1. Miền nắng ấm phương Nam có lúc ôm vào lòng đến 14 triệu dân, có Bắc, Trung, Nam và cả người nước ngoài. Họ từ muôn phương tụ về đây như chọn mảnh đất lành để gieo những hạt mầm hy vọng. Có người ngỡ chỉ là quá giang một phần đời, chừng khi ngoảnh lại thì đã đi trọn cuộc người với thành phố này. Như ngay trong xóm nhỏ tôi đang ở, một gia đình người gốc Bắc tìm đến từ những năm sau giải phóng, ở riết rồi thành quen, dần dà thị thành níu họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những ngày tết, xóm nhỏ nổi lửa với mùi bánh chưng thơm lừng. Từ khi chúng tôi còn lên 5 lên 3, đêm nằm nghe người lớn kể chuyện xưa, đến lúc đã có cho mình gia đình riêng, vẫn giữ niềm vui chung này của xóm nhỏ.
Có bận, bà già Bắc ngồi kể hồi mới vào Nam, thấy sao người ta í ới nhau chia ăn cái này, rủ rê cái nọ. Hồi con bả chưa quen nắng mưa thất thường đất này, lên cơn sốt sảng, ông chồng không có ở nhà, hàng xóm thay nhau cõng từ xóm nghèo đi qua 5 cái ngã tư, chạy tới Bệnh viện Bình Dân.
Quán cà phê cóc đầu hẻm của vợ chồng già quê gốc miền Trung. Từ dải đất cằn cỗi bao đời hứng bão chịu giông, vợ chồng họ tìm về đây cũng ngót chừng bốn chục năm. Con cái cũng sinh ra và lớn lên trên đất này. Mấy khi vẫn thấy con cái họ về ngang xóm năn nỉ vợ chồng già về khu chung cư cao cấp ở. Nhưng họ vẫn lúi cúi với căn nhà nhỏ đầu xóm. Cái quán cóc mở ra chỉ là nơi để khuây khỏa tuổi già, cũng là nơi tụ bạ nói nhau dăm ba câu chuyện thuở hàn vi cho đến bây giờ. Nói rồi cười, cũng có khi lại khóc. Đó là những khi khúc ruột miền Trung tang thương bão chồng chất. Mấy ông bà già đôn đáo vận động nhau, rồi canh nước rút mà hì hụi thuê xe chất đồ nhắm hướng miền Trung thẳng tiến.
Đất này có trăm ngàn xóm nhỏ như vậy. Mỗi cái xóm là một câu chuyện. Trăm câu chuyện làm nên thị thành. Trăm cái xóm như khúc ruột của thành phố. Vậy nên, ở thành phố này, thương từ trong ruột thương ra là có thiệt.
|
Nơi mỗi con hẻm nhỏ, mỗi xóm nhỏ là những câu chuyện về tình người, sự sẻ chia làm nên “đặc sản” của TPHCM - Ảnh: Minh An |
2. Đám nhỏ loi nhoi chúng tôi sinh ra và lớn trên trong lòng thị thành này. Vui cười, buồn khóc với dọc ngang đường đời phố xá, hay nhắc về đất này khi có dịp ngồi lại với nhau. Thành phố này luôn được gọi là đại đô thị sầm uất nhất nước. Câu chuyện nối dài bao thập kỷ, nhưng giữa những miền thời gian đó, ở thành phố này chỉ có một miền thương.
Miền thương đó xóa nhòa những khoảng cách của địa lý, của ngôn ngữ, văn hóa và tộc người. Tỉ như đám bạn xóm nhỏ ngày đó, giờ lập nghiệp cũng đã yên ổn, hay tụ lại những đêm cuối tuần lang thang phố xá phát cơm, phát cháo từ thiện. Chẳng có gì nhiều, đám chúng tôi hùn vài trăm ngàn đồng vào, tự nấu, tự chia và tự phát. Nhiều đêm đi không hết nỗi nhọc nhằn của những thân phận đời hiên bụi, kiếp ruổi rong. Nhóm hồi ấy có thêm 2 người bạn người Mỹ, thoảng khi có thêm cặp vợ chồng người Hàn, gần đây có 2 anh em người Khơ Me tỉnh Sóc Trăng vào phụ.
Xóm nhỏ nở ra những khu nhà trọ cho người lao động hay sinh viên tìm tới, lại cũng ngần ấy người tìm đến với những chuyến đi đêm mang lòng thảo thơm gieo sự ấm áp. Chúng tôi hay nói vui, hễ có bạn bè thì rủ làm chung. Ai có công bỏ công, ai có của bỏ của. Phía sau sự lấp lánh luôn còn những góc tối mà chỉ có ngọn lửa lòng mới hong ấm những cảnh đời thiếu khó. Tôi vẫn nhớ 2 người bạn Mỹ, lần đầu tiên đi cùng chuyến phát cháo đêm đã cẩn thận ghi chú các góc đường ở thành phố này. Họ tỉ mỉ bởi với họ, sẽ còn thêm nhiều lần sau nữa.
Có lần, người bạn Mỹ hỏi tôi sao cứ chạy ngang qua một quãng đường là thấy bánh mì miễn phí, trà đá miễn phí. Thậm chí, hôm chạy ngang quốc lộ để đi Củ Chi, còn thấy một nhà dân với tủ quần áo miễn phí luôn. Hay có lần chàng trai Mỹ bị quẹt xe ngã lăn ra phố, chân tay trầy xước, rướm máu. Đâu đó từ con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, ông xe ôm, ông vá xe lề đường chạy tới dìu vào một góc ngã ba rồi chạy lại cái tủ thuốc đầu hẻm nhỏ. Một tủ thuốc miễn phí với bông băng thuốc đỏ, nước rửa sát trùng. Chàng trai Mỹ ngơ ngác rồi về kể đám bạn nghe.
Thành phố này lạ quá chừng. Thiệt lòng, tôi chẳng biết nói sao, chỉ giản đơn kể cho bạn nghe, đó là điều bình thường ở đây. Chứ nếu hỏi tại sao thì cả chục triệu thị dân sẽ chẳng ai lý giải nổi. Bởi cái nếp người kỳ thực đã là căn tính hoặc giản đơn gọi là “căn cước thị dân” xứ này. Cứ nhìn vào sự hào sảng và trượng nghĩa thì biết, không đâu bằng đất này.
Tôi kể cho bạn nghe, những chuyến hàng đầu tiên khi miền Trung bị lũ lụt cũng từ thành phố này. Tôi kể cho bạn nghe, những đợt chia sẻ khó khăn vào mỗi mùa tết đến với những đồng bào miền xa để cùng đón mùa xuân tươm tất cũng xuất phát từ thành phố này. Và còn nhiều lắm những điều mà từ thành phố này lan rộng ra cả nước. Người bạn Mỹ gật gù. Chẳng biết có yêu thành phố này hay không, nhưng, mỗi lần Việt Nam chiến thắng trong một trận bóng đá thì người bạn Mỹ lại cầm lá cờ đỏ và chạy xuống phố hô vang “Việt Nam vô địch” hệt như người Việt chính gốc.
Người bạn Mỹ đến thành phố để theo học tiếng Việt như lựa chọn ngoại khóa cho 6 tháng của chương trình học. Nhưng, với bạn trẻ đến từ nửa vòng trái đất, Sài Gòn ngày ấy trong chiến tranh đã là một điều gì đó quá vãng. Ngay khi đặt chân đến thành phố này, bạn trẻ ngỡ ngàng trước những cao ốc, siêu thị và phố đi bộ nườm nợp người. Tất cả khác xa trong tâm tưởng. Ngày chia tay bạn về lại Mỹ, chúng tôi dẫn bạn lang thang khắp thành phố như để lưu dấu những tháng ngày vui. Đêm đó, chúng tôi quây quần ở phố đi bộ và lời hát Thành phố ngàn mến thương, tôi yêu thiết tha bao con đường(*) cứ dìu dặt ngân vang suốt đêm thâu.
3. Má tôi đến với thành phố này trong một lần chạy giặc từ miền Tây, gá luôn phận mình ở thị thành từ ngày hỏa châu còn chớp sáng ven đô. Có bận má nhẩm tính, cũng hơn 60 năm ở với mảnh đất này. Nhưng, với người đã gần 80 tuổi thì quãng sau ngày đất này im tiếng súng, đó mới là bình an.
Tôi cũng đi đến nhiều đất xa, nhiều miền lạ, lần nào cũng năm ba ngày là nhớ quay quắt cái thành phố mình đã sinh ra và lớn lên. Như một đứa trẻ thèm hơi mẹ, tôi luôn vội vã trở về. Chỉ với đất này, tôi mới thấy lòng mình trĩu nặng sự yêu thương.
Hóa ra, khi bôn ba qua nhiều nơi, tôi mới thấm thía câu nói của người bạn Mỹ khi cả ngày lang thang chợ Bến Thành vẫn ra về trắng tay. Bạn bảo, chẳng chọn được thứ gì là đặc sản của thành phố này. Bởi ở thành phố này, thứ đặc sản khiến người ta không thể nào quên đó là tình người. Chính tình người nơi này đã bao dung dang rộng vòng tay với tất cả những ai tìm đến. Để khi họ đi, thứ mang theo bên mình cũng là tình người.
(*) Lời ca khúc Thành phố của tôi của nhạc sĩ Phan Nhân.
Tống Phước Bảo
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. | |
Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html
|