Ở lại tái thiết Điện Biên
Đưa ánh nhìn dọc con đường Võ Nguyên Giáp thênh thang, chạy xuyên phường Him Lam với nhà cửa 2 bên san sát, cựu binh Nguyễn Hữu Chấp - 93 tuổi, ở tổ dân phố 20, phường Him Lam - nhớ lại: “Chính ở nơi này, 70 năm trước, ngày 12/3/1954, chúng tôi hành quân vào trận địa.
Hôm ấy trời mưa như trút nước, phải nhích từng bước chân trong bùn lầy. Cả khu vực khi đó là cánh đồng Him Lam đã bị bỏ hoang, cỏ mọc ngang người, còn bà con các bản làng đã bị Pháp dồn vào các trại tập trung”.
|
TP Điện Biên Phủ trong ngày tổng duyệt lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nguồn ảnh: VnExpress |
Khi đó, ông Chấp - 23 tuổi, là đội trưởng đội súng cối 82 ly thuộc đại đội 290, tiểu đoàn 166, trung đoàn 209, sư đoàn 312 và đã có 5 năm quân ngũ.
Ông tiếp tục dòng hồi ức: “Sớm 13/3, chúng tôi mới đến nơi bày trận địa và ngụy trang. Tôi cùng nhiều anh em ẩn nấp ở giao thông hào trên cánh đồng Him Lam, chờ cả một ngày dài.
Đúng 17g, quân ta nổ súng mở màn, đạn pháo từ dãy núi Tà Lèng ào ào bay về phía lòng chảo, bắn thẳng vào căn cứ của địch”.
Bấy giờ, cứ điểm Him Lam - phía Pháp đặt tên là Beátrice - được xây dựng thành pháo đài rất kiên cố, hoàn hảo. Beátrice (nay là di tích sở chỉ huy trung tâm đề kháng Him Lam) gồm 3 cứ điểm nhỏ với hệ thống hầm cố thủ, giao thông hào, lô cốt, trận địa pháo kiên cố cùng tầng tầng lớp lớp hàng rào dây thép gai và dày đặc bãi mìn.
Pháp bố trí ở cứ điểm này bán lữ đoàn lính lê dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến, tinh nhuệ nhất của quân đội Pháp lúc bấy giờ.
Nhắc lại trận đánh, giọng ông Chấp bỗng mạnh mẽ hơn, biểu cảm trên gương mặt già nua trở nên linh hoạt:
“Ngay loạt đạn pháo đầu tiên, sở chỉ huy trung tâm đề kháng Him Lam đã bị pháo binh ta bắn sập, hệ thống điện đài bị phá hủy, đường dây liên lạc giữa Him Lam và Mường Thanh bị cắt đứt.
Đến 23g30, ta đã giành thắng lợi ở cả 3 cứ điểm của Him Lam. Trận mở màn chiến dịch thắng lợi, khoảng 500 lính Pháp thiện chiến, tinh nhuệ bậc nhất đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Nhưng cũng có một số đồng đội tôi thương vong”.
|
Du khách chụp hình kỷ niệm trên đồi A1 |
Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ông Chấp cùng nhiều chiến sĩ đã ở lại Điện Biên, chung tay xây dựng, đưa Điện Biên đi lên.
Ông kể: “Những ngày đầu xây dựng lại Điện Biên khó khăn vô cùng. Tôi cùng hàng ngàn thanh niên xung phong các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa mở rộng con đường từ huyện Tuần Giáo đi cửa khẩu Tây Trang.
Ngày đó không có máy móc, mọi việc đều làm bằng cuốc, xẻng. Hơn 5.400 thanh nhiên xung phong đã đào đất, phá đá, làm hàng trăm cây cầu, cống, mở thông tuyến đường hơn 100km”.
Cựu binh Bùi Kim Điều - 94 tuổi - cũng chọn ở lại, xây dựng Điện Biên. Ông nói, mỗi khi nhìn đường nhựa thông thoáng, phố xá san sát, rồi sân bay Điện Biên Phủ mọc lên trên nền sân bay quân sự của Pháp, ông lại nhớ đầu năm 1954, Điện Biên Phủ bị phá hủy hoang tàn, nhà cửa và cây cối đều thưa thớt, đường đất nhỏ hẹp.
Sau ngày giải phóng Điện Biên, quân dân ta phải mất 3 năm để thu dọn chiến trường và phải đến năm 1957, mới bắt tay xây dựng nhà cửa, lao động sản xuất.
Vựa lúa lớn mang lại ấm no
Năm nay 89 tuổi, ông Lò Văn Cu (phường Him Lam) vẫn nhớ rõ những ngày quân Pháp chiếm đóng lòng chảo Mường Thanh: “Quân Pháp nhảy dù xuống, cả bản Him Lam có chừng 30 nóc nhà đều bị chúng phá. Chúng phóng hỏa, thả bom thiêu rụi mọi thứ. Dân bản bị chúng dồn vào trại tập trung”.
Ông Lò Văn Cu cho biết, sau những năm dài khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng hệ thống thủy lợi, bà con các bản ven cánh đồng Him Lam đã dần thoát khỏi cảnh đói khổ.
Nhìn cánh đồng Him Lam hôm nay đã nhường phần lớn diện tích để phát triển đô thị, nhìn những ruộng lúa êm đềm đan xen các cụm dân cư, ông cười: “Mấy chục năm nay là no ấm rồi. Bây giờ phường Him Lam không còn hộ nào nghèo nữa. Cuộc sống được như thế là hơn cả trong mơ”.
Ở phía nam TP Điện Biên Phủ, cánh đồng Mường Thanh ngăn ngắt màu xanh của lúa đang thì con gái, trải dài như đến tận chân trời. Với chiều dài khoảng 20km, chiều rộng khoảng 6km, Mường Thanh là cánh đồng có diện tích lớn nhất của vùng Tây Bắc. Mỗi năm, hơn 4.000ha lúa trên cánh đồng này mang về cho bà con các xã của TP Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên gần 50.000 tấn lúa. 8 năm qua, dự án “Cánh đồng lớn” nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao với quy mô hơn 30ha ở xã Thanh Yên, huyện Điện Biên đã phát huy hiệu quả.
|
Người dân nối nhau vào thăm di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ |
Đến nay, cánh đồng lớn không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu độc hại đã được mở rộng lên 150ha với 230 hộ tham gia và đăng ký thương hiệu. Gạo Tâm Sáng của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đã trở thành sản phẩm OCOP (thuộc chương trình quốc gia “Mỗi xã 1 sản phẩm”) 3 sao của tỉnh.
Điện Biên từng có thời gian dài trông chờ vào trợ cấp lương thực từ Nhà nước nhưng nhiều năm nay, tỉnh đã tự chủ được lương thực, gạo Điện Biên đã trở thành một trong nhưng tên tuổi lớn trên “bản đồ lúa gạo” của Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu.
Nhìn bà con chạy xe máy trên đường bê tông trắng uốn lượn như dải lụa giữa cánh đồng, nhìn những đôi chân trần men theo từng vạt ruộng để cắt cỏ lồng vực, xa xa là bản làng yên bình trong sương sớm, thật khó hình dung nơi đây từng trải qua những trận chiến đẫm máu với hào, hố, dây thép gai… giăng dọc chiều dài hơn 20km.
Ông Lò Văn Biến (bản Noong Nhai 1, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) kể, sau ngày giải phóng, các đơn vị bộ đội rà phá bom mìn, nhân dân các xã tập trung tháo dỡ dây thép gai, san gạt hào, hố để nhanh chóng đi vào sản xuất.
Nhưng bấy giờ, bà con chỉ canh tác được 1 vụ lúa mùa, diện tích cũng hạn chế. Năm 1963, Nhà nước cho xây dựng công trình đại thủy nông Nậm Rốm, đến năm 1969 thì hoàn thành với 2 tuyến kênh dài hơn 30km bao bọc cánh đồng Mường Thanh. Từ đó, bà con mới canh tác được mỗi năm 2 vụ, mở rộng diện tích cánh đồng”.
Ông Biến xúc động: “Mỗi tấc đất trên cánh đồng này đều thấm đẫm máu của các chiến sĩ Điện Biên, mỗi mùa vàng đều ghi dấu của hơn 2.000 thanh niên nhiều tỉnh xung phong làm công trình đại thủy nông năm nào”.
Điện Biên sẽ là tỉnh trọng điểm du lịch của quốc gia Ngày 27/1/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 109/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch... Trong đó, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, dựa trên 3 trụ cột chính là du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái - khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe; phấn đấu đến năm 2030, du lịch đóng góp trên 10% tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh. Đến năm 2050, Điện Biên là tỉnh trọng điểm du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái quốc gia hướng tới đẳng cấp quốc tế, phát triển mạnh dịch vụ thương mại và vùng biên giới ổn định, vững chắc. Trong đó định hướng tập trung khai thác nhu cầu du lịch lịch sử gắn với khai thác, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nâng cấp lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành lễ hội, sự kiện quốc tế... |
Ngọc Minh Tâm