Thành phố áo dài

02/03/2018 - 12:47

PNO - Áo dài ở Sài Gòn - TP.HCM, dù xuất hiện trong không gian sang trọng, nghiêm trang hay ở những nơi mà nhan sắc đàn bà là thứ quan trọng nhất vẫn đẹp rực rỡ theo mọi nghĩa.

Chẳng quá lời đâu nếu bảo rằng, Sài Gòn hôm nay là thành phố áo dài. Nhìn các em thiếu nhi xúng xính áo dài cùng cha mẹ đi chúc tết ông bà dịp tết Mậu Tuất vừa qua, chúng ta biết, nhận thấy một cách rõ rệt sự trao truyền và tiếp nối thế hệ, để giữ gìn và phát triển một nét đẹp đã thành truyền thống.

Thanh pho ao dai

Chuyện có thật ở ngã tư chợ Bà Chiểu. Năm đó tôi trọ ở Q. Tân Phú, học ở Q. Thủ Đức, sáng nào cũng vật vã với đoạn đường dài để kịp vào lớp lúc 7 giờ. Lần đó, thấy đèn đỏ sắp chuyển xanh, tôi thầm tính nhanh rồi… vượt. Lưới… cảnh sát lồng lộng. Chiếc áo vàng huyền thoại xuất hiện, tuýt còi. Tôi dừng xe, làm bộ khó nhọc vén chiếc áo dài, bước xuống.

Sau khoảng thời gian gấp ba thời gian cần thiết để di chuyển khỏi phương tiện, tôi cũng đứng trước mặt anh cảnh sát. Anh xem giấy tờ, rồi lạnh lùng, hỏi: “Sáng sớm đi đâu mà mặc áo dài?”. Tôi uể oải: “Dạ đi học dưới Thủ Đức". Ảnh vẫn lạnh lùng: “Có thấy đèn đỏ không?”. Tôi buột miệng: “Dạ... thấy, mà không thấy anh". Anh cảnh sát như phì cười trong nửa giây, rồi lại nghiêm khắc nhìn tôi như sắp rút xấp biên bản trong truyền thuyết ra, nói: “Tội nặng đó, mà mặc áo dài nên tha”.

Tết năm ngoái, tôi chứng kiến sự ra đời của mốt áo-dài-cách-tân (mặc chung với váy) và cơn bão tranh luận về các “giới hạn cách tân". Không được giải quyết gọn lẹ như cuộc “vượt đèn đỏ" của tôi, màn tranh luận về áo dài cách tân kéo dài. Nhiều tờ báo vào cuộc, đăng những bài luận sắc bén cho từng quan điểm.

Thanh pho ao dai

Phía làm văn hóa một mực khẳng định, tấm áo mới đó là một tạo vật lai căng và là… ngụy áo dài. Phía “cách tân" bàn về hành trình của cái mới, về quy luật biến đổi. Cuộc tranh luận tạm kết khi phía truyền thống kết luận: “người ta có quyền mặc áo xẻ tà với váy, nhưng không được gọi đó là áo dài". Họ đồng thời truyền đi một trào lưu nhanh chóng lan khắp Facebook cá nhân của những phụ nữ thành thị. Kết quả, tết năm đó, đại lộ Nguyễn Huệ rợp áo dài, cả truyền thống lẫn áo-dài-cách-tân.

Từ lúc vào sống gần trung tâm, tôi thường làm việc đến đêm mới về nhà và chứng kiến một phiên bản khác của áo dài. Cũng thướt tha uyển chuyển, cùng những nhấn nhá tinh tế tạo nên những đường nối tôn vinh tuyệt đối hình thể phái đẹp. Chỉ khác là cánh áo ấy xuất hiện trong những quán rượu, trên người những cô gái tràn trề thanh xuân.

Những tà áo dài ấy, đôi khi như vướng vất trong đôi mắt của người thanh niên bặm trợn đang tất bật dắt xe cho khách mà vẫn để mắt trông chừng, để thỉnh thoảng đến giải cứu, khi áo dài lâm nguy giữa những thân mật ngả ngớn.

Thanh pho ao dai

Khi nhìn vào những tụ điểm đèn mờ, tôi càng không lạ lẫm với bóng dáng của áo dài nơi ấy. Ở đó, chắc chẳng cần một người nữ trang trọng, quý phái, cũng không có những lễ nghĩa để một cô gái phải vận lễ phục. Những miêu tả về chiếc áo dân tộc theo hướng trang nghiêm, sang trọng có lẽ sẽ bế tắc khi theo tà áo xứ mình vào quán rượu. Thiết chế văn hóa cùng những giới hạn đạo đức cũng vỡ tan.

Ở đó, người ta chỉ cần người đẹp ở một nghĩa ban sơ, trần trụi nhất. Cái đẹp đàn bà không bị điều kiện hóa bởi những giới hạn văn hóa, đạo đức. Áo dài tôn vinh cả nét đẹp trần trụi đó.

Những cô gái Việt trong không gian chia bài, rót rượu đã biết chọn ở tấm áo nước mình cái khía cạnh vị nhan sắc ấy, để làm nghề. Ở đó, áo dài là lễ phục của cái đẹp đàn bà. Hay là, ngoài những đường cong được tôn vinh hết mực, chính người con gái làm nghề đặc biệt nọ, đã được áo dài chở che cho những phần yếu đuối nhất, trước cái nhìn khe khắt của thế giới bên ngoài. Như kiểu người ta vẫn bao dung và trân quý với áo dài. Như kiểu người ta vẫn trở nên đáng yêu, đáng quý, đáng được thấu hiểu khi khoác tấm áo ấy lên mình.

Chiếc áo dài được trao đi ở mỗi chương trình học bổng thường niên Vì nữ sinh hiếu học, vượt khó của báo Phụ nữ TP.HCM kể với tôi một câu chuyện khác. Sau mấy mươi năm, khi nhu cầu của học sinh đa dạng hơn, báo dần cắt giảm những phần quà bằng hiện vật, quy về số tiền học bổng, để tăng cơ hội lựa chọn của học sinh. Chỉ có áo dài là được bảo toàn, được tặng trực tiếp và chắc chắn tinh tươm.

Thanh pho ao dai

Nghĩ thật sâu về phép phân chia phần thưởng ấy, mới thấy hết cái lo toan của những người chị, mới thấy trong cuộc tiếp sức tri thức là sự truyền trao âm thầm của cái nữ tính và sự chăm sóc nhan sắc với những đứa em non nớt Sài Gòn. Tình yêu mãnh liệt với áo dài trong dáng hình một món quà đã được trao tặng giữa những thế hệ nữ, giữa một đơn vị làm việc về giới nữ với những hạt mầm nữ tính ở thành phố này.

Ở Sài Gòn, người ta không vì nghèo mà lạ lẫm với áo dài, không vì thiếu một chỗ làm trang trọng mà mất cơ hội mặc áo dài, cũng không vì những tranh cãi mà giận dỗi quay lưng với áo dài. Tất cả những bất hòa, hờn dỗi, những kịch liệt phản pháo và kiên quyết bài bác giữa “hai làn sóng áo dài", cũng giống như những truyền trao, hay những cái cớ ngẫu nhiên để xuê xoa tha lỗi cho nhau giữa đường phố Sài Gòn - đều thể hiện tình yêu với áo dài. Dù đúng, dù sai cũng đều xuất phát từ những con tim yêu áo dài của thành phố này.

Tôi hay vướng vất một hình ảnh Sài Gòn vẫn được cánh nhiếp ảnh trong và ngoài nước săn đón - khi “đàn bướm trắng” túa ra khỏi cổng trường nữ sinh Gia Long hồi những năm 1960. Tôi cũng tin rằng, đại lộ Nguyễn Huệ rợp áo dài vào những ngày tết tân thời, khi đã trở thành một câu chuyện kể, cũng thơ mộng như thế. 

Hãy để áo dài đi vào đời sống

Là một trong 22 nhà thiết kế góp mặt trong Lễ hội Áo dài lần V, cũng là một trong 11 gương mặt được chọn là Đại sứ Áo dài năm 2018, nhà thiết kế Sĩ Hoàng đã bày tỏ nhiều trăn trở để tà áo dài Việt mãi trường tồn.

- Theo ông, điều gì đã khiến áo dài đi cùng phụ nữ Sài Gòn một hành trình lâu như thế?

- Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Áo dài được mặc định như trang phục truyền thống của người Việt, đôi khi còn được gọi là quốc phục nên mang nặng tính bảo thủ và khó chấp nhận sự thay đổi. Nhưng áo dài đã luôn vận động, điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi về thị hiếu thẩm mỹ, sự tiện dụng của người mặc trong từng thời kỳ khác nhau.

Sài Gòn - TP.HCM là mảnh đất hội tụ đa văn hóa của cả nước suốt chiều dài lịch sử. Cùng với sự phát triển kinh tế nổi bật, phụ nữ Sài Gòn giữ được nếp truyền thống mà vẫn tiếp nhận những xu hướng thời trang thế giới. Quan trọng là hai giá trị thẩm mỹ luôn gắn liền giá trị phẩm giá của người mặc, nên bất kỳ người phụ nữ, dù ở vị trí nào trong xã hội, cũng ý thức gìn giữ. Đó là những lý do khiến áo dài đi cùng phụ nữ Sài Gòn một hành trình dài như vậy.

- Sự “quay lại” của áo dài gần đây có phải chỉ đơn thuần là vòng tuần hoàn thời trang? 

- Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Thời trang chỉ phát triển khi kinh tế phát triển. Nhưng, sự quay lại của áo dài không đơn thuần là vòng tuần hoàn thời trang. Đó là tín hiệu của sự phát triển mọi mặt của một vùng, miền, đất nước.

Áo dài được mọi người yêu mến nên luôn được gìn giữ trong những thời khắc khó khăn. Nó còn được bảo vệ và khuyến khích qua hệ thống bảo tàng, các cuộc thi sắc đẹp có quy định áo dài là trang phục bắt buộc, các lễ hội truyền thống, các sự kiện như Lễ hội Áo dài.

- Và tại sao Sài Gòn - TP.HCM lại là một siêu “sàn-diễn” của áo dài mọi thời đại? Tấm áo đó có liên quan gì đến Sài-Gòn-tính của phụ nữ xứ này chăng?

- Nhà thiết kế Sĩ Hoàng: Sài Gòn luôn tiên phong trong mọi khía cạnh phát triển của kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục; là nơi bao dung, tiếp nhận tất cả những giấc mơ đổi đời của người dân bản địa hay tứ xứ tụ về. Áo dài giúp người phụ nữ đẹp hơn, giúp bảo vệ, tôn lên phẩm hạnh khi mặc. Vì vậy, áo dài là trang phục phải có trong mọi tủ áo của phụ nữ Sài Gòn, để hãnh diện khi mặc trong nhiều hoạt động từ buôn bán ngoài chợ đến trịnh trọng lễ nghi.

- Với thông điệp “Tôi yêu áo dài Việt Nam”, mục tiêu của Lễ hội Áo dài lần này là đưa áo dài đi vào đời sống hằng ngày của người dân thành phố. Ông có cho đây là một kỳ vọng quá tầm?

- Nhà thiết kế Sĩ Hoàng:  Áo dài vốn không từ sân khấu, sàn diễn đi ra đời thường mà chính tà áo dài bình thường mang quốc hồn ấy đã thành biểu tượng văn hóa, hình tượng nghệ thuật trong lòng người yêu cái đẹp. Nó được mặc định là “quốc phục” trong lòng người Việt Nam, nên khi hơn một năm trước, những tà áo dài “biến tướng” xuất hiện, dư luận đã lập tức lên tiếng.

Tôi luôn ủng hộ các sáng tạo. Nhưng, khi một nhà thiết kế giới thiệu tác phẩm của mình mà phải giải thích “Đây là áo dài” thì thiết kế đó không thành công. Hãy để áo dài bình thường trong đời sống, như hơi thở, như nó vốn thế. Lễ hội Áo dài chính là cơ hội để áo dài gắn bó hơn với cuộc sống của người dân thành phố.

- Xin cảm ơn ông. 

Nghi Anh (thực hiện)

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI