“Thành phố của tôi” mang thông điệp cho thế hệ tương lai, tri ân cha anh đi trước

19/10/2023 - 13:12

PNO - Sáng 19/10, Báo Phụ nữ TPHCM tổ chức họp báo công bố cuộc thi viết “Thành phố của tôi”. Cuộc thi do Báo Phụ nữ TPHCM phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Tổng hợp TPHCM tổ chức, hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước; cũng là dịp TPHCM tròn 50 tuổi.

Sắc màu cho thành phố vinh dự mang tên Bác

Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TPHCM - chia sẻ tại họp báo công bố cuộc thi Thành phố của tôi: “Cuộc thi góp phần vào sự sáng tỏ, sinh động của vùng đất Sài Gòn - TPHCM. Cuộc thi tạo thêm sắc màu để thành phố thêm đa dạng, phong phú nội dung nhân 50 năm đất nước hoà bình, thống nhất, thành phố vinh dự mang tên Bác”.

Ông đề xuất BTC mời Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM tham gia bảo trợ truyền thông, vì những nội dung, thể loại đều có thể ứng dụng trên làn sóng phát thanh, lan tỏa đến người dân.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu chỉ đạo tại buổi họp báo vào sáng 18/10, tại Báo Phụ Nữ TPHCM
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - phát biểu chỉ đạo tại buổi họp báo sáng 19/10.

Theo ông, cuộc thi có 1 giải cho bài viết về phụ nữ TP là còn quá khiêm tốn, có thể mở rộng hơn. Tác phẩm viết về phụ nữ TPHCM nên có giải riêng đặc biệt, rất nhiều phụ nữ có tài năng, đã đóng góp cho sự phát triển thành phố trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng đề nghị ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Quản lý báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy có phương án tạo nên sự gắn kết cho tác phẩm được bình chọn hàng tháng, hàng quý, tạo thêm sự động viên cho tác phẩm được xét chọn.

Theo ông, vì phong phú thể loại, nên nếu khống chế tối đa 2.000 chữ thì đôi khi tác phẩm sẽ bị hạn chế sự thể hiện. Tác phẩm chưa sử dụng trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng được tổng hợp trong các ấn phẩm thì nên giải thích rõ, để tác giả không quá lo lắng… 

Nhiều vấn đề được bàn luận sôi nổi

Tại buổi họp báo, nhiều câu hỏi được các cơ quan báo, đài đặt ra với đơn vị tổ chức. Trong đó có việc những giải pháp, hiến kế cho sự phát triển của TPHCM mang tầm quan trọng như thế nào với bài viết dự thi. 

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng giám khảo - cho biết: “Bài viết nhiều nhất 2.000 chữ, nên chúng tôi muốn nhận những bài viết báo chí, tản văn, suy nghĩ, cảm xúc của người dân TPHCM, người yêu thành phố này; nội dung về một khoảnh khắc, một lát cắt, ký ức nào đó. Trên tinh thần đó, các giải pháp, đề xuất chỉ là một phần rất nhỏ trong bài viết. Cuộc thi không mang tính hàn lâm, không phải là báo cáo khoa học. Ngoài tình yêu, tác giả có thể bày tỏ mong muốn, cống hiến cho thành phố phát triển. Chúng ta không cần những giải pháp lớp lang, đồ sộ, báo cáo khoa học”.  

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nhấn mạnh nội dung tác phẩm dự thi nên đi vào văn hóa, xã hội, con người, phát triển cộng đồng, đời sống tinh thần; không nên đi vào vấn đề kỹ thuật, kinh tế tài chính…

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà (thứ hai từ trái sang) trả lời câu hỏi từ báo đài
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa (thứ hai từ trái sang) trả lời câu hỏi của báo, đài. 

Nhà văn Lê Minh Quốc chia sẻ, có một số từ khóa mà khi nói về Sài Gòn - TPHCM chắc chắn sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần: tình nghĩa, yêu thương, đùm bọc. “Tôi là người nhập cư đến Sài Gòn đã 40 năm. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là tình nghĩa người Sài Gòn dành cho mình; tình nghĩa của mình dành cho thành phố này như sự trả ơn”, nhà văn Lê Minh Quốc nói. 

Cũng có ý kiến cho rằng cuộc thi giới hạn trong thời gian 50 năm TP phát triển, nhưng quãng thời gian trước đó cũng có nhiều cái hay, cái đẹp... vì thế, mốc thời gian này có thể gây hạn chế ý tưởng. 

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho rằng cái hay, cái đẹp, văn hóa của người Sài Gòn vẫn hiện hữu, nuôi dưỡng trong đời sống văn hóa xã hội hiện tại. Mốc thời gian năm 1975 ý chỉ các sự kiện, còn cái hay, đẹp thì vô tận. Vì thế cũng không giới hạn, không làm khó tác giả. 

Về tiêu chí đánh giá từng thể loại đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, theo bà Lý Việt Trung, BTC cũng sẽ lắng nghe các ý kiến đóng góp để từ đó có sự cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp. BGK cũng đặt tiêu chí người thật, việc thật, không chấm những tác phẩm hư cấu. 

Cuộc thi không phân biệt đối tượng dự thi chuyên nghiệp, không chuyên. Tuy nhiên, theo bà Lý Việt Trung, BGK sẽ xem xét giải thưởng đối với cho tác giả lớn tuổi, nhỏ tuổi nhất, tác giả không chuyên, những người phụ nữ ở tuổi 50… “Chúng tôi sẽ cố gắng vinh danh những cây bút đã đóng góp cho cuộc thi”, bà Lý Việt Trung chia sẻ.

Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM nói sẽ cố gắng vinh danh những cây bút tham gia, đóng góp cho cuộc thi
Bà Lý Việt Trung - Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM - cho biết sẽ vinh danh những cây bút tham gia, đóng góp cho cuộc thi. 

Theo bà Lý Việt Trung, hiện có nhiều cuộc thi, trong đó có không ít cuộc thi do các cơ quan báo chí tổ chức; hoặc trong dịp kỷ niệm 45 năm thống nhất đất nước cách đây vài năm, cũng đã có những cuộc thi viết về thành phố với chủ đề Thành phố tôi yêu; năm 2020 Báo Phụ nữ TPHCM cũng từng tổ chức cuộc thi này. 

“Đã có nhiều cuộc thi nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh quy mô, ý nghĩa của cuộc thi này. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Lễ trao giải diễn ra ngày 8/3/2025. Đây là hoạt động có ý nghĩa về mặt chính trị. Dịp này cả nước, TPHCM sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng ngày lễ trọng đại. Chúng tôi tự hào có thể đóng góp thêm hoạt động ý nghĩa trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm này”, bà Lý Việt Trung chia sẻ. 

TPHCM là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của cả nước; thu hút hàng triệu người đến sinh sống, học tập, lập nghiệp. Vì thế, mỗi người sẽ có kỷ niệm về thành phố này, muốn giãi bày, nói ra tình cảm của mình.

“Chúng tôi hy vọng cuộc thi trở thành diễn đàn để mọi người có thể bày tỏ tâm tư, tình cảm; góp ý mong muốn, khát vọng để TPHCM hiện đại, phát triển, là nơi đáng sống”, bà Lý Việt Trung chia sẻ.

Cuộc thi kéo dài 1 năm rưỡi để tác giả tập hợp tư liệu, tư duy, hội tụ cảm xúc để cho ra những bài viết hay. Giải thưởng cũng tạo ra sức hấp dẫn cho cuộc thi.

Bà Lý Việt Trung và bà Phạm Thị Vân Anh (Phó tổng biên tập báo Phụ Nữ TPHCM)
Bà Lý Việt Trung (Tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, thứ tư từ trái sang) và bà Phạm Thị Vân Anh (Phó tổng biên tập Báo Phụ nữ TPHCM, thứ hai từ trái sang) tặng hoa cho các giám khảo: ông Nguyễn Tấn Phong (Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM, Phó chủ tịch Hội đồng giám khảo, bìa trái), nhà văn Lê Minh Quốc (thứ ba từ trái sang), PGS.TS.  Nguyễn Minh Hòa (Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng giám khảo, thứ năm từ trái sang), PGS.TS. Đoàn Lê Giang (thành viên Hội đồng giám khảo, bìa phải)

“Cuộc thi có thể khép lại, nhưng sẽ để lại diễn dàn để mọi người viết, chia sẻ, giãi bày tình cảm với thành phố trên Báo Phụ nữ TPHCM cũng như nhiều tờ báo khác, thì thế hệ sau sẽ tiếp cận, đọc được, sẽ hiểu thêm về thành phố. Cuộc thi mang thông điệp gửi thế hệ tương lai, tri ân thế hệ cha anh đi trước”, bà Lý Việt Trung nói.

Sản phẩm đạt giải sẽ được Đài Truyền hình TPHCM (HTV) dàn dựng, truyên truyền. Cụ thể, HTV đã giao nhiệm vụ này cho Hãng phim TFS để có sự nghiên cứu, hỗ trợ tìm ra format riêng để lan tỏa cuộc thi.

Ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập Báo Người Lao Động nhận định về tên của cuộc thi: “Chúng ta có thể hiểu chữ "của" trong tên cuộc thi vượt ngoài giới hạn sở hữu cách, giá trị vật chất. Có thể tôi không có nhà ở thành phố này, nhưng tôi yêu mến thành phố này, thì tôi có quyền cho rằng đây là thành phố của tôi”.

Theo ông, nếu hiểu chữ "của" theo sở hữu cách thông thường thì sẽ tự giới hạn bản thân.

Ông Tô Đình Tuân chia sẻ suy nghĩ về tên cuộc thi
Ông Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao động - chia sẻ suy nghĩ về tên cuộc thi.

 

Trung Sơn 
Ảnh: Minh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI