Thành phố thân thương trong từng bức tranh sách

13/07/2023 - 07:22

PNO - Bắt đầu từ dự án sách tranh đầu tiên Sài Gòn của em, đến nay, TPHCM đã xuất hiện trong nhiều tựa/bộ sách tranh đa dạng. Sài Gòn xưa và nay, không gian văn hóa - ký ức… đã cùng tạo ra một vùng đất thân thương trong tâm tưởng mỗi người.

Viết/vẽ từ ký ức

Tác giả Nguyễn Chiều Xuân  - Giám đốc Lionbooks, người khởi xướng dự án sách tranh Em yêu Việt Nam mình - đã chọn điểm nhìn từ ký ức tuổi thơ của mình để kể câu chuyện về TPHCM trong tựa sách mới nhất: Bụi ở Sài Gòn (Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành).

Ký ức đô thị và tình cảm của cộng đồng dành cho TPHCM được gửi vào trong những trang sách tranh
Ký ức đô thị và tình cảm của cộng đồng dành cho TPHCM được gửi vào trong những trang sách tranh

Bụi là một chú mèo hoang, được anh Bòn Bon nhận nuôi và từ đó Bụi có cuộc sống êm ấm trong thành phố, được tự do khám phá cảnh đẹp và nhận về tình yêu thương của rất nhiều người. Bụi là nhân vật được chọn để kể thay những kỷ niệm, cảm nhận mà tác giả Nguyễn Chiều Xuân từng có với vùng đất này. Cô kể, thuở nhỏ cô vẫn thường từ Hà Nội vào TPHCM thăm người thân, cũng từng có cảm giác lạc lõng trên đất lạ. Nhưng nhờ tình yêu thương, sự quan tâm của mọi người xung quanh, cô bé năm ấy đã dần cảm nhận được sự ấm áp, chân tình. 

Cùng với việc ra mắt sách, Lionbooks cũng tổ chức một chuỗi chương trình gợi nhớ ký ức tuổi thơ ở thành phố nghĩa tình này. Đơn vị thực hiện mô hình trưng bày nhà chung cư cũ, hàng quán vỉa hè… cho bạn đọc nhỏ tuổi vui chơi, tương tác, trải nghiệm cùng sách.

Còn trong trang sách, những biểu tượng của TPHCM được họa sĩ Cẩm Nhung vẽ bằng màu nước: sông Sài Gòn, nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bitexco…; cùng những hình ảnh thân thuộc: hàng rong, xe trái cây, xe đẩy bán hột gà nướng, trứng cút lộn, bắp xào… Bụi ở Sài Gòn có câu chuyện kiệm lời nhưng nhiều cảm xúc với tranh vẽ giàu mỹ cảm, gợi ký ức thân thuộc trong tâm tưởng của cộng đồng.

Kể từ dự án sách tranh Sài Gòn của em (2 tập, Công ty Green Horizon và Nhà xuất bản Trẻ liên kết thực hiện trong năm 2019 và 2020), đến nay, đã có thêm một số tựa sách tranh viết/vẽ về TPHCM: Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn (Phạm Công Tâm), artbook Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ (lời: Phạm Công Luận, tranh: Lâm Nguyễn Kha Liêm), Món ngon từ nhà ra phố (Phạm Ngọc Khánh), Việt Nam dọc miền du ký (2 tập, Lê Rin)… 

Bên cạnh đó, còn có những bộ tranh vẽ về TPHCM được dùng làm minh họa cho sách: bộ tranh họa sinh hoạt đô thị và cảnh quan Sài Gòn của họa sĩ Jean-marc Potlet, in trong cuốn Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền; bộ tranh vẽ thành phố trong mùa dịch của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Dũng, in trong cuốn Sài Gòn - Nhật ký cách ly của tác giả Trần Thanh Bình…

Ký ức đô thị đã ở lại trong tranh sách với những bức vẽ bằng nhiều chất liệu, phong cách khác nhau. Dù với gam màu tươi tắn thể hiện một đô thị nhộn nhịp, sôi động hoặc gam màu trầm cho hoài niệm thì các tác phẩm sách tranh, artbook về Sài Gòn đều cho người đọc nhiều cảm xúc, được hòa mình khám phá những vẻ đẹp bản sắc của TPHCM và càng thêm yêu thương thành phố này.

Để lại cho ngày sau

Lịch sử - văn hóa của TPHCM được kể với bạn đọc nhỏ tuổi vô cùng chi tiết và thú vị trong bộ sách Sài Gòn của em (đã được trao giải B - giải thưởng Sách quốc gia năm 2020). Ở đó có lịch sử hình thành Sài Gòn cùng với dấu ấn của đô thị xưa và nay từ kiến trúc, di tích, giao thông đến ẩm thực, sinh hoạt, lối sống nghĩa tình…

Ở chiều viết/vẽ từ ký ức, 2 cuốn sách tranh Cảnh sắc phố thị Sài Gòn - Chợ Lớn Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn - Ký ức rực rỡ mang đến cho người đọc rất nhiều hình ảnh/câu chuyện chỉ còn lại trong hoài niệm. Những con đường, công trình kiến trúc, những khu chợ, cửa hàng với bảng hiệu font chữ retro (hoài cổ) ở trung tâm thành phố xưa… được họa lại trong tranh, góp phần lưu giữ ký ức đô thị. Trong tác phẩm của mình, họa sĩ Phạm Công Tâm đã viết phần lời theo cách kể đồng hiện giữa hiện tại - quá khứ, qua đó thấy được thành phố hôm nay đã thay đổi và phát triển như thế nào so với những năm thập niên 1980-1990.

Ký ức cũng là di sản quý giá của những người sáng tác, sáng tạo. Nhiều tựa/bộ sách tranh về các vùng đất có thể được viết/vẽ nhờ vào trải nghiệm cá nhân hoặc tham khảo tư liệu, hình ảnh. Nhưng phần lớn các tác phẩm sách tranh về thành phố đã xuất bản thời gian qua được kể/vẽ từ ký ức của tác giả và họa sĩ. Nhờ thế mà mỗi tác phẩm, dù đều khởi từ không gian quen thuộc, lại có màu sắc rất riêng. Và từ cái riêng đó lại khơi nên cảm xúc chung cho cộng đồng, như những hình ảnh thân thương về hẻm phố, gánh hàng rong, các món ăn vặt vỉa hè, vẻ đẹp đời thường, giản dị của con người vùng đất này.

So với sách viết về thành phố xưa và nay, sách tranh về TPHCM đến thời điểm này vẫn chưa phải quá nhiều. Nhưng sự xuất hiện của các tác phẩm luôn ít nhiều tạo được dấu ấn, nhận được sự yêu mến và khích lệ của bạn đọc. “Sài Gòn” là đề tài quen thuộc nhưng cũng là vùng đất luôn chờ sự “tái khám phá” của những người sáng tác, sáng tạo. Bởi như họa sĩ Phạm Công Tâm từng nói, Sài Gòn - TPHCM đã và đang thay đổi từng ngày.

Thành phố năng động hiện đại - vùng đất dù quen thuộc trong tâm tưởng bao người - vẫn còn rất nhiều góc chờ được tiếp tục khai thác. Đó không chỉ là những câu chuyện kể/những bức vẽ dành cho bạn đọc hôm nay mà còn là những câu chuyện có ý nghĩa gửi lại cho ngày sau. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI