Vương vấn mãi trên đầu môi là chén sương sâm vò lá tươi mát, ly thạch thốt nốt thanh lành, vị dừa sáp thơm bùi và cả những bữa cơm được nấu bằng hạt gạo xay từ lúa trên cánh đồng không bón phân hóa học.
Món ăn ở cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cứ ở lại trong lòng người phương xa bằng sự thanh sạch và cả chân tình, hiếu khách của người xứ ấy…
Quà của đất trời
Vượt qua dòng Cổ Chiên, vừa đặt chân lên cồn Chim, chúng tôi đã được “mục sở thị” cảnh bắt cá lóc đồng đầy hào hứng. Trên bờ, những “người thành phố” được một phen hò reo thích thú. Dưới ruộng, người nông dân vừa bắt được một, hai, rồi ba bốn… con cá lóc to bằng bắp tay.
Men theo rãnh nước cạn, những chú cá lóc đồng mập ú lúc ẩn lúc hiện trên ruộng cạn. “Kia, kìa, một con nữa!” - khách cứ liên tục vỗ tay rồi “chỉ điểm”. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ về những lần tát ao ở quê nhà, người trên bờ - nhất là đám trẻ con - trở thành những cổ động viên tích cực cho các anh, các chú bắt cá dưới ao.
Thành quả của buổi bắt cá hôm ấy là nửa xô cá lóc đồng, con nào con nấy căng mẩy. Ai đó thông báo rằng đây sẽ là món ngon đãi khách của người xứ cồn. Cá trên đồng, tôm trong vuông, rau trái ngoài vườn… tất cả đều là thực phẩm xanh/sạch để chuẩn bị cho bữa cơm “thuận thiên” - thuận theo ý trời - một điểm nhấn ẩm thực ở điểm du lịch cộng đồng này.
Đường vào làng được dọn cỏ tươm tất. Lối vào nhà dân được trồng hoa mười giờ, cổng được trang trí bằng những loại hoa dân dã: tóc tiên, móng tay, dừa cạn… Đi trên lối mòn với hai bên là đồng lúa xanh mơn mởn có mương nước nhỏ thả bông súng tím, tôi cứ hít hà mùi hương đồng cỏ nội trong vắt sớm mai.
Người bạn đồng hành - đã từng về qua cồn Chim nhiều lần - nói rằng dân xóm cồn làm nông nghiệp xanh nên nồi cơm nấu bằng gạo cồn Chim xuất hiện trong bữa cơm “thuận thiên” cũng đúng nghĩa là hạt ngọc tinh khiết của trời. Tôi ngắt một nhánh lúa đòng đòng, cho vào miệng day day, hương lúa non dịu ngọt.
Về đồng, có những lúc thấy lòng mình như được trở về thơ ấu. Năm ấy, đôi bàn tay bé con cũng rất thích tước lúa trổ đòng đòng, mùi vị của dòng sữa ngọt từ nhánh lúa non có khi trở về trong những giấc mơ. Nghe thương nhớ lắm.
Buổi chúng tôi đến, nhà cô Huyền đang làm cơm đãi khách. Trong bếp, các dì các chị thoăn thoắt nhặt rau, toàn là các loại rau sạch hái trong vườn. Ngoài bờ ao, các chú các anh ngồi nướng cá lóc. Mùi khói và mùi thức ăn thoang thoảng hương quê đủ khiến người con xa đồng ruộng đã lâu chạm đến những hồi ức bùi ngùi.
Người cồn Chim đón khách không cao lương mỹ vị nhưng những món ăn từ thiên nhiên ngọt lành ở nơi này đã là sản vật quý giá rồi. Tôi vẫn nhớ hoài hình ảnh chị Đẹp bưng rổ hái lá sâm sau hè. Bụi lá sâm mọc rậm rì, leo thành giàn sum suê.
Chị nói sâm dễ trồng, cứ thế mà phát triển qua bao mùa, trở thành vườn sâm xanh um. Ở nhà phố, dễ gì có được “đặc ân” như vậy. Sâm vò là món tráng miệng, tôi ăn một bát còn thơm mùi lá, vẫn thèm một bát nữa. Ở xứ cồn, món ăn nào cũng khiến tôi muốn ăn thêm, không chỉ vì ngon mà còn vì biết đó là những món ăn thanh sạch nhất.
|
Món bánh lá mơ ở cồn Chim |
Thiên nhiên ngọt lành
Thưởng thức xong bữa cơm “thuận thiên” với canh chua cá lóc, cá lóc nướng trui cuốn bánh tráng, đọt bí xào tỏi, rau lang luộc… chúng tôi ra ngồi trên phản, trong vườn dừa nhìn ra đồng lúa xanh đang thì con gái tiếp tục uống nước dừa, rôm rả trò chuyện, hào hứng chụp ảnh.
Thiên nhiên miền Tây Nam Bộ cho con người mọi thứ, nguồn nước, tôm cá, thức ăn, sản vật… Phút dừng chân ở xóm cồn, tự hỏi, cuộc sống yên ả thanh lành này chẳng phải là mong ước của bao người đã thấm thía cái ồn ào, bon chen, mệt mỏi ở phố thị đó sao?
Trong nhà cô Ba Sữa (một trong những hộ tham gia làm du lịch cộng đồng ở cồn Chim) có món bánh lá mơ - còn gọi là bánh rau mơ. Người thành phố đã ăn đến no căng bụng rồi mà vẫn còn muốn ăn thêm.
Lá mơ trong vườn, hái xuống xay nhuyễn, lấy nước cốt trộn với hỗn hợp bột năng, bột gạo và nước cốt dừa. Sau đó, ướp gia vị (đường, muối) vừa ăn, cán mỏng bột lên lá mít (hoặc lá dừa), cho vào xửng hấp khoảng 15 phút rồi vớt ra dùng nóng.
Trong gian bếp sạch sẽ tươm tất, mùi bánh lá mơ thoang thoảng, bếp lửa hồng luôn được chăm củi đều tay. Tôi cứ ngồi bên bếp lửa, hít hà mùi hương của món ăn - mà thật ra là để có được cảm giác trở về những thanh tao ngày cũ, với bếp lửa hồng trong ngôi nhà mái lá giữa cánh đồng. Những món ăn của đồng ruộng dân dã mà quý giá đến như vậy.
Quà mang về từ cồn Chim không có gì ngoài các loại khô cá và… bần ổi. Những mâm bần ổi được sắp xếp hết sức đẹp mắt, điểm xuyết bông mai, bông bí, hoa giấy cho thêm màu sắc. Bần ổi là món dân dã, không có bán ở các chợ trong thành phố. Nhưng loại quả mọc dại ven sông này dễ khiến người ta thèm thuồng khi nhắc đến.
Quả bần xanh, cắt làm tư làm tám, chấm muối ớt. Ai ăn được mắm ruốc, mắm cái thì lại càng thú vị. Ngoài ra, quả bần ổi cũng có thể dùng để nấu canh chua, trộn gỏi hoặc om dưa cá.
Quán nhỏ xóm cồn một ngày khách ghé qua, những đặc sản có thể nói là “được thu gom hết”. Ai cũng muốn mua chút quà quê mang về thành phố. Tôi mua một rổ sơ ri quả nào quả nấy căng bóng, tròn lẳn vừa được hái trong vườn.
Thiên nhiên ngọt lành đến lưu luyến. Khoảnh khắc phải rời đi, khách cứ ngoái nhìn mãi xóm cồn, nơi ấy các dì các chị các em nhỏ đứng trên bờ vẫy tay chào. Mắt bỗng dưng cay…
|
Cồn Chim thanh bình xinh đẹp |
Ăn và nhớ
Chú Cao Văn Lùng - chủ vườn dừa sáp ở huyện cầu Kè - dắt chúng tôi đi thăm vườn dừa rộng hàng ngàn héc-ta. Chú ra “thử thách”: đố anh chị em nào chọn được đúng trái vừa cơm, đến độ có thể thu hoạch được thì chú tặng luôn trái dừa đó.
“Kiến thức” có vẻ rất cơ bản đối với người miệt vườn nhưng người thành phố cứ loay hoay, chọn đại, “hên thì trúng”. Tôi vừa cắn quả ổi xá lị ngọt lịm vừa đoán già đoán non nhưng không trúng quả nào.
Dừa sáp không cao, những cây sai quả trái oằn ngang tầm mắt. Mỗi trái dừa sáp được bán với giá dao động khoảng 150.000-200.000 đồng. Món ăn giải nhiệt này có thể được dùng kèm với sữa, đá bào xăm xắp.
Chúng tôi đã được thưởng thức món dừa sáp thơm ngon bùi béo ấy bằng muỗng dừa (vật dụng đựng thức ăn từ vỏ quả dừa đã được làm sạch phần xơ bên ngoài). Buổi “bưng” phần dừa sáp ngọt mát ra vườn ngồi ăn, tôi cứ thấy mình như đứa trẻ năm nào.
|
Món thạch thốt nốt mát lành |
Những món ăn ngon cứ vương vấn mãi trên đầu môi. Món nào cũng đầy dư vị. Như buổi sáng ở nhà cô Hai Diễm (huyện Trà Cú). Gia đình để dành những quả thốt nốt cuối mùa làm món thạch chè thốt nốt (ăn với nước đường, nước cốt dừa) và món bánh dẹp thốt nốt sầu riêng.
Quả thốt nốt chín được bổ đôi, lấy phần thịt, vò kỹ với nước, rồi bỏ xác chắt lấy phần nước thốt nốt đã vàng mịn. Cho cốm dẹp vào tẩm, cùng với sầu riêng. Trên vuông sân nhỏ, người làm thoăn thoắt, những vắt cốm dẹp liên tục trao tay thực khách.
Ấn tượng nhất là tinh thần sống xanh, nói không với rác thải nhựa của một bộ phận người dân đất Trà Vinh. Từ cồn Chim cho đến những nơi chốn tôi đi qua, người dân làm du lịch, đều giữ ý thức cùng nhau góp phần bảo vệ môi trường. Dù chưa thể nói được điều gì về sự lan tỏa của việc “sống xanh cùng du lịch”, nhưng những cố gắng của cộng đồng cũng là điều tích cực, đẹp đẽ và đáng trân trọng.
Bùi Tiểu Quyên