PNO - Ngày 31/12, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ công bố và trao Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho TPHCM về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP.Thủ Đức thuộc TPHCM, ghi dấu ấn mô hình đầu tiên “thành phố trong thành phố” trực thuộc Trung ương.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ, cho rằng: “Việc thành lập TP.Thủ Đức chính là công tác xây dựng một đô thị hoàn chỉnh ở phía đông, dựa trên điều kiện địa lý và tính chất vùng đang đô thị hóa. Việc hình thành cấp đô thị này tạo cơ chế tự chủ nhiều hơn cho chính quyền trong lĩnh vực quản lý, phát triển, giảm sự can thiệp hay nhiệm vụ trực tiếp của các sở, ngành hiện nay; đồng thời, phân quyền nhiều hơn cho địa phương phát triển kinh tế, kể cả phát triển các dịch vụ công cộng phục vụ dân sinh”.
Hội đồng nhân dân TP.Thủ Đức có vai trò cực kỳ quan trọng
Phóng viên: Chủ trương “thành phố trong thành phố” đang tạo ra nhiều phấn chấn cũng như không ít suy nghĩ từ dư luận. Ông có thể phân tích một vài điểm thuận lợi, khó khăn đối với thành phố mới?
Tiến sĩ Trần Du Lịch: Xét về quy mô, TP.Thủ Đức sẽ có 1,5 triệu dân với diện tích 211km2, tương đương 21.100ha. Trong khi toàn bộ 13 quận nội thành hiện nay chỉ có 140km2, cho thấy quy mô TP.Thủ Đức lớn gấp rưỡi quá trình đô thị hóa trong vòng 300 năm của Sài Gòn - Gia Định. Từ đó cũng hé mở những mục tiêu, hướng phát triển của thành phố này. Tôi nói lại mục tiêu là xây dựng một thành phố tương đối độc lập với TPHCM hiện nay xét về phương diện đô thị. TP.Thủ Đức có thể tự vươn lên đúng tầm vị trí, vai trò của nó và phù hợp với cơ cấu kinh tế thành phố trong tương lai. Đó là đi vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề kinh tế số, khởi nghiệp sáng tạo và phát huy được vai trò của địa bàn hiện đang tập trung các cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học của đại học quốc gia để chuyển giao với các khu công nghệ cao.
Tiến sĩ Trần Du Lịch
Tuy nhiên, cái khó là trong quá trình phát triển vừa qua, đất dân cư ở đây đã “chia năm xẻ bảy” rất nhiều. Thành ra, vấn đề tổ chức quy hoạch và điều chỉnh cho phù hợp là cả một thách thức. Chưa nói đến hiện nay đất nông nghiệp đã tăng giá cao do đầu cơ. Đó là cái vướng đầu tiên.
Thứ hai, dù có nhiều dự án dân cư mới nhưng hạ tầng kết nối giao thông của thành phố mới còn rất yếu kém, nhất là từ khu hầm Thủ Thiêm (Q.2) đi cù lao Long Phước (Q.9) giáp với Đồng Nai. Đó là một thách thức. Thứ ba, để thu hút nguồn nhân lực và chất lượng dân cư cho đô thị hiện đại này, phải có hệ sinh thái thật tốt để thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp, song song như đã nói, phát huy được vai trò nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo của đại học quốc gia gắn với sản xuất kinh doanh của khu công nghệ cao... Đây là những thách thức nhưng buộc phải làm mới được. Thứ tư, bên cạnh đó, đòi hỏi phải có bộ máy chính quyền mạnh. Ở đây không phải giảm được bao nhiêu biên chế, mà vấn đề là chất lượng đội ngũ phải tương ứng để nâng cao hiệu quả. Đấy cũng là thách thức.
Nhưng dù sao tôi nhìn việc tổ chức thành phố này là sự nối tiếp của Đề án chính quyền đô thị (CQĐT) năm 2007 của TPHCM, cho nên dù khó khăn, thách thức mà đã quyết tâm thì ắt sẽ có chính sách phù hợp để phát triển.
* TP.Thủ Đức trong tương lai và TPHCM hiện tại sẽ “tương tác” thế nào, thưa ông?
- Trong quản lý Nhà nước, TP.Thủ Đức tương lai làm được cái gì thì nên phân quyền cho làm. Bộ máy hành chính của TPHCM chỉ đóng vai trò kiểm tra, giám sát công vụ thôi. Ngoại trừ những gì thuộc thẩm quyền trực tiếp của thành phố, còn lại, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế hay phát triển dịch vụ dân sinh, thể thao, y tế, giáo dục, phúc lợi người dân... thì nên tăng sự phân quyền cho địa phương.
* Ông vừa đề cập phát triển, nhưng dường như địa phương nào hiện cũng đang vướng vấn đề “giao đất” cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Vậy mô hình CQĐT như TP.Thủ Đức có được tự chủ hơn trong vấn đề này?
- Hiện nay, tôi chưa biết thành phố sẽ phân quyền thế nào. Nhưng vấn đề này còn liên quan luật. Ví dụ, những gì theo luật do UBND TPHCM quyết định thì cũng khó phân quyền, nên phải tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung…
Nhưng tôi muốn nói điều này, đối với TP.Thủ Đức, tổ chức và vai trò của HĐND TP.Thủ Đức cực kỳ quan trọng. Cơ quan này phải có nhiều quyền và trách nhiệm. Thậm chí, phải có một số đại biểu chuyên trách để làm giám sát. Đây không phải là HĐND gồm ba quận cũ cộng lại, bởi vì ở TP.Thủ Đức chỉ có một cấp chính quyền là cấp thành phố. Thành ra, vai trò HĐND TP.Thủ Đức rất quan trọng.
Nắm cơ hội chín muồi cho phát triển
* Có lần ông đã giải thích về cơ quan hành chính cấp quận, phường trong đề án CQĐT trước đây chỉ nên thuần túy làm các dịch vụ công. Vậy ông có thể nói thêm về tổ chức chính quyền một cấp ở thành phố mới Thủ Đức?
- Thực sự bây giờ cũng chỉ nên thế thôi. Chúng ta đừng đặt vai trò gì về trách nhiệm kinh tế cho cơ quan hành chính quận, phường cả. Họ chỉ cần làm tốt quản lý trật tự trị an, hành chính công… Bây giờ mà giao quá nhiều chỉ tiêu kinh tế thì không nên. Nếu là kinh tế thì chủ yếu giao nhiệm vụ thu thuế. Cơ quan hành chính quận, phường là cánh tay thu thuế. Dĩ nhiên, nếu có thêm nhiệm vụ chỉnh trang đô thị mà thành phố phân cấp, phân quyền cho như giải quyết nhà ở trên kênh rạch, nhà ổ chuột, xử lý rác thải, vấn đề nhà ở… thì đó cũng là dịch vụ đô thị.
* Theo ông đây là sự tiếp nối của đề án CQĐT và thành phố phía đông, bây giờ gọi là TP.Thủ Đức. Vậy sau TP.Thủ Đức, liệu ba thành phố vệ tinh còn lại trong đề án sẽ tiếp tục được hình thành để phát huy địa thế?
- Trước tiên với Thủ Đức, cần thấy đây là nơi hội đủ các điều kiện mà tôi gọi là nguyên tắc kinh tế để phát triển đô thị hiện đại. Đó là có trung tâm tài chính khu Thủ Thiêm, khu công nghệ cao, đại học quốc gia và có dư địa về mặt bằng… rất phù hợp để phát triển thành một trung tâm khởi nghiệp sáng tạo mà hiện đã có một phần nằm ở Q.9. Với những ý tưởng như vậy, việc triển khai TP.Thủ Đức nhằm đạt mục tiêu đó cần phải có một mô hình tổ chức chính quyền gọn nhẹ, hiệu quả và tăng tính tự chủ cao, tự chịu trách nhiệm cao để phát huy cái năng động, sáng tạo của địa bàn này.
Việc thành lập TP.Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Tương tự, theo tôi, một số khu vực cũng có điều kiện đã khá chín muồi trong đề án CQĐT trước đây để có thể xây dựng đô thị hoàn chỉnh.
* Ông có thể xác định lại tinh thần cốt lõi của đề án CQĐT để sự kế thừa luôn bảo đảm tính khả thi, đúng đắn?
- Đề án CQĐT có nhiều nội dung, nhưng tinh thần cốt lõi vẫn là phân cấp, phân quyền chứ không phải cứ lo bàn có tổ chức hay không HĐND ở cấp phường, quận. Thuộc tính của CQĐT là tự chủ, nhất là vấn đề ngân sách, phát triển hạ tầng công. Thứ hai, mục tiêu của đề án là tổ chức được hệ thống hành chính thống nhất. Cần nói thêm, phân cấp phân quyền phải đi đôi với tăng vai trò cá nhân. Ví dụ, có chủ tịch UBND nhưng làm sao phải tăng vai trò của ông chủ tịch để bớt những việc phải hội họp tập thể. Như vậy, cũng phải tăng cơ chế giám sát thực sự, có hiệu quả của cơ quan dân cử.
* Xin cảm ơn ông.
* Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi TP.Thủ Đức được hình thành và những viễn kiến của ông trong năm 2021 cho TPHCM?
- Việc thành lập TP.Thủ Đức là tín hiệu đáng mừng khi trung ương ủng hộ chủ trương, đề xuất của thành phố, nhưng bên cạnh cũng rất lo triển khai thế nào cho hiệu quả.
Tôi cho rằng năm 2021 có mấy việc về thể chế. Thứ nhất, TPHCM phải có đánh giá sơ kết Nghị quyết 54 của Quốc hội liên quan phân cấp, phân quyền để có thể có một nghị quyết mới tăng tự chủ nhiều hơn về thể chế. Thứ hai, từ đây đến tháng 7/2021, phải tổ chức lại bộ máy hành chính cho phù hợp với CQĐT như nghị quyết Quốc hội đề ra, trong đó có TP.Thủ Đức.
Còn về kinh tế, TPHCM bị ảnh hưởng khá nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khiến thành phố là một trong những địa phương có tăng trưởng quá thấp. Một đầu tàu kinh tế mà trăng trưởng quá thấp thì trong năm 2021 sẽ là thách thức khá lớn để vực lại tốc độ tăng trưởng của mình.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.