Lý Chiêu Hoàng, Trần Cảnh, Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung và Thuận Thiên công chúa đều gánh trên vai mệnh nước, trong thế cuộc xoay vần không tránh khỏi bi thương. Vở diễn Thành Thăng Long thuở ấy tái hiện một giai đoạn biến động lịch sử triều Lý - Trần, cũng chính là cái nhìn của hậu thế về những đoạn trường tâm can của từng nhân vật phía sau bức tường thành vương triều.
Giữa thế cuộc xoay vần...
Công chúa Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng, NSND Hoàng Yến đóng) - vị vua cuối cùng của triều Lý, và là hoàng hậu đầu tiên của triều đại nhà Trần - bị ép phải nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh. Rồi vì không thể sinh con, ngôi vị hoàng hậu của nàng cũng bị phế truất. Thuận Thiên công chúa, chị gái Chiêu Thánh, đang mang giọt máu của An Sinh Vương Trần Liễu cũng bị Trần Thủ Độ bày mưu tính kế đưa lên ngôi vị hoàng hậu.
|
Từ phải sang: NSND Hoàng Yến, diễn viên Phương Minh và Chu Anh trong Thành Thăng Long thuở ấy |
Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông, diễn viên Lê Hoàng Giang đảm nhiệm) đôi vai phải gánh vác san hà không thể vì tình riêng mà làm trái mệnh trời. Trần Thủ Độ (diễn viên Tây Phong) đứng trước một vương triều mục nát vì đại nghiệp mà trở thành kẻ bạo tàn. Và Trần Thị Dung (diễn viên Phương Minh), người bị các con gọi là “kẻ lấy người bức tử chồng mình” cũng buộc phải lựa chọn giữa giang sơn và tình mẫu tử… Những nhân vật trong vở diễn Thành Thăng Long thuở ấy đều được khai thác đến tận cùng nỗi bi thương, thống khổ. Giữa thế cuộc xoay vần, không một ai có thể sống được cuộc đời mình mong muốn.
Thành Thăng Long thuở ấy có rất nhiều phân đoạn đắt giá. Xúc động nhất là cảnh Chiêu Thánh nhường ngôi hoàng hậu cho Thuận Thiên, là khi Trần Thái Tông nén đau thương mà tác hợp cho Chiêu Thánh và tướng quân Lê Tần. Cuối một đoạn trường, Chiêu Thánh tưởng nhớ lại từng con người trong cuộc xoay vần giờ cũng không còn một ai bên nàng nữa.
Một lý giải khiến người xem lặng đi, đó là sự hy sinh của Chiêu Thánh. Vì sự tồn vong của vương triều, nàng chấp nhận ẩn mình cô độc, đau đớn cùng cực mà vẫn phải sống. Nàng chấp nhận gá nghĩa với Lê Tần, vì hiểu rằng sự sống của nàng, bình yên của nàng cũng chính là điểm tựa cho Trần Cảnh vững tâm xây dựng cơ đồ. Cho đến cuối đời, lời ai oán rung động của nàng với người đã khuất, là câu: “Mẹ ơi, con không quên được Trần Cảnh!”. Số phận ấy, nỗi bi thương ấy khiến cho nhân vật của NSND Hoàng Yến trên sân khấu đầy rung động, chất chứa một nỗi đau sâu thẳm của thân phận nữ nhi trước thời cuộc.
NSND Hoàng Yến có phần bất lợi khi đóng vai Chiêu Thánh lúc còn trẻ, nhưng ở những phân đoạn thể hiện nỗi đau đớn thống khổ của công chúa triều Lý, diễn xuất của chị hoàn toàn chinh phục người xem. Gương mặt trẻ Chu Anh (trong vai công chúa Thuận Thiên) xuất hiện chỉ trong một lớp diễn - nhưng hóa thân đủ khiến khán giả rơi nước mắt.
Không có đao kiếm hay cảnh đầu rơi máu chảy, Thành Thăng long thuở ấy là câu chuyện của tình yêu và sự hy sinh. Rất đẹp và rất đau. Ca khúc chính của vở diễn là Thiên tình khúc biệt ly, sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hà Trung. Ca từ rung động xoáy vào mối tình bi ai của Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng: “Vạn dặm chia ly biết khi nào gặp lại/ Sơn hà trong tay cũng chẳng giữ được nàng…”.
|
Thành Thăng Long thưở ấy thể hiện góc nhìn của hậu thế về các nhân vật trong lịch sử triều Lý – Trần |
Vẫn còn nhiều thử thách
Thành Thăng Long thuở ấy là vở kịch lịch sử thứ ba, được NSND Hoàng Yến dàn dựng, sau Yêu là thoát tội (về danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi) và Vụ án cậu trời (về chúa Trịnh Sâm và Tuyên phi Đặng Thị Huệ). Bối cảnh không quá hoành tráng, hình ảnh kinh thành được dàn dựng tối giản với cổng thành và những chiếc cầu thang xoay xuyên suốt vở diễn. NSND Hoàng Yến nói chị không muốn thể hiện vở bằng sự hoành tráng xa hoa của bối cảnh hay lộng lẫy của trang phục, mà muốn tập trung vào cảm xúc của nhân vật.
“Chính sử ghi chép rất ít về Lý Chiêu Hoàng. Nàng vì dân tộc mà hy sinh bản thân mình, nỗi đau ấy ai thấu hiểu? Mỗi triều đại mỗi khác, nhưng cảm xúc, nỗi đau của con người thời đại nào cũng sẽ chung một đường ray. Chúng tôi dàn dựng vở diễn theo hướng tiết chế những nghi lễ cung đình, chỉ cố gắng khắc họa thật sâu vào nỗi đau nhân vật” - NSND Hoàng Yến chia sẻ.
Vở diễn chỉ có tám nhân vật, trong đó hai nhân vật phụ góp phần tạo tiếng cười, làm giảm sự căng thẳng ở những phân đoạn cao trào là quan chép sử già (diễn viên Huy Thục) và quan chép sử trẻ (diễn viên Quốc Việt). Hình ảnh hai vị quan chép sử này thể hiện góc nhìn của hậu thế về việc luận công-tội của Thái sư Trần Thủ Độ, giải bi ai cho những lựa chọn của Trần Thái Tông và Lý Chiêu Hoàng. Đó cũng là cách xử lý khéo léo của ê-kíp đối với một vở diễn lịch sử hướng vào đối tượng khán giả là học sinh ở các trường THPT, giúp các em tiếp cận vở diễn theo hướng vừa xem vừa học, hiểu về những số phận và một giai đoạn lịch sử thời Lý - Trần.
|
Một trong những phân cảnh xúc động của vở diễn: Trần Thái Tông tác hợp Lý Chiêu Hoàng cho tướng quân Lê Tần |
Chỉ có khoảng hơn hai giờ đồng hồ để tái hiện một giai đoạn biến động của lịch sử với quá nhiều nhân vật, nỗi niềm… khó tránh khỏi một vài chi tiết buộc phải xử lý vội, điều này có thể khiến những khán giả khó tính chưa thực sự hài lòng. Dẫu vậy, Thành Thăng Long thuở ấy vẫn là một vở diễn lịch sử khá hay từ diễn xuất, âm nhạc, lời thoại, cách xử lý bối cảnh, và là nỗ lực không mệt mỏi của những người làm sân khấu xã hội hóa trong thời điểm sân khấu đang khó chồng khó như hiện nay.
Lục Diệp