PNO - Phim trường ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu là vấn đề được đề cập rất nhiều ở các cuộc hội thảo, tọa đàm về điện ảnh. Khi TPHCM đang hướng tới danh hiệu “Thành phố điện ảnh”, câu chuyện phim trường càng được nhắc đến nhiều hơn.
Năm nay, có 2 phim lịch sử lớn được công chúng chờ đợi là Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), ra mắt ngày 4/4, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Mưa đỏ (đạo diễn Đặng Thái Huyền), dự kiến ra rạp vào tháng Chín, nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Qua những thông tin, hình ảnh được ê kíp tung ra, khán giả choáng ngợp bởi sự công phu, hoành tráng và phức tạp của bối cảnh 2 phim. Đoàn phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối quay ở trường quay mô phỏng thật tại TPHCM và địa đạo Củ Chi với bối cảnh ngoài trời. Phim Mưa đỏ dựng hẳn phim trường 50ha, tái hiện thành cổ Quảng Trị bên sông Thạch Hãn, phục vụ cho cảnh chiến đấu 81 ngày đêm lịch sử.
Phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối quay ở địa đạo Củ Chi và cả trong phim trường
Đây là 2 dự án phim lớn, được làm nhân kỷ niệm 2 mốc sự kiện trọng đại của đất nước nên bối cảnh được đầu tư quy mô. Còn lại, với đề tài lịch sử, cách mạng, đoàn phim nào cũng đau đầu với câu chuyện bối cảnh vì dựng và dỡ đều tốn kém. Tại “Tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TPHCM đăng ký tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) trong lĩnh vực điện ảnh” diễn ra ngày 15/2, bà Dương Cẩm Thúy - Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM - dẫn chứng: “Dạo hãng phim Giải Phóng hợp tác làm phim Người Mỹ trầm lặng đã dựng hẳn một ngôi nhà cổ rất công phu. Phim quay xong, phải tốn 300 triệu đồng tháo dỡ nhà để bán ve chai. Số tiền đó vào năm 2000 không nhỏ. Nếu có phim trường, bối cảnh sẽ được giữ lại khai thác, thu lợi”.
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú nói về kinh nghiệm của nước bạn: “Hàn Quốc đưa đoàn phim Hạ cánh nơi anh sang Thụy Sĩ quay. Sau khi phim quay xong, bối cảnh nơi nam chính ngồi đánh đàn bên hồ được Thụy Sĩ khai thác thu tiền, cứ 2 franc Thụy Sĩ cho 2 phút chụp ảnh. Điều đó cho thấy du lịch là giá trị cộng thêm của điện ảnh, giúp tác phẩm vươn ra khỏi thế giới”.
Ở Việt Nam, hầu hết các bối cảnh quay phim đều phải tháo dỡ để trả lại mặt bằng như cũ cho địa phương. Gần đây mới có một số bối cảnh được giữ lại để khai thác du lịch như phim Đất rừng phương Nam, Đèn âm hồn. Đoàn phim Mưa đỏ cũng vừa đề xuất tặng phim trường cho tỉnh Quảng Trị tận dụng thành điểm du lịch trải nghiệm, giáo dục lịch sử, tạo ra nguồn thu, việc làm… cho địa phương.
Bao giờ có phim trường đạt chuẩn?
Tại Việt Nam, phim trường quốc gia Cổ Loa được coi là quy mô nhất, nhưng cũng chỉ khai thác được cho 2 phim truyền hình là Huyền sử thiên đô và Thái sư Trần Thủ Độ, quay vào những năm 2009-2010.
Ông Đỗ Quốc Việt - Phó cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam - cho biết: “Phim trường ở Việt Nam vừa thiếu vừa yếu, từ xây dựng cho đến quản lý. Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Điện ảnh nghiên cứu đề án xây dựng phim trường quốc gia trong năm nay. Phim trường không chỉ là nơi quay phim mà phải là một tổ hợp các dịch vụ hoạt động liên quan đến phim ảnh, kinh phí dự kiến khoảng 1.000 tỉ đồng”.
Một phần bối cảnh phim Đất rừng phương Nam được giữ lại làm du lịch
Về phía TPHCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - cho rằng: nói về cơ sở vật chất, TPHCM không thiếu hệ thống phim trường, vì đã có phim trường hơn 5ha ở Củ Chi và 2 phim trường ở Gò Vấp, quận 12; nhưng TPHCM vẫn ước mơ có phim trường hơn 150ha để xây tổ hợp vừa làm phim vừa làm du lịch. TPHCM có định hướng khai thác phim trường 234ha ở khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc ở Thủ Đức, xây dựng theo hướng chuẩn quốc tế. Trước mắt, sở sẽ làm việc với Đài Truyền hình TPHCM đang quản lý phim trường 5ha ở Củ Chi để có kế hoạch củng cố, mở rộng phim trường này.
Việc xây dựng phim trường đòi hỏi kinh phí khá lớn. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn gợi ý: “Tôi từng có dịp sang Busan (Hàn Quốc) tham quan một phim trường rất lớn, nơi có thể đặt mô hình nửa chiếc máy bay Boeing. Khi tôi hỏi giá thuê thì được biết chỉ cần đoàn phim quay ở Busan trong 30 ngày, bất kể quay tại phim trường này hay các địa điểm khác ở trong TP Busan thì giá thuê chỉ 500 USD/ngày. Số tiền rẻ đến giật mình. Nếu TPHCM có sự hợp tác công tư để xây phim trường đạt chuẩn quốc tế như vậy thì sẽ thu hút dòng vốn nước ngoài rất nhiều. TPHCM có thể cho thuê khu đất xây với giá ưu đãi”.
Nhà sản xuất Minh Beta băn khoăn: “Có phim trường dĩ nhiên rất thuận lợi, nhưng phim trường đúng nghĩa là phải xây dựng cả một thành phố, bầu trời bên trong đó. Làm vậy rất khó và tốn thời gian, kinh phí, trong khi Việt Nam có bối cảnh thiên nhiên ngoài trời rất đẹp, có thể tận dụng. Thị trường điện ảnh Việt Nam hiện nay đã tăng trưởng lớn, nhưng con số đó vẫn còn quá ít. Cần phải có nhiều phim hơn nữa, doanh thu cao hơn nữa mới đủ nuôi hệ thống phim trường quy mô chuẩn quốc tế”.
TPHCM đang làm hồ sơ trình lên UNESCO để trở thành “Thành phố điện ảnh” và sẽ hoàn tất hồ sơ vào ngày 3/3 tới. Giấc mơ có phim trường lại càng “nóng” hơn bao giờ hết, vì đó là yếu tố quan trọng để phát triển điện ảnh bền vững. Giấc mơ này sớm thành hiện thực hay không chỉ trông chờ vào ý chí và hành động của các đơn vị liên quan.
Việc đặt mục tiêu trở thành thành phố điện ảnh nằm trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng mang theo nhiều kỳ vọng phát triển của TPHCM.