“Nhanh và hay quá mẹ!”. Con trai tôi kín đáo nhận xét. Thằng bé vừa được làm thẻ Căn cước công dân lần đầu trong đời, không giấu được nét hân hoan xen với hãnh diện khi chính thức là một công dân trưởng thành của thành phố.
Khoảnh khắc ấy, tôi cũng vui lây với con. Lòng tự dưng nhớ lại năm xưa, lúc đến trụ sở công an làm cái Chứng minh nhân dân đầu đời. Nỗi ám ảnh xếp hàng chụp hình, điền thông tin, đem theo hộ khẩu bản chính bản sao... thật mất nhiều thời gian và kiên nhẫn. Không khí ở phòng tiếp dân năm đó khá trầm lắng, mọi người đều mang tâm thế "xin cho" nên rất rụt rè, rón rén... đến cái hình chụp mặt mình còn không dám nói anh công an cho xem lại. Tới khi nhận Chứng minh nhân dân, tôi mới thở phào, mừng vì thấy ảnh không tới nỗi xấu.
Nay thì khác hẳn. Một chiếc xe buýt lưu động đậu sẵn ở sân chung cư khu nhà chúng tôi. Bên cạnh xe là cái bàn nhỏ, với anh công an khu vực đang tỉ mỉ hướng dẫn điền thông tin vào bản đăng ký cho những cư dân có hộ khẩu ở tỉnh khác. Còn nếu đã là công dân TPHCM thì chỉ cần nhớ mã số định danh là đủ. Đơn giản chưa nào!
|
Người dân làm căn cước công dân trên xe lưu động vô cùng thuận tiện - Ảnh: An Sinh |
Tất cả đều diễn ra rất nhanh chóng, gọn gàng. Mẹ con tôi lên xe, chỉ cần khai mã số định danh ở bàn tiếp nhận thông tin. Chúng tôi được chuyển sang khu vực chụp ảnh ở cuối xe, khi cô cán bộ bấm xong kiểu hình đầu tiên, tôi đã dượm bước xuống ghế. Nhưng tôi thật sự bất ngờ khi nghe câu nói: “Tấm này chưa đẹp lắm, chị ngồi ngay ngắn em làm lại cho chị tấm khác”. Cô ấy kiên nhẫn chụp cho tôi đến lần thứ năm thì mới ưng ý và cho tôi xem lại. Thật tuyệt vời làm sao, cảm giác trong tôi lúc ấy là người làm nhiệm vụ đang đồng hành, chia sẻ với người dân để khoảng cách giữa người dân và các cơ quan công quyền ngày càng gần gũi thân thiện.
Chúng tôi sống tại một khu chung cư cũ và nhỏ, yên bình của thành phố, với khoảng 300 hộ dân quây quần. Buổi chiều hôm ấy, đang ở nhà, thì nghe loa thông báo rằng ai chưa có căn cước công dân thì xuống sân chung cư để làm. Thực sự ngạc nhiên, kiểu như không tin vào tai mình, vì trước đó có nghe thông tin phải làm căn cước mới, nhưng tôi bận bịu công việc vẫn chưa thu xếp lên phường…
Việc đưa dịch vụ công đến tận cửa chung cư đúng là điều kỳ diệu. Nó mang lại cảm giác hài lòng về những thay đổi tích cực, văn minh và thuận tiện mà chính quyền địa phương đã mang lại. Bởi không quá 30 phút, cả hai mẹ con đã xong việc, thậm chí căn cước sẽ được gửi về tận nhà, chẳng cần mất thời gian đi nhận lấy. Vừa tiết kiệm được công sức, lại như được lan tỏa thêm năng lượng cho ngày cuối tuần từ những bạn cán bộ trẻ trung, thân thiện đã phục vụ chúng tôi.
Sau này qua truyền thông, tôi biết dịch vụ công còn đến tận từng nhà để làm lại căn cước cho người già, người khuyết tật. Không còn những phiền hà, bất tiện, thay vào đó, giữa người dân thành phố và chính quyền ngày càng nhân văn và thân thiện.
Giờ đây, hầu như các giấy tờ hành chính khác, người dân cũng được cấp hay đổi mới một cách dễ dàng. Mới vừa rồi đổi hộ chiếu cho con, tôi lại thêm một lần không khỏi ngạc nhiên khi chỉ cần vài thao tác trên web là hộ chiếu đã được gửi về tận nhà.
Mới tuần trước, Ngọc - bạn tôi đã rất hào hứng kể với tôi về việc xin cấp giấy phép xây dựng cho căn nhà đầu tiên của đời mình. Ngày trước, để có được tấm giấy này là cả một quá trình phức tạp âu lo cho người đi xin. Nhưng nay theo lời Ngọc, thì thật nhẹ nhàng và dễ chịu. Cảm giác e dè, khi bước vào cơ quan công quyền đã không còn, khi bạn được hướng dẫn tận tình cách làm bản vẽ, tờ khai, được hướng dẫn kỹ lưỡng các giấy tờ cần thiết để hồ sơ đúng theo quy định mới. Thậm chí, Ngọc còn được tư vấn nên bày biện gì ở sân sau căn nhà phố của mình cho hợp với nhu cầu hóng gió lãng mạn của cô ấy!
|
Chương trình "Dân hỏi - thành phố trả lời" từng thu hút đông đảo người dân thành phố theo dõi - Ảnh: Sơn Vinh |
Những ai đi xin trợ cấp thất nghiệp, khi ra về cũng mang một cảm giác được phục vụ, không còn cơ chế “xin cho”. Theo lời của em họ tôi vừa nhận được chuyển khoản của bảo hiểm xã hội, mặc dù ở trung tâm giới thiệu việc làm có rất đông người lao động đang chờ nộp đơn, nhưng quy trình và thái độ làm việc của các anh chị ở đó tạo cho người dân cảm thấy được tôn trọng, thực sự làm chủ. Ngay cả cái tiêu đề của cái đơn không còn là “đơn xin” nữa mà là “đơn đề nghị”. Một chút nhỏ nhặt thôi, nhưng người điền đơn sẽ không còn e ngại mặc cảm khi nghĩ mình “đi xin”.
Mới tối qua, tôi nhận được cuộc điện thoại từ anh công an khu vực: “Tôi gọi vì thấy chị chưa cập nhật thông tin vào app VneID, hôm nào chị có thời gian lên phường tôi sẽ hướng dẫn chị nhập thông tin vào app nhé”. Trước đây, mỗi lần nhận được liên lạc từ cán bộ địa phương là vô cùng lo lắng, nhưng nay đã khác...
Là công dân của một thành phố đầu tàu, tôi tự hào và biết ơn khi thấy TPHCM tiên phong trong cải cách hành chính. Càng đánh giá cao sự nhiệt thành và cam kết một cửa của chính quyền. Sự tiện lợi và thoải mái này không chỉ là lợi ích cụ thể cho từng cá nhân mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự chăm sóc và quan tâm của chính quyền đối với cuộc sống hàng ngày của người dân.
“Mai phải nghỉ phép lên phường làm giấy tờ, mình lại lóng ngóng không rành nên lo quá. Chắc hết cả ngày cũng chưa xong…”. Tôi bật cười khi chị đồng nghiệp than thở như vậy. Rồi thì tôi mở máy tính, chỉ chị xem các hướng dẫn chi tiết trên mạng. Khai báo online xong, liền nhận được phiếu hẹn kết quả với phường chỉ trong “vài nốt nhạc”. Thật dễ hình dung ra sự trầm trồ khó tin từ một người “đã lâu không đến cửa công” trước sự thay da đổi thịt trong thủ tục hành chính của thành phố này, phải không nào!
Trần Lai
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài dự thi: 31/12/2024 Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây |