PNO - Nhìn cảnh những đứa trẻ nô đùa trong khu vui chơi gần bờ kênh Tham Lương - Bến Cát, ít ai biết nơi đây từng là điểm ô nhiễm nặng của P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TPHCM. Những năm qua, mô hình biến bãi rác thành công viên đã góp phần cải thiện mảng xanh, tạo sân chơi cho hàng ngàn người dân thành phố. Theo kế hoạch, 5 năm tới, TPHCM sẽ có thêm 150ha đất công viên, trồng mới 30.000 cây xanh, tăng thêm 10ha mảng xanh.
Sau giờ tan ca, chị Phạm Thị Thanh Lý (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) lại dắt hai con đến công viên ở khu phố 15 vui chơi. Mấy tháng qua, khu công viên này đã trở thành điểm vui chơi của trẻ em trong khu phố.
TPHCM đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để tăng diện tích cây xanh - Ảnh: ĐỖ MINH
Theo người dân địa phương, điểm xây dựng khu vui chơi nằm sau lưng bãi rác Gò Cát, trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát vốn rất ô nhiễm, rác chất thành đống, cây cỏ mọc um tùm. Đầu năm 2020, trên khu đất trống rộng 162m2 bị biến thành bãi rác tự phát này, người dân cùng các đoàn thể ở địa phương đã trồng cây cảnh, hoa, dùng các vật liệu tái chế tạo thành sân chơi cho thiếu nhi. Con đường 400m dọc bờ kênh vốn nhếch nhác, đầy rác và cỏ dại cũng được rải đá dăm, trồng cây xanh để tạo bóng mát. Ông Bùi Tấn Tha - Trưởng khu phố 15 - cho biết: “Từ ngày làm khu vui chơi, trồng cây xanh ven đường, nạn xả rác cũng không còn. Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức trồng thêm cây xanh, hoa để tạo mảng xanh và ngăn chặn nạn xả rác bừa bãi”.
Ở P.15, Q.Gò Vấp cũng có một công viên được xây dựng trên bãi rác. Khu đất rộng gần 1.000m2 ở khu phố 7 được quy hoạch là mảng xanh nhưng quy hoạch bị “treo” nên khu đất bị bỏ hoang, trở thành nơi tập kết rác thải và phế liệu. Chị Hồ Thị Bình Minh - người dân địa phương - vẫn còn ám ảnh khi nhớ lại cảnh con nghiện khắp nơi về đây tụ tập hút chích và rải kim tiêm đầy khu đất trống. Chị tâm sự: “Bây giờ thì khác rồi. Ở đây có bãi cỏ, sân cầu lông, khu vui chơi cho trẻ em như một công viên. Chiều đến, tôi cùng mấy chị em ở quanh đây thường dắt trẻ nhỏ ra đây chơi và tập thể dục. Mọi người thường xuyên nhắc nhau bảo vệ
môi trường”.
Mấy năm trước, người ta vẫn quen gọi xóm ven đường ray xe lửa ở P.5, Q.Gò Vấp là “xóm bãi rác”. Khi đó, người ta đem rác thải, xác động vật đến đây đổ bậy cả ngày lẫn đêm, rác chất thành đống, mùi hôi nồng nặc bay vào nhà dân. Nhưng nay, mọi sự đã thay đổi. Chỉ tay vào hàng cây xanh mướt vừa được trồng ven đường, chị Nguyễn Thị Xuyên chia sẻ: “Bây giờ, chúng tôi đã bớt khổ vì rác rồi. Từ khi chỗ này được cải tạo sạch sẽ, có cây xanh thế chỗ bãi rác, người ta không dám vứt rác vào nữa”.
Bãi rác ô nhiễm ở P.Bình Hưng Hòa sau khi được cải tạo thành khu vui chơi, trồng cây xanh
Được biết, việc trồng cây xanh trên bãi rác ở P.5, Q.Gò Vấp bắt đầu từ tháng 6/2019. Khi đó, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân thu dọn những đống rác gây ô nhiễm ở các khu đất trống ven đường ray xe lửa rồi trồng cây cảnh, hoa. Chỉ trong một tháng đầu thực hiện, hàng trăm mét vuông đất đã được phủ xanh. Từ đó, diện tích cây xanh tăng lên từng ngày, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng lên rõ rệt.
Những ngày cuối năm, các công nhân tan ca đi về trên con đường Bờ Sông, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân bất ngờ thấy hàng cây hoa chuông vàng khoe sắc. Ít ai biết rằng, người tạo nên “con đường hoa” này là các cán bộ trong Hội Cựu chiến binh Q.Bình Tân. Ông Nguyễn Văn Thiều - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh P.Tân Tạo A, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bảo vệ môi trường của hội - cho biết trước đây, dọc đường Bờ Sông, cỏ dại mọc um tùm, rác thải chất đống gây bức xúc cho người dân địa phương. Để cải tạo con đường này, các cựu chiến binh đã phát quang, dọn rác, sau đó trồng cây và hoa.
Chị Phạm Thị Thanh Lý đưa các con đến khu vui chơi trên tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát, nơi từng là bãi rác ô nhiễm, bốc mùi hôi thối
“Chúng tôi xây dựng các ô trên lề đường để trồng cây hoa chuông và hoa mười giờ. Khi thực hiện, chúng tôi chừa 1m lề đường cho người đi bộ. Tổng kinh phí thực hiện chưa đến 50 triệu đồng nhưng công trình có ý nghĩa rất lớn với người dân địa phương. Hiện tại, UBND phường đã chỉ đạo nhân rộng mô hình này ra các tuyến đường khác trong phường” - ông Thiều phấn khởi.
Ông Lê Minh Hiếu - Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường Q.Bình Tân - cho biết trong năm qua, tại quận có nhiều mô hình, sáng kiến góp phần cải thiện môi trường, tạo cảnh quan. Trong đó, có các sáng kiến nổi bật như: xây dựng mảng xanh tuyến đường Bờ Sông (P.Tân Tạo A), chuyển đổi điểm thường xuyên tồn đọng rác thải thành công trình vui chơi, trồng cây xanh (P.Bình Trị Đông, P.Bình Hưng Hòa), tranh tường pháp luật và tuyên truyền bảo vệ môi trường (P.An Lạc A). Sắp tới, phòng sẽ đề xuất UBND quận nghiên cứu, phát triển thêm những mô hình tương tự để góp phần cải thiện môi trường, tăng thêm diện tích mảng xanh trên địa bàn.
Mạnh tay với nạn chiếm công viên
Theo các chuyên gia, những năm qua, TP.HCM đã có nhiều giải pháp để tăng diện tích mảng xanh nhưng cây xanh vẫn đang bị thiếu trầm trọng, chỉ đạt 0,49m2 cây xanh/người, trong khi theo quy hoạch là trên 7m2/người.
Bên cạnh những con đường rợp bóng cây như Ngô Gia Tự (Q.10), Sương Nguyệt Anh (Q.1), Hùng Vương (Q.5), Trần Quốc Thảo (Q.3)… vẫn còn nhiều trục đường đang thiếu bóng cây xanh khiến người lưu thông cảm thấy rất ngột ngạt, như đường Lý Chính Thắng (Q.3), Cách Mạng Tháng Tám (từ Q.Tân Bình đến Q.3), Lê Trọng Tấn (Q.Tân Phú), Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bạch Đằng, Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh)...
Một giảng viên ở trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ: “Ô nhiễm không khí ở đô thị đang ngày càng nghiêm trọng hơn nên việc phát triển mảng xanh là giải pháp rất căn cơ. Hiện TP.HCM có nhiều khu vực đã lập quy hoạch cây xanh nhưng nhiều năm qua vẫn chưa thấy rục rịch. Về lâu dài, TP.HCM cần lập chỉ tiêu về cây xanh để nâng chất lượng sống, cải thiện môi trường”.
Dự kiến, trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ có thêm 150ha đất công viên, trồng mới 30.000 cây xanh, tăng thêm 10ha mảng xanh
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM, đơn vị này đang chăm sóc khoảng 100.000 cây xanh ở TP.HCM, trong đó có khoảng 96.000 cây xanh thuộc 140 loài trên các vỉa hè, tuyến đường, dải phân cách. Những năm gần đây, đơn vị chức năng ghi nhận nhiều vụ xâm hại cây xanh do thi công vỉa hè, thi công lưới điện, cống thoát nước và do cố ý hủy hoại.
Được biết, để cải thiện môi trường, nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh, Sở Xây dựng vừa trình UBND TP.HCM dự thảo về kế hoạch phát triển công viên, cây xanh công cộng trong 5 năm tới. Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tăng thêm 150ha đất công viên, nâng diện tích công viên công cộng trên đầu người ở TP.HCM lên 0,65m2/người (quy mô ước tính 10 triệu người) và tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng. TP.HCM sẽ trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh, giới thiệu và trồng thêm 20 loài cây xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của thành phố.
Chỉnh trang hệ thống cây xanh ở TP.HCM
Tại TP.HCM, nhiều tuyến đường được trồng các loài cây không phù hợp danh mục cây trồng đô thị, không phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện khu vực nên chậm phát triển. Để giải quyết thực trạng này, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo xây dựng kế hoạch chỉnh trang hệ thống cây xanh, thay thế cây không phù hợp trên các tuyến đường. Quá trình chỉnh trang phải kết hợp với đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị, dữ liệu về mô hình kỹ thuật hiện hữu, các dự án hạ tầng giao thông… để đề xuất nhóm, loài cây trồng phù hợp.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, để phát triển công viên, mảng xanh giai đoạn 2020-2025, cơ quan chức năng sẽ rà soát, lập danh mục toàn bộ các quỹ đất công được quy hoạch là đất công viên cây xanh nhưng đang cho thuê, sử dụng với mục đích khác; các cơ quan có thẩm quyền sẽ tham mưu UBND TP.HCM thu hồi các khu đất trên để đầu tư, xây dựng công viên.
Sở Xây dựng cũng đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo Thanh tra TP.HCM, UBND các quận, huyện, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) rà soát toàn bộ các trụ sở, cơ quan, nhà dân chiếm dụng mặt bằng các công viên và lập đề án di dời để trả lại mặt bằng cho các công viên.
TP.HCM sẽ có dữ liệu về hệ thống cây xanh
Khi xây dựng kế hoạch phát triển công viên, cây xanh ở TP.HCM giai đoạn 2020-2025, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM giao Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật và UBND các quận, huyện xây dựng dữ liệu về cây xanh của thành phố, gồm dữ liệu về không gian và thuộc tính, đánh giá chất lượng cây xanh hiện trạng làm cơ sở cho kế hoạch chỉnh trang, thay thế cây xanh, đồng thời sẽ quy hoạch hoặc định hướng nhóm, chủng loại cây trên các tuyến đường.
Trước đó, trong số báo ra ngày 13/9, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã đăng bài Sâu phá trụi cây xanh, lộ ra sự thiếu bài bản, nêu ý kiến của các chuyên gia về sự cần thiết lập quy hoạch cây trồng đô thị để phát triển cây xanh một cách bền vững.
Phát hiện tín hiệu giao thông “bất thường” đỏ, CSGT kiểm tra điều chỉnh đèn tín hiệu trở lại hoạt động tự động, và truy xét tìm được thanh niên điều chỉnh.