Hơn 30 lượt ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân gửi về Báo Phụ Nữ TP.HCM đều đồng tình với việc TP.HCM tiên phong xây dựng mô hình thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em. Nhiều góp ý rất thiết thực từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục... đến hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ phụ nữ, trẻ em.
|
Nhường chỗ ngồi, không hút thuốc nơi công cộng cũng là hành động thiết thực của nam giới khi chung tay xây dựng thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em. (Ảnh: Phùng Huy) |
Bắt đầu TỪ PHƯƠNG DIỆN KỸ THUẬT
Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng - Học viện Cán bộ TP.HCM - cho rằng: “Sẽ không thể có một thành phố an toàn, thân thiện đối với phụ nữ và trẻ em khi mà hệ thống nhà vệ sinh công cộng, nhà vệ sinh trong trường học không được đảm bảo vệ sinh, chưa thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu cho phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú, học sinh; đặc biệt là phụ nữ, trẻ em thuộc nhóm khuyết tật. Sẽ không có thành phố an toàn, thân thiện khi hệ thống giao thông công cộng chưa tính đến đáp ứng sự tiện ích, an toàn cho các đối tượng sử dụng như đã nêu ở trên”.
Do đó, theo tiến sĩ Thắng, trước khi thực hiện những mô hình, định hướng có tính chất vĩ mô, khi hướng đến xây dựng thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em, chúng ta nên hướng đến những nhu cầu thiết yếu nhất trên phương diện kỹ thuật.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Rất mong TP.HCM sẽ xây dựng nhiều trường học, nhất là các trường mẫu giáo, tiểu học dành cho con em nữ công nhân, nữ lao động nhập cư ở vùng ven có nơi học hành đàng hoàng, để chúng tôi an tâm lao động, đóng góp sức mình cho thành phố”.
Còn anh Nguyễn Thành Ân (hướng dẫn viên du lịch ngụ tại Q.10, TP.HCM) cho rằng: “Thành phố an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em là nơi bắt buộc hệ thống giao thông công cộng phải thuận tiện nhất, là lựa chọn hàng đầu và khiến người dân an tâm nhất”.
ĐẾN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Các nhà nghiên cứu, chuyên gia về pháp luật gióng lên hồi chuông cảnh báo: khung pháp lý điều chỉnh về phòng ngừa và ứng phó với các hình thức bạo lực, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em hiện nay chưa được toàn diện và đầy đủ. Theo các luật sư, đã đến lúc phải sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007.
Luật sư Vũ Thị Hoài Vân - Văn phòng trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ số 6 - cho biết: “Có nhiều điều luật vô thưởng vô phạt, không thể áp dụng, xử lý hay chế tài với người có hành vi vi phạm. Đặc biệt về vấn đề quấy rối tình dục, hiện chỉ mới được đề cập ở một số văn bản pháp luật (như Bộ Luật lao động và Bộ Quy tắc ứng xử phòng, chống quấy rối tình dục ở nơi công cộng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế - ILO ban hành). Vì vậy, thành phố cần kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định về xử lý các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng”.
Cùng dòng ý kiến hoàn chỉnh khung pháp lý, nhiều ý kiến đề xuất phải thực thi pháp luật triệt để tạo môi trường an toàn, thân thiện cho phụ nữ và trẻ em. Kỹ sư Trần Sơn Minh (công tác tại công viên phần mềm Quang Trung) cho rằng, để ngăn chặn hành vi xả rác thải, khí độc hại ra môi trường, thành phố cần lập đội cảnh sát môi trường, tuần tra, hoạt động như cảnh sát giao thông; phối hợp hệ thống camera an ninh để xử phạt hành vi xả rác thải. Cảnh sát môi trường phải là lực lượng chính quy, hưởng lương và các chế độ đủ để làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, tránh lạm quyền, tham nhũng...
Kỹ sư Minh nhấn mạnh: khung pháp lý về bảo vệ môi trường khá chặt chẽ, chỉ cần thành phố rà soát khâu thực thi sẽ có lối ra cho bài toán ô nhiễm môi trường.
Cô giáo Trần Ngọc Hoa, ngụ đường Bùi Đình Túy, Q.Bình Thạnh đề xuất siết chặt quản lý, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng gian, hàng giả. Xử phạt mạnh tay, công bố danh tính các cơ sở, cá nhân sai phạm rõ ràng.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất ngành giáo dục, các hội, đoàn thể cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em trang bị kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình trong môi trường công cộng. Nam giới cũng phải có ý thức về vai trò của mình; có kiến thức, kỹ năng bảo vệ phụ nữ và trẻ em thực thi quyền của họ ở nơi công cộng.
Ông Bùi Thế Hải - Phó chủ tịch UBND Q.10: Vừa làm, vừa điều chỉnh
Là một trong hai địa bàn được UBND TP.HCM lựa chọn thí điểm mô hình xây dựng thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2017-2021, chúng tôi sẽ hết sức nỗ lực để đạt được những kết quả tốt nhất.
Thật sự, chúng tôi mong muốn có môi trường sống, học tập, làm việc và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện, an toàn cho người dân; không lo sợ các hình thức bạo lực và phân biệt đối xử về giới. Để được như vậy, Q.10 đã làm rất nhiều việc như vừa xây dựng thí điểm mô hình “Cộng đồng xanh, an toàn thân thiện với phụ nữ và trẻ em” tại hẻm 103 Hồ Thị Kỷ, công viên văn hóa Lê Thị Riêng, công viên Vườn Lan P.12, tiểu đảo dưới chân cầu vượt đường 3 Tháng 2, hai nhà vệ sinh công cộng (tại góc đường 3 Tháng 2 - Lý Thái Tổ và 3 Tháng 2 - Lê Hồng Phong). Quận cũng thành lập các câu lạc bộ “Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới” tại các phường.
Triển khai các hoạt động giám sát, chất vấn và thẩm tra “Ngân sách có trách nhiệm giới về thực hiện quyền trẻ em” theo quy định Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận. Triển khai thí điểm các hoạt động “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Xây dựng mô hình bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương trong trường học và cộng đồng… Do hoạt động này mới, nên trong quá trình thực hiện quận sẽ vừa làm, vừa điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế.
Bà Lê Thị Lan Phương - cán bộ chương trình của Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), cơ quan đồng thực hiện dự án “Chương trình thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái tại TP.HCM giai đoạn 2017-2021” - cho rằng, tới thời điểm này, sự tiên phong của TP.HCM là vô cùng đáng quý. Hai quận được lựa chọn thí điểm (Q.1 và Q.10) đã và đang từng bước chuyển động. Hơn nữa, thông qua các ý kiến đóng góp trên Báo Phụ Nữ TP.HCM cho thấy, chương trình được người dân đồng thuận ủng hộ, đó là tín hiệu rất đáng mừng, là bước đi vững chắc trong công cuộc xây dựng mô hình mới mẻ và đậm tính nhân văn này
Báo Phụ Nữ TP.HCM trân trọng cảm ơn sự đóng góp quý báu từ bạn đọc và xin khép lại chuyên đề “Hiến kế vì thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em” từ số báo này.
Toàn bộ những góp ý, hiến kế sẽ được gửi về Hội LHPN TP.HCM để Hội trình bày trong kỳ gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với phụ nữ các giới vào tháng 10/2018.
Trân trọng cảm ơn.
BÁO PHỤ NỮ
|
Hạnh Chi - Đông Phong