PNO - Ký ức là “di sản” quý giá cho người cầm bút. Những trang viết đầy cảm xúc và chất liệu trong các tác phẩm cho bạn đọc cùng ngược dòng về trăm năm, khám phá Sài Gòn xưa, với rất nhiều chiều kích.
Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận vừa ra mắt tác phẩm Hồi ức Phú Nhuận (Phương Nam Books và Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành). Sau nhiều tập sách chuyên khảo, hồi ký viết về Sài Gòn, Phạm Công Luận đã viết tiếp cho vùng đất nơi gia đình anh sinh sống qua nhiều thế hệ. Bìa sách Hồi ức Phú Nhuận cũng chính là hẻm nhà anh trên đường Trần Huy Liệu, được thể hiện qua tranh vẽ của họa sĩ Phạm Công Tâm (anh trai của tác giả).
Viết về một khu vực với địa danh hành chính là quận Phú Nhuận, Phạm Công Luận một lần nữa mang đến cho bạn đọc những câu chuyện giàu cảm xúc, nhiều chất liệu mới được khai thác từ lịch sử, văn hóa vùng đất này. Gắn bó với Sài Gòn từ thời thơ ấu, được nghe ông bà, cha mẹ kể lại chuyện xa xưa, nhà văn Phạm Công Luận đã có được “di sản ký ức” vô cùng quý giá cho trang viết. Anh viết bộ tác phẩm Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, Với ngày như lá tháng như mây… vẫn chưa hết cảm xúc dành cho thành phố. Mỗi tác phẩm đều mang đến cho người đọc những cảm nhận mới, tư liệu mới về vùng đất và con người.
Sự nghiệp văn chương của nhà văn Phạm Công Luận đến giờ vẫn là những tác phẩm cùng chủ đề. Thế nhưng “di sản ký ức” của anh càng viết càng sâu, càng gợi lên bao giá trị văn hóa, những trầm tích quý giá của một thời. Sài Gòn xưa và nay được tái hiện trong trang viết của Phạm Công Luận bằng lối viết đĩnh đạc, sâu sắc, đồng thời gửi gắm vào đó tình yêu lớn của tác giả dành cho mảnh đất anh đã sống và gắn bó.
Một trong những cây bút vô cùng thành công trong việc viết về một vùng đất đặc thù (khu Ông Tạ) là nhà báo Cù Mai Công. Anh đã có 2 tập Sài Gòn một thuở - “Dân Ông Tạ đó!”. Cả 2 tác phẩm đều được bạn đọc trong và ngoài nước yêu thích, đón nhận. Giữa chặng viết về khu Ông Tạ, nhà báo Cù Mai Công còn viết Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương (First News và Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, in vào cuối năm 2022).
Cả 2 tác giả đều là nhà báo. Khi viết về Sài Gòn xưa, ngoài cảm xúc, ở họ còn là thái độ nghiêm cẩn, chăm chút, tìm kiếm đến cùng nguồn tư liệu quý để cung cấp thông tin sâu và đa chiều cho bạn đọc. Trang viết của họ như những cuộc tái hiện không gian địa lý, cảnh quan văn hóa, đời sống sinh hoạt, gọi tên những người tài danh cùng những biến thiên, thăng trầm của người, của đất.
“Nếu như ai cũng thích và có thể viết…”
Tác phẩm viết về TPHCM trước nay khá nhiều, chủ yếu ở thể loại tản văn, tùy bút: Chuyện nhỏ Sài Gòn bao nhớ (Đàm Hà Phú), Sài Gòn chở cơm đi ăn phở (Ngữ Yên), Không gian gia vị Sài Gòn (Trần Tiến Dũng), Có một Sài Gòn như thế (Nguyễn Hữu Thái), Sài Gòn thềm xưa nắng rụng (Trương Gia Hòa), Sài Gòn những biểu tượng và Sài Gòn chọn nhớ những điều thương (nhiều tác giả)…
Thành phố nghĩa tình đã, đang và sẽ còn mãi là niềm cảm hứng bất tận cho người sáng tác. Tuy nhiên, nếu nói về tác phẩm viết riêng cho một vùng đất, quận huyện, khai phá những giá trị lịch sử, văn hóa đặc thù của một khu vực thì không nhiều. Tình yêu và sự gắn bó của nhiều nhà văn, người viết trẻ trên trang viết phần lớn dừng ở mức độ chia sẻ cảm xúc, ghi nhận những vẻ đẹp văn hóa, về tình đất, tình người nơi đây. Còn để nói rằng khám phá đến cùng một khu vực, quận huyện trên trang viết như các tác phẩm về “khu Ông Tạ” hay “Phú Nhuận” thì chưa thể.
Những tác phẩm được yêu thích của 2 nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận và Cù Mai Công
Những năm qua, nhiều quận, huyện cũng đã chú trọng đầu tư cho văn nghệ sĩ sáng tác về địa phương mình: tổ chức các cuộc thi viết, thực tế sáng tác… Nơi nào cũng đầy chất liệu hay. Một số tác phẩm dạng tuyển tập đã được in: bút ký Quận 5 trong tôi, tuyển tập sáng tác về TP Thủ Đức (tập hợp văn, thơ từ trại sáng tác văn học - nghệ thuật TPHCM năm 2021), tuyển tập văn chương viết về Cần Giờ đang được Hội Nhà văn TPHCM thực hiện… Tuy nhiên, hình thức tuyển tập ít lan tỏa và còn nặng hình thức. Chủ yếu in để báo cáo sản phẩm hơn là được phát hành rộng rãi đến bạn đọc. Đây là điều rất đáng tiếc.
Tìm tòi, viết và in riêng tác phẩm cho một khu vực đặc thù của TPHCM là lựa chọn của người cầm bút và viết làm sao để sách không phải là dư địa chí hay địa văn hóa, đồng thời hấp dẫn bạn đọc cũng là thử thách lớn với nhà văn. “Nếu như ai cũng thích và có thể viết, sẽ có rất nhiều cuốn sách được xuất bản kể về từng vùng miền, dù đó là một tỉnh thành lớn, một thị trấn nhỏ hay chỉ một khu cư xá, một con phố. Điều này nói lên rằng vùng đất nào, dù lớn hay nhỏ cũng có thể là điều quan tâm, là vốn hiểu biết và kho cảm xúc đầy ắp trong hồi ức của bất kỳ ai từng sống ở đó, không nhất thiết phải sinh ra, lớn lên hay sống cả đời với nó” - nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận chia sẻ trong phần Lời tựa sách Hồi ức Phú Nhuận, như một lời nhắn nhủ và truyền cảm hứng cho những người cầm bút.