Thành phố lớn lên từ lau sậy

16/12/2024 - 06:50

PNO - Thủ Đức là thành phố nằm ở phía đông TPHCM, là “thành phố trong thành phố” đầu tiên và duy nhất cho đến nay của cả nước. Tôi có 2 lần dời chỗ ở, lần lượt đến quận 2 rồi quận 9, nhưng nhìn lại vẫn thuộc thành phố phía đông.

TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố, thành phố phía đông của TPHCM - đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, đầy sức sống
TP Thủ Đức - thành phố trong thành phố, thành phố phía đông của TPHCM - đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, đầy sức sống - Ảnh: Minh An

1. Ngày gia đình tôi chuyển nhà từ ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân) sang đường Lương Định Của (quận 2 cũ) ở trọ đã cách nay 13 năm. Ngày đó, khi chạy xe lòng vòng coi ngó nơi ở mới, tôi chỉ thấy cỏ lau cao ngập đầu.

Từ nơi đang đông nghẹt xe cộ ở phía tây thành phố, gần nhà xưởng của ba mẹ mà tôi đã “đùng một cái” đưa cả nhà qua phía đông để sinh sống. Tôi có cảm giác rất mông lung khi đi trong đám cỏ lau ấy, nhưng khi nghe lồng ngực mát lạnh khí trời, tôi tin mình đúng khi chọn một cách sống mới, một nơi rất mới sau 32 năm sống ở TPHCM này. Phía đông TPHCM có Xa lộ Hà Nội thẳng tắp, không kẹt xe - thứ mà tôi ao ước khi còn sống ở những nơi cũ. Giờ xa lộ còn được mở rộng đến 16 làn xe, tha hồ để tôi đi - về với tốc độ hơn 40km/h.

Gần đây, một lần nữa, tôi lại dời chỗ ở tận phường Long Bình (quận 9 cũ) - rìa ngoài cùng của phía đông thành phố. Ấy vậy mà tôi rất vui vì được lùi ra, nhìn ngắm thành phố thân yêu từ sải tay dài rộng nhất, tự hào về tầm vóc của thành phố nơi mình hằng ngày ra vào để mưu sinh. Với hạ tầng được quy hoạch hiện đại, khoa học, những cư dân như tôi được hưởng một không gian xanh dày đặc, đường sá thông thoáng, phương tiện giao thông công cộng đa dạng, và những ngày này, đã có thêm tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Suối Tiên, kéo gần thành phố mới với trung tâm thành phố lớn.

2. Được định hướng là đô thị sáng tạo, tương tác cao, TP Thủ Đức có nhiều cụm công trình hiện đại như khu công nghệ cao, làng đại học, cảng Cát Lái, nhiều khu đô thị cao cấp như Thủ Thiêm, An Phú - An Khánh, VinPark, cao tốc Long Thành - Dầu Giây, bến xe Miền Đông mới, công trình tâm linh thì có chùa Bửu Long, đền thờ Vua Hùng… Tất cả đem đến nhiều hứa hẹn cho vùng đất này.

Sự giao thoa đa văn hóa, ẩm thực của những cộng đồng người nước ngoài ở đây chính là nhịp đập quốc tế đậm nét. Hình thái mới - cũ đan xen nhuần nhuyễn khiến đời sống từ đó cũng phải vận hành khác đi, chất lượng cao hơn, sôi nổi hơn, văn minh hơn, cập nhật hơn. Nếu bạn lâu ngày không chạy qua khỏi cầu Sài Gòn thì chắc hẳn sẽ ngỡ ngàng khi sang phía đông thành phố bởi sự hiện đại, “không dùng app chỉ dẫn thì lạc đường… ráng chịu”. Sự rộng lớn và đầy ắp mới mẻ làm TP Thủ Đức trở nên quyến rũ vô cùng. Khám phá “thành phố trong thành phố” là kế hoạch cuối tuần quá thú vị cho người Sài Gòn.

Hãy ghé Thảo Điền để “sống kiểu Tây” nha. Ở đây, dịch vụ phong phú, độc đáo, đắt đỏ nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Những hẻm phố thuần Việt len nhẹ khéo léo chất Tây rất mời gọi, gần gũi. Ở đây, người ta nói tiếng… Tây nhiều hơn tiếng Việt, giao lưu cởi mở vô cùng. Xu hướng mới nào cũng xuất hiện ở đây trước rồi mới lan ra các nơi khác. Thích nhất ở khu này là những mặt sông ngày trước toàn dừa nước, tối đen lau sậy thì giờ đây chúng tình tứ khi đêm xuống, hàng quán lên đèn, tiếng nhạc jazz loang loáng theo từng nhóm bạn hợp chủng quốc vui cười rôm rả ven sông. Mấy chục năm trước, ai mà tin nổi ngày này?

Xa ra chút về hướng quận 9 cũ là những khu du lịch sinh thái để cắm trại cuối tuần, có trường dạy cưỡi ngựa, có khu liên hợp thể thao cảm giác mạnh, thể thao công nghệ mới, hay thong thả theo chuyến buýt sông từ bến Thủ Thiêm về tới phường Linh Đông, cũng sang chảnh lắm.

Nhìn những bãi depot (nơi tập kết container, hàng hóa) xếp dài 2 bên xa lộ, xe vào ra bốc dỡ hàng hóa mà thấy ngợp. Tiền ở đó, xương sống kinh tế ở đó chứ đâu. Sông ngòi bao quanh, vận tải đường sông cũng là sự ưu ái của tạo hóa dành cho phía đông thành phố. Mai này, trung tâm tài chính mới hình thành thì có khác gì “phố đông Thượng Hải” mà thế giới đang tụ về. Tôi mong mình sẽ tận mắt chứng kiến những chuyển động lịch sử đó của thành phố phía đông.

Người dân mong chờ tuyến metro đầu tiên của TPHCM nối khu trung tâm TPHCM với TP Thủ Đức
Người dân mong chờ tuyến metro đầu tiên của TPHCM nối khu trung tâm TPHCM với TP Thủ Đức - Ảnh: Minh An

3. Trên chuyến xe buýt số 150 từ nhà vào trung tâm, ngày nào tôi cũng sống cùng nhịp hối hả mà đượm tình người của đủ mọi tầng lớp cư dân. Họ là người giãn dân như tôi, là sinh viên, trí thức, người lao động tự do đủ cả. Giá vé xe buýt 7.000 đồng cho 20km, còn gì rẻ bằng, tiện bằng.

Tôi cho rằng, những chính sách trợ giá cho vận tải hành khách công cộng của chính quyền TPHCM là những ân tình trao đi của nơi được mệnh danh nghĩa tình này. Để trở nên hiện đại, phía đông đi đầu trong việc thúc đẩy giao thông công cộng. Những ngày cuối năm này, các hội nhóm trên mạng xã hội đã thi nhau chia sẻ lịch trình tuyến xe buýt nối khu dân cư ra các trạm metro, tôi theo dõi mà nghe tim mình rộn ràng. Không còn xa nữa, tôi sẽ được ngồi trên chuyến tàu điện chạy trên cao hoặc chạy ngầm xuyên tâm TP Thủ Đức vào quận 3 đi làm và đến tối, sau buổi hòa nhạc ở Nhà hát TPHCM, tôi vẫn có thể lắc lư theo điệu nhạc, chợp mắt một chút là đã đến nhà. Ôi mong sao!

Cũng những ngày này, khi hàng trăm trục cẩu vươn cao và những trụ cầu đầu tiên mọc lên ở vòng xoay Tân Vạn, tôi lại háo hức chờ đón nút xoay đường Vành Đai 3 hoàn thành. Khi đó, thành phố lại có thêm một công trình giao thông hoành tráng bậc nhất cả nước, cộng hưởng kinh tế với khu vực Đông Nam Bộ để mở ra nhiều cơ hội cho tương lai. Câu chuyện về hạ tầng một lần nữa cho thấy thế mạnh của phía đông - một cửa ngõ, một vùng đất nảy nở những hy vọng.

Tiềm năng phát triển nơi đây còn nhiều, người dân yên tâm lao động, sinh sống và cống hiến. “Đất lành” là cảm nhận của tôi sau 13 năm “chuyển tổ”. Ngang qua vài khu đô thị, nhìn những sân pickleball sáng đèn vang tiếng người cổ vũ, mới thấy thương cái không gian quốc tế giao thoa không giới hạn của đời sống mới, vận hội mới.

Từ lau sậy, sau bao xoay vần, vùng đất phía đông đã vững chãi trở thành cực phát triển mới của Sài Gòn - TPHCM dẫu vẫn còn không ít ngổn ngang.

Tôi mong “thời gian trăng mật” với thành phố phía đông TPHCM kéo dài mãi, dài mãi…

Vân ES

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.

Cơ cấu giải thưởng:

- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.

- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.

- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.

- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.

- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.

- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.

- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.

- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.

Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.

Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI