Thành phố an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em: Mong sự chuyển động tích cực từ các ngành chức năng

05/10/2018 - 13:20

PNO - Có thể thấy, BLGĐ từ trước đến nay luôn là câu chuyện khó nói của nhiều gia đình, nhất là những người vợ và con cái. Bởi vậy, có rất ít vụ BLGĐ được báo chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời.

Chỉ trong chín tháng đầu năm 2018, trên địa bàn H.Bình Chánh đã xảy ra 12 vụ xâm hại trẻ em và 5 vụ ngược đãi, bỏ rơi trẻ em (đây chỉ mới là số liệu do cơ sở và huyện Hội tiếp nhận), 7 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ). BLGĐ, xâm hại trẻ em là hai vấn đề nóng và cũng là điều mà chúng tôi luôn trăn trở. 

Có thể thấy, BLGĐ từ trước đến nay luôn là câu chuyện khó nói của nhiều gia đình, nhất là những người vợ và con cái. Bởi vậy, có rất ít vụ BLGĐ được báo chính quyền địa phương để can thiệp kịp thời. Tương tự, các vụ trẻ em bị bạo hành, ngược đãi và xâm hại tình dục (XHTD) có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc và hoang mang, lo lắng trong dư luận. Tình trạng trẻ em lao động sớm, bỏ học đi lang thang, bị tai nạn thương tích, XHTD... vẫn còn diễn ra, nhất là trẻ em nghèo, thiếu sự chăm sóc, giáo dục và bảo vệ của gia đình. Đa số trẻ em là nạn nhân của hành vi XHTD bị tổn thương nặng nề về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm... Có trường hợp để lại hậu quả nghiêm trọng là bé gái mới 13 tuổi phải mang thai và sinh con.

Ngoài các vụ XHTD, một số trường hợp trẻ em bị bỏ rơi ngay từ khi mới chào đời hoặc gia đình để con cái lưu lạc từ các tỉnh ngoài Bắc vào tìm việc làm khi chưa đủ tuổi lao động và không được đi học; mẹ ruột bỏ trẻ để người khác nuôi; các trường hợp gây thương tích cho trẻ...

Từ thực trạng này, trong thời gian tới, Hội sẽ tăng cường phối hợp với các đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ…) để mời gọi nam giới, phối hợp với Liên đoàn Lao động, công an để mời gọi người lao động ở trọ tham dự các hoạt động truyền thông. Phối hợp với Phòng GD-ĐT để triển khai phổ biến kỹ năng phòng tránh XHTD cho học sinh trên địa bàn… Cán bộ Hội chủ động nắm thông tin thông qua lực lượng hội viên phụ nữ, nòng cốt phong trào về các vụ BLGĐ; chủ động phối hợp, nghiên cứu kỹ quy trình can thiệp, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em khi bị xâm hại và đeo bám các cơ quan chức năng để giám sát tiến độ, kết quả giải quyết cụ thể từng trường hợp. 

Chúng tôi sẽ kiến nghị UBND huyện, Ban chỉ huy Công an huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan và công an xã, thị trấn tăng cường thông tin, phối hợp cán bộ Hội trong việc tham gia can thiệp, hỗ trợ và giám sát kết quả giải quyết. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo cơ chế phối hợp, tạo điều kiện cho Hội LHPN huyện và cơ sở trong việc nắm thông tin, phối hợp, tham gia can thiệp, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gắn với công tác phòng chống BLGĐ và phòng, tránh xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong sự chuyển động tích cực từ các ngành chức năng trong công tác quản lý nhà nước, thực thi pháp luật để bảo vệ phụ nữ và trẻ em thoát khỏi vấn nạn này. 

Trần Thị Cẩm Thúy 
(Chủ tịch Hội LHPN H.Bình Chánh, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI