Thành phố của biển xe máy

26/08/2024 - 05:30

PNO - Trở về sau những chuyến viễn du nước ngoài, điều tôi nhớ nhất không phải tô phở thơm - biểu tượng bất hủ của ẩm thực xứ Việt - mà chính là cảm giác được chạy xe máy giữa ngập tràn nắng gió lẫn khói bụi và hơi người. Lấy chiếc xe để trong góc nhà cả tháng nay, chạy ngay vào đoàn người đang hối hả, tôi thấy mình tựa cánh chim tự do vừa thoát khỏi lồng sắt đầy đủ tiện nghi.

Nguồn sống tuôn chảy

Cảm giác cỡi xe máy vượt qua ma trận đường phố Sài Gòn vừa thích thú, vừa thử thách, lại rất tự do. Khi vợ chồng diễn viên Mỹ Brad Pitt sang Việt Nam vào năm 2006, họ đã chọn xe máy để khám phá TPHCM.

Lúc trước, tôi cũng vài lần tự hỏi, tại sao những du khách vốn luôn đòi hỏi những điều kiện du lịch phải chuẩn này, chất nọ lại thích phiêu lưu trên con ngựa sắt tầm thường này. Có lẽ đó là thứ họ không có ở nơi chốn tân kỳ của trời Âu - Mỹ? Và hơn hết, họ muốn khám phá một nét văn hóa bình dị bản địa. Còn tôi thì quá yêu sự phóng khoáng mà xe máy mang đến. Giờ nhìn lại biển khổng lồ xe máy của Sài Gòn, phải chăng nó đã trở thành thứ độc đáo trên thế giới này. Một đặc sản thật hấp dẫn nhưng cũng thử thách những người vừa đặt chân đến.

Gần 80 năm hiện diện, xe máy đã đóng góp gì để trở thành một nét văn hóa Sài Gòn - TPHCM? Chẳng cần con số thống kê, chỉ bước ra đường 5 phút là đủ kết luận, đó là phương tiện cá nhân phổ biến nhất của nơi đây. Xe máy là chân đi quen thuộc của người Sài Gòn. Nếu có xe hơi thì cũng phải dự phòng 1 chiếc xe máy trong nhà bởi sự tiện lợi, bởi hiện trạng đường sá thiếu đồng bộ. Dòng xe cá nhân ấy đưa người ta từ bên này thành phố sang bên kia thành phố, đưa người ta xuyên hầm chui đến chỗ hẹn nhau, đưa anh công chức đến cơ quan, đưa chị nhân viên văn phòng đi vào cao ốc.

Xe máy còn là kế sinh nhai của người dân nơi đây. Cô “hàng xén” chất lên yên sau gánh hàng rau, cá, thịt, chú trung niên treo lên đó đầy những bong bóng, thú bông, kẹo bông gòn đi bán khắp hang cùng ngõ hẻm. Xưa, không vô được xí nghiệp, kho xưởng thì dắt xe ra ngã tư, ngã bảy chạy xe ôm hay chở hàng. Nay, rảnh rỗi phút nào thì mở app chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm thu nhập.

Từng là gia tài để lại

Ngược dòng lịch sử, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xe máy đã xuất hiện trên đường phố Sài Gòn. Khởi đầu là những chiếc Vélo Solex và Mobylette từ Pháp, sau đó là các mẫu xe khác từ Đức, Ý. Ấn tượng nhất có lẽ là chiếc Solex vì gắn liền với hình ảnh thanh lịch của nữ sinh Sài Gòn lúc đó. Hình ảnh nàng Hoàng Thị tung bay cánh mỏng khắp phố trên xe Solex gây thương nhớ cho biết bao gã trai mới lớn si tình, gây rung động cho tâm hồn thi nhân, nhạc sĩ. Chiếc xe máy cũng đi vào thơ văn, giấc mơ của nhiều người từ đó.

Rồi bước qua thập niên 60 của thế kỷ trước, cuộc đổ bộ gây chấn động của hãng xe Honda đến từ Nhật Bản chính thức đưa xe máy lên đài danh vọng. Chiếc Honda Dame trở thành niềm mơ ước, biểu tượng thời trang của người Sài Gòn. Mẫu mã đẹp, mạnh mẽ, bền tốt đã khiến cái tên hãng xe trở thành tên gọi khác của xe máy. Đừng ngạc nhiên khi bây giờ, người Sài Gòn vẫn trưng cái bảng sửa xe Honda dù xe hãng nào họ cũng nhận. Đó là thời hoàng kim của những chiếc xe máy. Xe máy được xem là gia tài để lại cho đời sau.

Gia đình tôi giữ chiếc Honda Dame do ông ngoại tôi mua từ năm 1970 cho đến những năm 2010, sau đó tặng lại cho một bác quen có thú chơi xe cổ. Bác “tút” lại rồi chạy vi vu khắp phố phường, trông thật phong cách. Bọn trẻ như chúng tôi phần lớn thích những chiếc tay ga đắt tiền hoặc những chiếc mô tô phân khối lớn ồn ào, bề thế. Nói đến đây mới nhớ, chiếc xe máy gắn liền với các gia đình. Nhiều gia đình coi nó như là nhân chứng sống cho những thăng trầm của họ nên họ thà tặng ai đó chứ kiên quyết không bán đi. Xe máy như một phần đời của họ rồi.

Những kỷ niệm trên đường

Khi chạy xe máy, bạn không chỉ được làm cánh chim tự do mà còn được cái thú ngắm những nét mặt người. Dừng ở ngã tư, thấy cạnh bên là cậu thanh niên gương mặt hồ hởi, tươi cười trong biển người đang che kín khẩu trang vì nắng, vì khói. Hay chiếc nón bảo hiểm của cô sinh viên gắn lên đó cái chong chóng gợi nhớ chú mèo máy Doraemon. Chợt thấy như có một cơn gió mát vừa thổi qua đây.


Thập niên 1980-1990, khi chưa có nhiều tụ điểm vui chơi thì chạy xe máy đi hóng gió khu Nguyễn Huệ (quận 1), Hào Huê (quận 5) cũng là cái thú. Xe máy cũng là phương tiện để người ta thể hiện lòng tốt. Đừng ngạc nhiên khi đang chạy xe, có ai đó lao lên nói như hét (do đường đông đúc quá): “Gạt chống kìa em”. Bạn chưa kịp gật đầu cảm ơn thì chiếc xe đó rồ ga đi mất. Hay kỷ niệm của tôi thuở bé là có người chạy lên đưa cho ba mẹ tôi chiếc dép mà tôi ngủ gật, đánh rơi dọc đường.
Thế đó, đi xe máy có bao thú vui để mà kể. Khi giãn cách vì COVID-19, thành phố im ắng lạ lùng, chỉ còn tiếng còi xe cứu thương, tiếng thở dài não nuột. Trong cái thời khắc đen tối đó, nhìn ra cửa, chỉ cần một bóng xe máy chạy ngang là có thêm chút niềm tin chống dịch. Chắc hẳn nhiều người sẽ nhớ cái cảm giác lần đầu chạy xe máy khi tan dịch. Vừa thoải mái và muốn bật khóc.

Quy định đội nón bảo hiểm được người dân thành phố nghiêm chỉnh chấp hành như một sự thượng tôn pháp luật. Nếu lỡ quên đội nón bảo hiểm khi ra đường, thế nào bạn cũng có cảm giác lạc lõng, có lỗi. Khi chạy xe máy ở Sài Gòn, nếu rớt bịch đồ hay gặp tai nạn, bạn mới thấy sự nhiệt tình trong văn hóa giao thông của người Sài Gòn. Hỏi đường người ngoài phố, có khi được họ tận tình dẫn lối đến tận nơi. Một anh thợ sửa máy lạnh không chần chừ rút xăng trong xe mình cho người cạn nhiên liệu là lòng tốt mà tôi từng nhận được ở thành phố hiện đại này. Lục Vân Tiên thời nay chỉ cần vậy chứ đâu cần gì cao sang hơn.

Đến đây, hẳn có người sẽ nói, tôi đang lạc quan quá với biển xe máy Sài Gòn. Tôi biết chứ, cái gì quá cũng không tốt. Xe máy quá phát triển gây mất cân bằng giao thông, gây ùn tắc, ô nhiễm… cần được điều chỉnh cho hợp lý. Chính quyền TPHCM và các thành phố lớn đã đề xuất nhiều giải pháp hạn chế xe máy, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Nhưng vẫn có một sự thật là người dân thành phố yêu xe máy vì sự tiện lợi, vì có bao thứ đẹp đẽ liên quan đến loại phương tiện này. Hãy yêu lấy nguồn sống tuôn chảy đó, để có thể sáng suốt đưa ra giải pháp hợp lý.

Phạm Ngọ

Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”.

Hạn chót nhận bài thi: 31/12/2024.


Cơ cấu giải thưởng:
- 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng.
- 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng.
- 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải.
- 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải.
- 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải.
- 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng.
- 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng.
- Giải tháng: 10 triệu đồng/giải.
Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý.
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây:
https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI