Thanh niên thế giới vẫn đang vật lộn trong bóng tối của đại dịch

25/01/2025 - 08:25

PNO - Mặc dù đại dịch COVID-19 đã qua vài năm nhưng nhiều thanh niên vẫn đang phải vật lộn với những hậu quả tâm lý lâu dài.

Thế hệ trẻ vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh COVID-19 - Ảnh: Pixabay
Thế hệ trẻ vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh COVID-19 - Ảnh: Pixabay

Giống như nhiều người trẻ khác, Amelie - 19 tuổi, nữ sinh viên đại học người Pháp - cảm thấy rằng đại dịch COVID-19 cùng hàng loạt lệnh phong tỏa và hạn chế, đã đánh dấu một bước ngoặt đối với sức khỏe tâm thần của cô.

"Tôi đã phải đối mặt với mọi thứ mà tôi đã kìm nén bấy lâu nay và điều đó đã gây ra một cơn trầm cảm khủng khiếp" - nữ sinh viên nói về đại dịch bùng phát vào năm 2020 với AFP.

5 năm sau, Amelie vẫn đang được điều trị sức khỏe tâm thần. Cô không muốn tiết lộ họ tên của mình vì sợ điều đó có thể ảnh hưởng đến cơ hội việc làm trong tương lai.

Amelie không phải là người duy nhất vẫn đang phải vật lộn với những hậu quả tâm lý lâu dài từ thời kỳ COVID-19.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người trẻ tuổi, là đối tượng bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nặng nề nhất trong đại dịch.

Theo một cuộc khảo sát của cơ quan y tế tại Pháp, 1/5 số người từ 18-24 tuổi, đã trải qua một đợt trầm cảm vào năm 2021.

Tại Mỹ, 37% học sinh trung học cho biết có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong năm 2021. Trong khi, một nghiên cứu gần đây của cơ quan y tế Phần Lan được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry cho biết hơn 700.000 thanh thiếu niên nước này cũng đang gặp phải các vấn đề tương tự.

Hậu quả của đại dịch cũng đang ảnh hưởng đến thế hệ tiếp theo.

Một số trẻ bắt đầu đi học cách đây 5 năm đã gặp phải vấn đề trong việc học tập và phát triển cảm xúc.

Báo cáo đánh giá năm 2023 khảo sát ở 15 quốc gia, được công bố trên tạp chí Nature Human Behavior cũng cho thấy, trẻ em vẫn chưa theo kịp tình trạng chậm trễ đáng kể trong việc học tập.

Theo cơ quan quản lý giáo dục Vương quốc Anh, nước này đã chứng kiến ​​mức độ trẻ nhỏ nghỉ học chưa từng có trong năm học 2023-2024, đồng thời cho biết đã xuất hiện một số thay đổi sau đại dịch, khi nhiều phụ huynh không còn xem trọng việc học của con mình.

Simon Kidwell - Hiệu trưởng trường tiểu học Hartford Manor ở hạt Cheshire, tây bắc nước Anh - cho biết đại dịch đã tạo ra một loạt thách thức kéo dài.

"Về mặt tiến độ dạy học khá nhanh trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi lo ngại là chứng kiến sự gia tăng đột biến các trẻ cần tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần".

Selina Warlow - một nhà tâm lý học làm việc với trẻ em mắc chứng rối loạn về tâm lý tại một phòng khám ở Farnham gần London - cho biết rất nhiều trẻ tự kỷ thích bị cách ly.

"Môi trường học đường thực sự quá tải. Quá ồn ào, quá bận rộn. Việc học trong 1 lớp có 30 trẻ em khác rất khó khăn đối với các em tự kỷ" - cô nói với AFP.

Minh Hương (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI