Thành phố của những ngọn gió

09/08/2021 - 06:56

PNO - Trong số 11 thành phố của 11 quốc gia mà trái bóng Euro 2020 lăn đến, thành phố Baku của Azerbaijan, cũng là thủ đô của nước này, là một nơi hết sức đặc biệt. Nằm ở độ cao 28m dưới mực nước biển, Baku là thủ đô thấp nhất thế giới và là thành phố lớn nhất nằm dưới mực nước biển.

Với du khách nước ngoài, ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến Baku là gió. Quanh năm thành phố này đón hai luồng gió mạnh mẽ thổi từ biển Caspi là gió lạnh Khazri và gió ấm Gilavar. Sức gió Khazri có thể đạt đến 144km/h, đủ gây hư hại cây cối, nhà cửa. Vì vậy, Baku có biệt danh là thành phố của những ngọn gió. Còn Azerbaijan vốn được mệnh danh là vùng đất của lửa vì nơi này có ngọn lửa vĩnh cửu cháy suốt mấy ngàn năm ở ngọn đồi Yanar Dag (cách Baku khoảng 25km). Hình ảnh một thành phố gió tọa lạc ở vùng đất “hỏa diệm sơn” đã trở thành nét độc đáo lôi kéo khách du lịch tìm đến.

Những ngọn núi lửa bùn ở khu bảo tồn Gobustan là điểm đến độc đáo ở Baku
Những ngọn núi lửa bùn ở khu bảo tồn Gobustan là điểm đến độc đáo ở Baku

Ngoài gió, Baku còn có một đặc sản thiên nhiên khác là núi lửa bùn. Trên thế giới có khoảng 1.700 núi lửa bùn thì hết 700 cái nằm ở Azerbaijan, một nửa trong số đó hiện vẫn còn phun trào. Dù khắp Azerbaijan đều có núi lửa bùn nhưng không phải cái nào cũng có thể đến được mà hầu như chỉ những núi lửa ở khu bảo tồn Gobustan (nằm ở Gobustan - khu tự quản thuộc Baku) mới thuận tiện để ghé thăm.

Khu bảo tồn thực chất là một công viên ngoài trời nằm cách thủ đô Baku hơn 60km, mở cửa từ 9g - 17g mỗi ngày. Công viên chứa những tảng đá khắc các bức họa có niên đại khoảng 5.000 - 20.000 năm. Cách khu vực này chừng 14km là hơn 20 núi lửa bùn. Phương tiện đi lại chủ yếu là xe Jeep hoặc những chiếc SUV.

Tắm bùn cũng là một trải nghiệm thú vị ở Gobustan
Tắm bùn cũng là một trải nghiệm thú vị ở Gobustan

Ở Azerbaijan cũng có những núi lửa bùn cao 700m, đường kính miệng núi cả chục cây số. Nhưng núi lửa bùn ở Gobustan không to, cao mà có kích thước nhỏ, thấp, chỉ tầm 3 - 5m, đủ để du khách trèo lên an toàn. Đặt chân đến khu vực này, không ít du khách sẽ ngỡ như mình đang lạc bước đến sao hỏa vì địa hình nhiều đất đá, gồ ghề và những dòng bùn chảy ra khỏi miệng núi lửa bị gió thổi khô, đông cứng lại tạo ra những vệt đất dài hình thù đa dạng.

Vào những lúc hoàng hôn, đứng trên các miệng núi lửa bùn phóng tầm mắt ra phong cảnh rộng như sa mạc nơi đây, du khách sẽ cảm nhận cảm giác vừa thích vừa sợ trước cảnh đồng không mông quạnh. Không phải tất cả núi lửa ở đây còn phun bùn và dòng nước bùn cũng không quá nóng như nham thạch nhưng cũng đủ cho những ai lặn lội đến đây tận hưởng một trải nghiệm khó quên. Tại đây, không chỉ được tiếp cận núi lửa thật gần mà du khách còn được nhìn thấy dòng chất lỏng màu xám đang sôi sục tạo thành các bóng khí to nổi trên bề mặt miệng núi. 

Một lưu ý nhỏ nếu bạn muốn đến đây là nên tránh mặc quần áo sáng màu và nên bọc ni-lông giày dép (nếu không muốn lấm bùn). Nếu không ngại dơ, bạn có thể chọn tắm bùn vì loại bùn này chứa nhiều khoáng chất tốt cho làn da, sức khỏe. Có điều, bạn sẽ cần mang theo nước sạch để tắm lại sau khi tắm bùn vì xung quanh khu vực này không có nước cũng như chỗ tắm rửa.

Được biết cuối tháng Tư năm nay, Azerbaijan đã làm lễ động thổ xây dựng khu phức hợp du lịch núi lửa bùn ở Gobustan nhằm đưa sản phẩm du lịch kỳ thú này phát triển hơn nữa. Công trình rộng 12ha này sẽ mang hình dáng một miệng núi lửa. Những hạng mục bên trong bao gồm các nhà tắm bùn liệu pháp, cửa hàng lưu niệm, bãi đậu xe, đường dành cho người đi bộ, đi xe đạp, đường trượt zipline, đài quan sát. Dự kiến hè năm sau, công trình sẽ hoàn thành. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI