Tôi còn nhớ những ngày cuối thu ở Koln (Đức) năm 2013, trời chiều giá lạnh làm tôi nhớ da diết cái nắng ấm của Sài Gòn, nhớ tiếng rao hàng mỗi tối, nhớ dòng xe máy ngược xuôi.
Ngang qua các di tích lịch sử
Hằng ngày, đi qua các con đường Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Trần Đình Xu, Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, tôi băn khoăn không biết các bạn trẻ hôm nay có biết những người anh hùng đã từng dũng cảm đứng lên đấu tranh cách mạng giữa Sài Gòn - Chợ Lớn 100 năm trước hay không.
Phía đầu đường ở nhà ga tàu điện ngầm Ba Son có bức tường vàng ố màu thời gian của xưởng đóng tàu cũ. Tôi không biết mấy ai trong thế hệ chúng tôi hôm nay biết được nơi đây từng diễn ra cuộc bãi công lớn đầu tiên của công nhân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của người thợ Tôn Đức Thắng.
100 năm trước, giữa Sài Gòn đã bùng lên ngọn đuốc soi sáng phong trào yêu nước cho lớp trẻ thành phố về sau và truyền cảm hứng cho phong trào cách mạng Việt Nam, lan rộng ra toàn thế giới.
|
Các bạn trẻ TPHCM tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, thu gom rác thải, làm sạch kênh rạch, giữ xanh thành phố - ẢNH: T.Đ. |
Dừng chân ở các di tích lịch sử, tôi ước gì trong tương lai, thành phố mình sẽ có thêm thật nhiều không gian ký ức để người trẻ được khơi gợi cảm hứng tìm hiểu, khám phá về quá khứ của cha anh, để không lãng quên công ơn bao người nằm xuống, để khát khao nghĩ về trách nhiệm với tương lai.
Tôi đạp xe ngang qua Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM - nơi khi xưa được gọi là Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, ngang qua công viên Bách Tùng Diệp gặp tượng đài học sinh Trần Văn Ơn, nữ sinh Quách Thị Trang, dừng chân ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM và Học viện Hành chính quốc gia để hồi tưởng, sống lại bầu không khí hào hùng những đêm âm nhạc Sài Gòn không ngủ trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” từ năm 1968 đến 1975 của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định ngày trước.
Tôi từng được ông tôi kể về những năm 1960, 1970. Trong cao trào của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam, tiếng hát là vũ khí chiến đấu đòi hòa bình, độc lập của thế hệ trẻ thành phố.
Những học sinh, sinh viên ưu tú của Sài Gòn đã sáng tác nên những bài ca yêu nước, họ hát từ giảng đường cho đến các cuộc biểu tình đòi hòa bình. Những ca khúc được sinh viên hát vang trong các đô thị miền Nam thập niên 1960 vẫn sống mãi đến tận hôm nay, được những người trẻ chúng tôi ngân nga trong những Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng…
Những ngọn lửa tiếp nối
Đại thắng mùa xuân 1975 mở ra một trang sử mới. Tháng 3/1976 chứng kiến hàng vạn thanh niên của TPHCM cùng nhau “bỏ phố lên rừng”, khoác lên người bộ đồng phục xanh, tập hợp trong một tổ chức với tên gọi Thanh niên xung phong.
Thanh niên xung phong của TPHCM đã có mặt trên những tuyến đầu gian khó nhất, đến những nơi bị chiến tranh tàn phá, có mặt ở vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Họ lên Tây Nguyên, qua miền Đông Nam Bộ, xuống Đồng Tháp Mười, U Minh, miệt thứ Kiên Giang, đất mũi Cà Mau… để khắc phục hậu quả sau chiến tranh, rà phá bom mìn, làm sạch môi trường, khai hoang phục hóa, đào kênh đắp đập, lập làng kinh tế mới, xây dựng nông trường.
Hôm nay, tôi chạy xe trên đại lộ Võ Văn Kiệt thênh thang để ngắm nhìn con kênh xanh mát, qua những cây cầu đẹp nối liền đôi bờ sông và ngước đầu ngắm những tòa nhà cao tầng mới vừa cất nóc.
Bên kia sông Sài Gòn, thành phố mới Thủ Đức đang hình thành, khu đô thị Thủ Thiêm đã nên dáng, xa xa là đường cao tốc thẳng tắp đến cảng hàng không quốc tế Long Thành tầm cỡ thế giới, là con đường băng qua rừng ngập mặn đến cảng biển hàng đầu thế giới Cần Giờ trong tương lai…
Tôi gặp những bạn trẻ trong Câu lạc bộ tình nguyện Sài Gòn Xanh đang mặc trang phục bảo hộ, ngâm mình dưới dòng kênh vớt rác trong cái nắng oi ả ở quận 8, quận 6… Các bạn khoe: “Câu lạc bộ tụi mình vừa được thế giới bình chọn là một trong những câu lạc bộ môi trường hoạt động hiệu quả và truyền cảm hứng nhất đó Khương”.
Tôi nể phục những bạn trẻ tuổi đôi mươi hôm nay đang giúp thành phố mình xanh, sạch hơn và họ còn giáo dục người dân thành phố ý thức bảo vệ môi trường.
Trên đường, những chiếc xe Vespa cổ đang chở khách Tây du lịch. Đó là những bạn trẻ đến từ Mỹ, Pháp… hòa vào thành phố mình, chăm chú tìm hiểu các căn hầm của Biệt động Sài Gòn xưa ở khu Tân Định, Bàn Cờ. Tôi thấy đôi mắt ngấn nước của họ khi vừa bước ra Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.
Tôi nghe những bạn trẻ Việt Nam sinh năm 2000 đang làm hướng dẫn viên du lịch kể bằng tiếng Anh lưu loát về địa đạo Củ Chi, về những anh hùng Biệt động Sài Gòn trong giọng nói xúc động xen lẫn tự hào. Tôi thấy người trẻ hôm nay có quyền hãnh diện là lớp sau của đàn anh kiên cường. Họ tiếp nối ngọn lửa yêu nước từ các anh, các chị học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định ngày nào để lại.
|
Tuổi trẻ chung tay, góp sức xây dựng TPHCM ngày càng văn minh, hiện đại - ẢNH: NGUYỄN QUANG |
Người trẻ sinh ra ở TPHCM hay người trẻ khắp nơi về đây học tập, làm việc đều đang nỗ lực lao động, kết nối Việt Nam với thế giới. Tôi hạnh phúc khi thấy những đồng nghiệp ngày đêm tìm đối tác xuất khẩu sữa tươi Việt Nam sang 61 quốc gia và vùng lãnh thổ, đem ngoại tệ về cho đất nước. Tôi tự hào khi biết hằng ngày, từ thành phố mình, hàng ngàn container vượt mọi hành trình xa xôi đưa nông sản, quần áo, linh kiện Việt Nam đến năm châu.
Tôi được dịp trò chuyện cùng cô em gái xinh đẹp từ Huế vào Sài Gòn học vẽ để bán tranh gây quỹ cho dự án “Nuôi em”, nỗ lực hiện thực giấc mơ đem đến những bữa ăn dinh dưỡng cho hàng ngàn trẻ em vùng cao và xây ngôi trường nội trú khang trang trên miền cao Tây Bắc.
Và tôi còn được làm việc với những người trẻ sinh sau năm 2000 ngày đêm luyện tập làm AI (trí tuệ nhân tạo) để đưa sản phẩm công nghệ Việt Nam ra thế giới, ứng dụng trong tự động hóa và giúp cuộc sống tiện lợi hơn.
Nhiều bạn trẻ du học Mỹ, Úc, Anh… trở về giúp thành phố mình thay đổi nhanh hơn. Những người trẻ hôm nay yêu cuộc đời và yêu thành phố theo một cách rất đặc biệt. Họ khát khao Sài Gòn - TPHCM tiến bước, vươn lên. Họ chờ mong một ngày chứng kiến thành phố phát triển ngang tầm những đô thị lớn của châu Á, xuất hiện trên bản đồ những thành phố hàng đầu về khởi nghiệp, khoa học, giáo dục, y tế…
Khắp nẻo đường, những bảng quảng cáo sáng rực về đêm, những công trình thế kỷ vươn lên hoành tráng. Nhưng những góc nhỏ lịch sử thì vẫn được trân trọng nâng niu. Bến Nhà Rồng uy nghi sáng trưng bên dòng sông lịch sử, còn đó công xưởng Ba Son bên cạnh nhà ga ngầm metro hiện đại, còn đó những phút bình yên lắng đọng trong khuôn viên các trường đại học rợp bóng cây xanh để tưởng nhớ về thế hệ học sinh, sinh viên yêu nước ngày nào.
Các con phố Bàn Cờ, Tân Định dù sôi động mấy chăng nữa thì những căn nhà của biệt động, của ba má phong trào ngày nào vẫn còn được giữ vẹn nguyên để hẹn người trẻ thế hệ tương lai, người trẻ khắp nơi trên thế giới đến khám phá lịch sử anh hùng của Sài Gòn - TPHCM, của đất nước Việt Nam.
Phan Khương
Theo thể lệ, từ ngày 1/1/2025, cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” đã dừng tiếp nhận bài dự thi. Tuy nhiên, Báo Phụ nữ TPHCM vẫn tiếp tục đăng tải những bài dự thi có chất lượng tốt. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trên báo điện tử Phụ nữ TPHCM (phunuonline.com.vn). | |
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html. |