PNO - Tôi nhìn thấy TPHCM trở thành đô thị đáng sống và giàu bản sắc hơn trong màu xanh góc phố - nơi mỗi người có thể tìm thấy tình yêu của mình ở không gian đô thị hiện đại.
TPHCM đang mở rộng và phát triển hơn bao giờ hết. Đi cùng với sự vươn mình mạnh mẽ đó là những con đường, cao ốc, khu dân cư mới mọc lên. Khoảng xanh càng trở nên quan trọng hơn trong những khu vực có nhiều gia đình, người dân sinh sống. Hiện nay, mật độ đất cây xanh công viên đô thị ở TPHCM chưa đạt tiêu chuẩn 7m2/người của đô thị loại đặc biệt. Con số ấy cho thấy thành phố đang rất cần cây xanh, để mỗi người dân có thêm không khí trong lành.
Tác giả (thứ hai từ trái qua) tham gia trồng cây, dọn rác ở Cần Giờ
Tôi đã được nghe đến kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của UBND TPHCM giai đoạn 2021-2025 nhằm cải thiện cảnh quan, bảo vệ môi trường. Đó là tín hiệu đáng mừng, là sáng kiến hiện thực hóa đề án của Chính phủ về trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Những cây xanh được trồng trong giai đoạn này sẽ mang chức năng phù hợp với từng khu vực. Ở thành thị, cây xanh được trồng nơi công viên, quảng trường, bệnh viện, trường học, khu công nghiệp để tăng chất lượng cuộc sống của người dân; ở nông thôn, cây xanh được trồng trong đất vườn nhà, bờ thửa, giúp phòng hộ, chống sạt lở, tránh sa mạc hóa...
Lúc tôi trở thành Hoa hậu Môi trường Việt Nam cũng là lúc các đơn vị, phường, xã, quận, huyện ở TPHCM thực hành sáng kiến này. Tôi được đi theo các cô chú, anh chị đến những con hẻm, công viên ở chung cư, các khu phố để cùng trồng cây xanh, tặng cây xanh, học hỏi kinh nghiệm xây dựng không gian xanh. Tôi học được rằng, chất lượng cuộc sống bắt đầu từ những sự quan tâm mỗi ngày như vậy. Cây xanh nhắc nhở về giá trị sống, giá trị ta muốn dành cho người thân yêu để họ được thở trong bầu không khí trong lành, có không gian xanh để thư giãn...
Cuối năm 2022, tôi được tham gia một chuyến đi vận động trồng cây, giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp ở quận Bình Tân. Ở đó, rất nhiều cô bác và các bạn trẻ đã chủ động trồng cây xanh trên ban công, ngoài hàng hiên và ở những khoảnh đất nhỏ để có thêm khoảng xanh cho nơi họ sinh sống. Có những phường, chung tay trồng và chăm sóc cây xanh trở thành việc làm quen thuộc của mọi người.
Tôi còn nhớ khi được đi trồng cây cùng bà con ở quận 8, mọi người rất thích thú vì có hoa hậu đi cùng. Khi tôi cùng ban tổ chức tặng cây xanh cho các cô chú, mọi người hỏi chuyện rất nhiều, vậy là tôi có thêm cơ hội chia sẻ về môi trường. Tôi đem câu chuyện ấy đến nơi khác kể lại. Cứ thế, hành động tích cực về môi trường lan đi như những vòng tròn trên mặt nước.
Hãy tự mình tạo mảng xanh
Có thêm màu xanh là có thêm “vùng đệm” cho phổi, cho sức khỏe tâm trí, là nơi để trẻ con có thể vui chơi sau giờ học và người lớn, người già thư giãn sau giờ làm việc. Ở nơi có cây xanh, con người dần thân thiện với môi trường hơn và cũng gắn bó với nhau hơn, cùng cố gắng giữ gìn để nơi họ sống càng xinh đẹp và đáng sống hơn.
Màu xanh làm giảm cơn nóng mùa hè trên những con đường trung tâm quận 1, quận 3. Màu xanh ở quy mô lớn là rừng ngập mặn Cần Giờ giúp lọc khí và giảm nhiệt độ cho thành phố giữa áp lực của nhiệt độ cực đoan mùa hè và mùa mưa kéo dài thất thường.
Có thêm màu xanh là đưa thêm sự giàu có của thiên nhiên về bên cạnh con người để tạo ra sự gắn bó, hòa nhã, hiểu biết, để mỗi người thêm yêu và cùng gìn giữ những gì thiên nhiên ban tặng. Nhưng thiên nhiên không tự mạnh mẽ sinh sôi, nhất là ở nơi đã bị bê tông hóa và đất đai chỉ còn dành để xây nhà cửa, công trình. Những cô chú ở quận Bình Tân, quận 8 đã dạy tôi rằng, nếu muốn có màu xanh, hãy dùng chính đôi tay mình để tạo ra. Các cô chú dọn dẹp sạch rác ở nơi công cộng, trồng những bụi hoa. Cây xanh vươn lên ở những nơi từng đầy rác như thế, không những góp phần làm đẹp không gian sống, tăng mảng xanh mà còn kéo giảm tình trạng đổ rác bừa bãi.
Có nhiều con đường rợp bóng cây xanh, là mong ước của người dân TPHCM (ảnh chụp trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10) - Ảnh: Nguyễn Quang
Các cô chú đã làm việc này với tình yêu chân thành cho những xanh đô thị. Những bụi cây được tưới đều đặn, những chậu hoa được kê ở nơi có nắng vừa phải, nhiều nhóm cây non mới được vun gốc và thỉnh thoảng bỏ vào chút phân. Qua nhiều tháng, đầu con hẻm trọc lốc với đống rác “khó ưa” ngày trước đã được thay bằng khoảng xanh tươi mát, bắt mắt. Cứ như vậy, màu xanh ngày càng được nhân lên trong cộng đồng.
Mỗi chuyến trồng cây xanh càng giúp tôi hiểu và yêu quý hơn hoạt động ý nghĩa này. Khi TPHCM hướng về 10 triệu cây xanh đến năm 2025, tôi thật sự hạnh phúc khi tưởng tượng thành phố của tương lai có những tán cây đang lớn mà hôm nay, những cư dân yêu môi trường nhẹ nhàng bỏ hạt hoặc cành giâm vào hố, lấp lên một dải đất mềm xốp.
Quê tôi ở tỉnh Bến Tre. Tuy tôi không lớn lên ở đó nhưng hình ảnh những cánh đồng lúa xanh rì, vườn bưởi sum suê, rừng dừa rợp bóng từ những chuyến theo chân cha về thăm quê vẫn in đậm trong ký ức. Cho đến năm 2016, xem ti vi và thấy cảnh những cánh đồng khô cằn, nứt nẻ do hạn, mặn, thấy những giọt nước mắt mặn đắng của nông dân, tôi vừa đau xót vừa giật mình, vì chưa bao giờ nghĩ Bến Tre - quê hương trù phú của mình - có ngày lại như vậy.
Theo thời gian, tình trạng hạn, mặn diễn ra ngày càng trầm trọng hơn không chỉ ở Bến Tre mà còn ở nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tất cả điều này là minh chứng chân thực và rõ nét nhất cho tình trạng biến đổi khí hậu, mà nếu không hành động ngay bây giờ, tương lai chúng ta sẽ chẳng còn gì. Tôi dần hiểu ra, môi trường không phải là việc của ai đó, ở đâu xa xôi.
Những mảng xanh không có tên, cũng như người trồng cây có thể là bất kỳ ai. Bảo vệ môi trường cần hàng triệu triệu bàn tay cùng hành động.
Nếu hôm nay có chút không vui, bạn hãy trồng một cái cây.
Nếu hôm nay âu lo với cuộc sống của mình, bạn hãy ngắm nhìn một mầm non nảy khỏi hạt và bắt đầu vươn lên.
Nếu hôm nay đã làm việc rất mệt, bạn hãy ra khoảng xanh nơi công viên, bờ sông, bên dưới chung cư và đi dạo một vòng, nghe cây rì rào buổi tối.
Nếu hôm nay bạn ước gì mình là một phần của thành phố, bạn có thể bắt đầu bằng cách trồng một cây xanh bên hiên, trong nhà, ngoài ban công, trên sân thượng. Hãy góp màu xanh chung vào bức họa của 10 triệu cây xanh sắp thành hiện thực, để TPHCM xanh như tuổi trẻ và sức sống của mỗi người con thành phố.
Nguyễn Thanh Hà Hoa hậu Môi trường thế giới 2023
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.
Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa bắt giữ vụ vận chuyển trái phép hơn 22 kg ma túy các loại từ Campuchia chuyển về Việt Nam.