PNO - Nếu không tỉnh táo, rất có thể, trong một tương lai không xa, cái thành phố tương lai được phác thảo từ hai mặt sông Sài Gòn cũng sẽ biến dạng, sau thời gian dài bị vắt kiệt.
Cú sốc sau vụ đổ sập của cầu tàu Ba Son, hơn 130 tuổi, xuống lòng sông Sài Gòn sẽ còn lại đó như một di chứng đau thương trong lòng đô thị này, mãi mãi! Nếu không tỉnh táo, rất có thể, trong một tương lai không xa, cái thành phố tương lai được phác thảo từ hai mặt sông Sài Gòn cũng sẽ biến dạng, sau thời gian dài bị vắt kiệt.
“Có vàng mà không biết khai thác”
Trong cuộc trò chuyện chủ đề "Thành phố ngày mai", do France Alumni Vietnam - mạng lưới cựu sinh viên các chương trình đào tạo của Pháp tại Việt Nam - tổ chức vừa qua ở TP.HCM, tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói: “Khi nói đến thành phố tương lai, người ta hay nói tới việc thành phố đó phải thông minh, hiện đại… nhưng thực ra, không hẳn. Các thành phố trên thế giới đều có lịch sử phát triển của nó. Nói đến tương lai mà không nói quá khứ thì chúng ta sẽ chẳng thể nào có một tương lai tốt
đẹp cả”.
Câu chuyện này, đặt trong bối cảnh Đoàn đại biểu TP.HCM, do ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM - dẫn đầu đi thăm, tìm hiểu Darmstadt - thành phố tương lai của Đức, ngày 23/5 (theo giờ Đức) và Quốc hội dành trọn ngày làm việc 27/5 để giám sát tối cao tại hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018; trong đó, chỉ ra nhiều khuyết điểm, vi phạm liên quan đến đất đai đô thị trong thời gian qua; chúng ta sẽ thấy nhiều điều đáng ngẫm.
Đánh giá riêng về TP.HCM, tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói: “Hiện nay, chúng ta đang phát triển đô thị một cách rất lãng phí. Ta có vàng mà không biết khai thác, toàn đi lượm bạc cắc. Có những cái đáng giữ thì không giữ, những cái đáng xây lại không xây. Cứ loay hoay và lãng phí ngân sách cho việc này”.
Ông Ngô Viết Nam Sơn chỉ ra 3 tác động lớn đến sự phát triển của thành phố. Trong đó, 2 tác động quan trọng nhất là các nhà đầu tư - những người thực hiện các dự án lớn trong tương lai và chính quyền (Trung ương và địa phương) đứng ở giữa, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân, để bên nào cũng được lợi. Ngoài ra, còn có những người tham gia quá trình đó như người cung cấp dịch vụ, thương mại, hạ tầng, giáo dục… và cả những thành viên của cộng đồng, người dân đang sống ở thành phố - là những người hưởng thụ các giá trị của thành phố. Sở dĩ gọi họ là nhóm người tham gia, vì họ có tiếng nói, nhưng không có quyền ra quyết định; song họ vẫn là những người quan trọng, vì thành phố được xây dựng để phục vụ họ. Cuối cùng là nhóm những người tư vấn, bao gồm nhà quy hoạch, những chuyên gia kiến trúc và nhà khoa học về lịch sử, nhà báo, nhà văn, nhà xã hội học, thậm chí nghệ sĩ… Vai trò của nhóm này giúp nhóm nhà đầu tư và chính quyền có những định hướng đúng; bởi lẽ, khi nói phát triển đô thị, không chỉ là phát triển về kinh tế mà còn cả về văn hóa, lịch sử, môi trường…
Tuy nhiên, ở ta, như ông Sơn nói, “tác động của giới đầu tư đối với quy hoạch chung khá lớn”. ông Nam Sơn đặt vấn đề: “Đa số di sản thuộc đất công, nên ưu tiên cho bảo tồn. Chẳng hạn khu vực Ba Son vốn là đất công. Về mặt chuyên môn, tôi đánh giá, mảnh đất đó không hề thua mảnh đất xây dựng nhà hát Opera Sydney - biểu tượng của nước Úc. Ở đó, ta hoàn toàn có thể xây một cụm công trình văn hóa nghệ thuật, công viên cây xanh phục vụ cho người dân, nâng giá trị của trung tâm lịch sử gấp 20-30 lần”.
Theo PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển TP.HCM - những yêu cầu của một đô thị tương lai đòi hỏi một bộ máy quản lý đô thị thông minh, có năng lực quản lý và điều hành. Mô hình quản lý đô thị hiện nay của chúng ta vẫn theo chiều dọc truyền thống, không có sự chia sẻ hạ tầng, dữ liệu cũng như các công cụ, tài nguyên khác theo chiều ngang giữa các sở, ban, ngành. Xây dựng tính kết nối giữa các ngành, các lĩnh vực là một trong những điều kiện quan trọng để xây dựng thành phố tương lai.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên liệu có rơi vào tình trạng khai thác không hiệu quả và thành phố phải nuôi - Ảnh: Cao Thăng
Điển hình của mô hình quản lý này là câu chuyện của tuyến metro số 1, ông Ngô Viết Nam Sơn nêu ví dụ. Thông thường, ở các nước, các tuyến metro được thiết kế xung quanh các tòa nhà cao tầng. Kiến trúc sư Nguyễn Khánh Duy - Giám đốc văn phòng kiến trúc DE-SO ASIA - bày tỏ sự tiếc nuối: khi xây một khu mới hoàn toàn, 10.000 căn hộ ở Vinhomes, tại sao không làm trạm metro ngay dưới chân khu phức hợp này mà làm bên kia đường? Nếu trạm metro nằm dưới chân Vinhomes, thành phố sẽ giải quyết được nhiều vấn đề: khu vực này sẽ không kẹt xe, 10.000 hộ (tương đương khoảng 30.000 người dân), nếu có metro bên dưới, sẽ giảm được một số lượng lớn người điều khiển phương tiện giao thông cá nhân; đồng thời nhà đầu tư, metro đều được lợi.
Khoanh vùng khu trung tâm lịch sử
Nói đô thị thông minh, đô thị tương lai, ta không thể không có cái nhìn tổng quan từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai. Từ nhiều mô hình đô thị trên thế giới, có thể thấy, bên cạnh một khu đô thị cũ là một khu đô thị mới và người ta giữ nguyên hiện trạng đó. Việt Nam hiện nay, mới cũ “trộn nhau”, tạo ra một sự lộn xộn và khó kiểm soát trong quản lý, quy hoạch.
Quy hoạch thành phố tương lai, ta nên xác định cụ thể khu vực nào nên giữ, nếu giữ thì giữ ở mức độ nào và khu nào nên kích thích phát triển. Chính quyền thành phố phải làm sao để trong đô thị, bất cứ ai cũng có cơ hội phát triển và có cuộc sống họ mong muốn. Để gỡ đám rối quy hoạch, không thể chỉ dựa trên một vài cá nhân nhỏ lẻ, mà các sở, ban, ngành phải ngồi lại, phối hợp với nhau, dưới sự chỉ huy của vị nhạc trưởng là UBND TP.HCM.
Ở các nước phát triển, những di sản trên 100 năm tuổi được họ hết sức trân quý và hầu hết đều được khoanh vùng để bảo vệ. Trong khi ở ta, nhiều di sản vẫn bị ứng xử rất thô bạo. Mỗi ngày, biết bao công trình có giá trị bị đập bỏ, sụp đổ, biến mất; mà cầu tàu Ba Son là ví dụ mới nhất. Rất nhiều công trình thuộc hàng di sản ở TP.HCM không nằm trong danh mục di sản được bảo vệ, một tác động nào đó hoàn toàn có thể phá nát chúng bất cứ lúc nào.
Khi ta nói chuyện thành phố tương lai mà không biết lấy cái gì để kể về lịch sử thành phố ra sao, xem như quá trình phát triển đó đã bị thiếu khuyết. Cuối cùng, có lẽ ta chỉ còn những tòa nhà cao chọc trời của thế kỷ XXI mà thôi. Kiên trúc sư Ngô Viết Nam Sơn đặt câu hỏi, bao nhiêu năm nữa, các thành phố ở Việt Nam mới chịu khoanh vùng, thành lập trung tâm lịch sử với những đô thị trên 100 tuổi? Một khi khoanh vùng được, khu trung tâm lịch sử của đô thị ở Huế, Hội An, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.HCM... sẽ mặc định được bảo vệ mà chẳng cần danh sách xếp hạng nào.
“Chúng ta cần gấp rút khoanh vùng những khu trung tâm lịch sử, di sản. Phải có kế hoạch đưa những công trình này vào vận hành, để mang lại giá trị kinh tế - xã hội. Với những nhà đầu tư muốn xây nhà cao tầng, hiện đại, thành phố rất chào đón, nhưng cũng nên khuyến khích họ xây ở những nơi mới hơn, như khu vực Thủ Thiêm chẳng hạn” - ông Nam Sơn nói.
Tại sao các nhà đầu tư thích những khu đất vàng trong lòng đô thị mà lơ là một khu vực như Thủ Thiêm? Giá trị của Thủ Thiêm nằm ở trung tâm của TP.HCM hiện hữu. Muốn tăng giá trị Thủ Thiêm, thành phố phải tạo ra những kết nối trực tiếp. Hiện nay, từ trung tâm, muốn qua Thủ Thiêm, phải đi vòng vèo rất lâu. Khi cơ sở hạ tầng chưa có, các nhà đầu tư không mặn mà với khu vực này cũng là điều dễ hiểu.
Để phát triển, một mặt, ta phải bảo tồn di sản, nhưng mặt khác cũng phải tạo điều kiện cho phát triển và giúp những nhà đầu tư khai thác hiệu quả những vùng mà thành phố muốn họ đầu tư. Nói tới đô thị tương lai, đô thị thông minh, hiện đại, không thể để xảy ra tình trạng phá di sản, đô thị ngập nước, kẹt xe…
Đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025" được đưa ra từ năm 2017. Bây giờ đã là giữa năm 2019, nhưng lộ trình của đề án, theo bà Tôn Nữ Quỳnh Trân, mới đang ở giai đoạn khởi đầu và lãnh đạo thành phố vẫn còn phải tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm xây dựng thành phố tương lai. Trong lúc đó, ngày ngày, trong lòng đô thị, vẫn diễn ra những “cuộc chiến” giá trị giữa quá khứ - hiện tại mà phần thắng đang nghiêng về phe phát triển.
Tình trạng "kẹt xe khắp thành phố" là hệ quả của việc quy hoạch thiếu tầm nhìn
“Chúng ta đang sống trong một thế giới lưỡng dụng, nơi mà những gì giúp chúng ta giàu có và mạnh hơn cũng có thể làm chúng ta tổn thương”, một vị chiến lược gia hàng đầu của Mỹ từng nói như thế. Đó có lẽ là mệnh đề phủ lên mọi đô thị đang mang trong lòng giấc mơ “trở mình”. Thành phố ngày mai - thành phố bền vững, thành phố đáng sống và thành phố thông minh - giấc mơ của TP.HCM hiện tại, có trở thành hiện thực hay không, phụ thuộc rất lớn vào ý chí của lãnh đạo thành phố.
Chia sẻ với báo chí bên lề cuộc họp Quốc hội về quy hoạch đất đai đô thị, từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018, ngày 27/5, đại biểu Quốc hội - luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Việt Nam đã hội nhập với thế giới hơn 30 năm, hoàn toàn có đủ kiến thức, năng lực quy hoạch và sử dụng đất, nhằm tạo ra những đô thị đáng sống; có hạ tầng giao thông, kỹ thuật đầy đủ và hiện đại, môi trường sống văn minh, xanh sạch. Tuy nhiên, đất đai nhiều đô thị có tình trạng khai thác quá nhiều vào việc phát triển bất động sản, nhất là phân khúc cao cấp, vượt quá khả năng mua của đa số người dân; có xu hướng dồn nén vào nội đô để bán giá cao. Ở Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra những vấn nạn điển hình của các đô thị quy hoạch kém. Hạ tầng giao thông và kỹ thuật, các công trình xã hội, không gian công cộng bị xem nhẹ, bỏ qua. Đô thị ngập nước thường xuyên, ô nhiễm nghiêm trọng và thiếu hụt trầm trọng phương tiện giao thông công cộng. Những vấn nạn này gây tổn thất lớn cho nền kinh tế, nhất là cho cuộc sống của người dân.
Qua giám sát, có thể kể ra những khuyết điểm, vi phạm liên quan đến đất đai đô thị. Ngoài ra, có tình trạng dự án xâm hại các di tích lịch sử, văn hóa, các khu bảo tồn; xâm hại môi trường; đặc biệt là tình trạng nhiều khu đất “vàng” thuộc nhà nước đã bị tư nhân hóa bằng cách cho thuê hay chuyển nhượng không đúng quy định, thấp hơn giá trị, gây tổn thất lớn. Cán bộ, công chức tham nhũng đã tạo điều kiện, tiếp tay cho các nhóm lợi ích tiêu cực, các cá nhân xấu lũng đoạn quy trình pháp lý, làm thiên lệch cán cân lợi ích, đặc biệt là xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của rất nhiều tầng lớp nhân dân ở các vùng miền; gây thiệt hại, tổn thất lớn cho lợi ích xã hội mà Nhà nước là đại diện. Đây là nguyên nhân chính của nhiều vấn nạn, sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai ở đô thị.
Rất tiếc là đã hơn 30 năm khai thác đất đai để phát triển đô thị, chúng ta vẫn chưa làm được điều phải làm - đó là hài hòa lợi ích, trong đó, ưu tiên cho lợi ích của nhân dân, nhất là người dân bị mất đất. Nhiều quyết định về quy hoạch, đền bù, tái định cư ở địa phương đã gây thiệt thòi và bất công cho người dân, trong khi lại giúp cho các chủ dự án hưởng lợi lớn. Câu chuyện Thủ Thiêm là một ví dụ, nhưng ngoài ra còn rất nhiều “Thủ Thiêm khác” với quy mô lớn nhỏ ở nhiều tỉnh, thành.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh quá tải, ngập nặng sau mỗi cơn mưa lớn
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn:
“Chúng ta cần một chính quyền mạnh hơn nữa”
Hiện nay, ở TP.HCM và một số đô thị khác, chuyện quy hoạch đô thị được xem là vấn đề khó. Tôi không nói chính quyền thiếu trách nhiệm, nhưng chúng ta đang làm việc theo tư duy ngành dọc. Khi đưa ra quy hoạch, ta thiếu một cái nhìn tổng thể; đến khi thực hiện dự án, khi đặt bút ký rồi mới nhận ra là đang xâm phạm di sản.
Ở các nước phát triển, quy hoạch chính là chính trị. Những đại biểu ra ứng cử thị trưởng, tổng thống thì trong chương trình tranh cử, luôn đưa ra vấn đề quy hoạch, bảo tồn… để thuyết phục cử tri ủng hộ mình.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du - người nghiên cứu về quản lý công - từng cho rằng, muốn làm lãnh đạo ở cơ chế công, để được thăng chức nhanh, chỉ cần không làm sai, cũng chẳng cần phải có công trạng gì hết. Bởi lẽ, nếu đề xuất những ý tưởng, kế hoạch mới, cơ hội lớn, nhưng đi cùng với nó là rủi ro cũng cao. Chúng ta thiếu những nhà lãnh đạo xông xáo là vì vậy. Muốn thay đổi để bảo tồn và phát triển tốt, vai trò của chính quyền và nhà đầu tư rất quan trọng. Chúng ta có những nhà đầu tư mạnh, nhưng chúng ta cần một chính quyền mạnh hơn nữa.
Thị trưởng ở các nước, khi mới lên, có thể cho nghỉ việc toàn bộ nhân sự để lập một bộ máy mới, phục vụ cho nhiệm kỳ của mình, để thực hiện lời hứa với người dân. Ở ta thì không thể. Một vị lãnh đạo ở TP.HCM từng nói với tôi, muốn cách chức một ông trưởng phòng nhỏ nhỏ cũng không dễ. Trong guồng máy cơ chế đó, muốn thay đổi, phải rất quyết liệt mới được.
PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển TP.HCM:
“Chưa có đánh giá tác động văn hóa”
Ta đã bỏ sót rất nhiều thứ trong quá trình phát triển, vì ta không chú trọng những di sản văn hóa, di sản kiến trúc. Ta chú trọng tòa nhà, chứ không chú trọng cảnh quan xung quanh. Tôi đồng ý với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn về việc cần khoanh vùng bảo tồn khu trung tâm lịch sử.
Tất nhiên, các nhà đầu tư sẽ chủ yếu quan tâm tới lợi nhuận; nhưng ở vị trí của mình, chính quyền hoàn toàn có thể ngăn chặn được những tác động mang tính xâm phạm di sản. Tôi để ý, trong các dự án phát triển đô thị ở TP.HCM, chúng ta thường chú ý tới báo cáo tác động môi trường, hiếm khi chú ý tới báo cáo tác động di sản, tác động văn hóa. Đó là điều không bắt buộc trong quá trình lập quy hoạch, nên ta không để tâm. Không có báo cáo tác động văn hóa đã đành, thậm chí, cũng không có báo cáo tác động đối với xã hội.