, tôi hạn chế đăng trạng thái trên facebook.
Mặc dù việc thành thật khiến tôi phải đấu tranh dữ dội, nhưng tôi bắt đầu thích cảm giác nó đem lại. Một nghiên cứu từ Đại học Notre Dame cho thấy, khi ngừng nói dối trong mười tuần liên tiếp, chúng ta sẽ ít gặp phải những vấn đề về sức khỏe thể chất (như đau đầu) cũng như tinh thần (như trầm cảm). Rõ ràng, sống thành thật sẽ đem lại sức khỏe tốt hơn.
Khi con người thành thật, họ sẽ cảm thấy các mối quan hệ và sự tương tác xã hội cũng tốt hơn. Khoa học nói vậy khiến tôi tin tưởng hơn, bởi tôi thật sự cảm thấy dễ chịu với “chính mình”. Tôi thích câu nói “ai cũng muốn sự thật, nhưng không ai muốn thành thật”. Không phải lúc nào tôi cũng luôn thành thật, nhưng tôi luôn muốn sự thật. Việc tập trung sống thành thật cho tôi cảm giác được là chính mình.
Thành thật là cách để kết nối với thế giới. Giờ tôi đã hiểu vì sao con gái mình lại nói, khi thành thật, hình như có vàng trong đầu mình.
Tuyến Trần (theo The New York Times)