Thành phố Indonesia hồi sinh sau thảm họa động đất và sóng thần

08/10/2018 - 06:06

PNO - Các doanh nghiệp đã bắt đầu mở cửa trở lại trong khi người dân địa phương cũng đương đầu với khó khăn để tiếp tục xây dựng cuộc sống.

Lang thang trên bãi biển đông đúc Talise, Ira Mustika mong muốn kiếm tiền từ lô kính mát, đồng hồ và phụ kiện cho khách du lịch đến lễ hội Pesona Palu Nomoni.

Trải dài dọc theo một vịnh hẹp và nép mình dưới những rặng núi ở trung tâm Sulawesi, thành phố Palu đã sẵn sàng cho lễ kỷ niệm hàng năm vào tối ngày 28/9. Bất ngờ, mặt đất rung chuyển và mọi thứ sụp đổ theo nghĩa đen.

Video clip: Thành phố Palu, Indonesia hoang tàn sau trận động đất 7,5 độ richter, gây ra sóng thần.

Cô gái 26 tuổi nhớ lại khoảnh khắc kinh hoàng khi trận động đất 7,5 độ richter tấn công hòn đảo Sulawesi và gây ra sóng thần:

“Tôi đang bám vào một cái cây khi trông thấy cảnh tượng đáng sợ nghẹt thở: Biển động dữ dội, nước biển dâng cao và trút vào đất liền.”

Sợ hãi, Ira dùng hết sức bình sinh mà chạy ngay trước khi ba đợt sóng lớn cao khoảng 3m ập vào thành phố, phá hủy hàng chục ngàn ngôi nhà, thành đường Hồi giáo, cửa hàng, khách sạn và giết chết hơn 1.700 người.

Ira hóm hỉnh nói: "Trong thời khắc sống còn, tôi chạy thậm chí có thể nhanh hơn Lalu Muhammad Zohri (vận động viên chạy nước rút nổi tiếng của Indonesia).”

Thanh pho Indonesia hoi sinh sau tham hoa dong dat va song than
Sóng thần ngày 28/9/2018 phá hủy nhiều tòa nhà gần bờ biển.

Đã hơn một tuần kể từ khi động đất và sóng thần tấn công Palu và Donggala. Theo Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia Indonesia, hai thảm họa thiên nhiên đã làm 2.632 người bị thương nặng, cướp đi sinh mạng của 1.763 người và mái ấm của 62.359 người khác.

Đối với nhiều người sống sót, cuộc sống cứ tiếp diễn mặc nỗi sợ dư chấn và tàn phá. Ira cùng một số cửa hàng khác đã hoạt động kinh doanh trở lại vào Chủ nhật (7/10) do nhu cầu tài chính.

Chủ cửa hàng tạp hóa Naharudin, 60 tuổi, nói: "Tôi mở lại cửa hàng vì cần kiếm sống. Không làm việc thì sao có đồ ăn”.

Gần đó, Ira - ngồi sau gian hàng nhỏ xíu - bán bánh quy tích trữ được trước đợt thiên tai. Bà mẹ một con cho biết:

“Viện trợ đến rất chậm. Sáng nay tôi nhận được khoảng 6,5 USD (khoảng 151 ngàn đồng), đủ để cảm thấy biết ơn. Điều quan trọng nhất là tôi lựa chọn giúp đỡ người khác với việc bán bánh quy theo giá thường”.

Thanh pho Indonesia hoi sinh sau tham hoa dong dat va song than
Bãi biển Talise xinh đẹp giờ đổ nát không thể nhận ra.

Sau thảm họa thiên nhiên, lương thực, nước và nhiên liệu trở nên khan hiếm ở các khu vực bị ảnh hưởng, khiến giá cả tăng đột biến. Tại Palu, một lít xăng tại trạm xăng có giá khoảng 0,5 USD (gần 12.000 đồng) nhưng do hàng dài xe cộ chờ phục vụ, nhiều người buộc phải mua nhiên liệu trong “chợ đen” với chi phí gấp bốn lần.

Cư dân trong các trại tị nạn phải ăn mì ăn liền và thức ăn khô trong suốt nhiều ngày. Một số may mắn hơn, đủ khả năng chi trả cho thực phẩm tươi, thì đi chợ mua những thứ còn sót lại như gà sống, trứng, cá, rau và bánh quy.

Ira chia sẻ: “Người ta mua bánh quy cho con cái để xoa dịu nỗi đau thể xác và cổ vũ tinh thần chúng.

Tất cả mọi người đều chịu tổn thương, mất mát. Tình hình vẫn chưa trở lại bình thường, còn nhiều dư chấn khiến tôi thực sự sợ hãi. Dẫu sao thì chúng ta cũng phải chiến đấu để tồn tại”.

Thanh pho Indonesia hoi sinh sau tham hoa dong dat va song than
Cây cầu Ponulele, một trong những địa danh nổi tiếng của Palau, đổ sụp sau khi sóng thần tấn công thành phố.

Trong cuộc họp báo vào Chủ nhật (7/10), Cơ quan Quản lý Thiên tai Quốc gia đã công bố con số thiệt hại trong đợt thảm họa thiên nhiên này: hơn 67.611 ngôi nhà và 2.736 trường học bị phá hủy ở miền trung và miền tây Sulawesi.

Theo phát ngôn viên Sutopo Purwo Nugroho, khoảng 5.000 người vẫn còn mất tích ở các làng Petobo và Balaroa, khu vực hịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng đất hóa lỏng - biến đổi đất thành khối chất lỏng khi diễn ra động đất.

Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của cơ quan là tiếp tục tìm kiếm và cứu hộ cho đến thứ Năm (11/10). Khi đó, nạn nhân không được tìm thấy sẽ được coi là mất tích.

Bên cạnh đó, hỗ trợ y tế vẫn không thể tiếp cận một số khu vực bị ảnh hưởng, phân phối viện trợ còn hạn chế do thiếu nhiên liệu.

Thanh pho Indonesia hoi sinh sau tham hoa dong dat va song than
Thánh đường Hồi giáo nổi tiếng Argam Bab Al Rahman không còn nổi trên mặt nước mà đã bị ngập trong nước biển.

Thảm họa thiên nhiên vừa qua đã biến thành phố tươi đẹp Palu trở nên đổ nát và nguy hiểm. Nhà thờ Hồi giáo nổi tiếng của Argam Bab Al Rahman, từng nổi trên mặt biển, giờ sụp đổ và ngập trong nước biển. Bãi biển nổi tiếng Talise ngập bụi và các mảnh vụn - tàn tích của quá khứ huy hoàng với vô số cửa hàng và khách sạn.

Ông Milwan Tajang - 52 tuổi, chủ quán café đã mở cửa trở lại vào ngày 6/10 - nói: “Sóng thần dường như đưa Palu trở lại 30 năm trước.

Chúng ta có lẽ phải mất một thời gian dài để phát triển Bãi biển Talise - niềm tự hào của người Palu cũng như các công trình lớn quan trọng, thu hút”.

Ngọc Anh (theo Channel News Asia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI