Thanh lịch không chỉ đến từ áo quần

23/10/2017 - 08:15

PNO - Người dân ngán ngại nhất là tất cả công chức rồi đây sẽ ăn mặc như hoa, “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” nhưng hồ sơ giấy tờ, những quyền lợi thiết thân của họ vẫn “án binh bất động”, hành hạ công dân “lên bờ xuống...

Có lần, tôi đi làm giấy tờ, chị cán bộ tiếp nhận hồ sơ ngó qua một lượt rồi nói: “Xong, đây là giấy hẹn, đến ngày đó anh tới, sẽ có kết quả trả lời”. Chưa kịp cảm ơn thì chị nói: “Anh bấm nút đánh giá giúp tôi”. Đó là phần mềm đánh giá thái độ phục vụ của công chức, căn cứ vào đó mà xếp loại họ và cơ quan, sau đó sẽ công bố mức độ hài lòng của người dân để xếp thi đua. 

Tính tôi hay cắc cớ, bèn hỏi: “Không bấm được không?”. “Dạ được, nhưng anh làm ơn cho ý kiến”. Đại khái là hài lòng, không hài lòng và không có ý kiến nào khác, thứ tự một, hai, ba. Tôi nói: “Bấm nút thứ ba được không?”. Chị này bẽn lẽn: “Tùy anh, nhưng cái này là đánh giá, xếp loại”. Tôi bèn bấm phím 1, hỏi được không, chị nở nụ cười... thu hoạch.

Thanh lich khong chỉ den tu ao quan
Sở Nội vụ đã trình UBND TP bộ quy tắc ứng xử, áp dụng cho cán bộ, công chức, người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn TP

Cho điểm cao nhất, vì tôi hài lòng với thái độ phục vụ lẫn cách làm việc chuyên nghiệp, chứ không phải ngó nhìn áo quần người ta. Ai đi làm công chức, bước ra khỏi nhà đều phải biết mình phải ăn mặc ra sao cho đúng tác phong. Ngay cả trẻ em cũng biết nên mặc thế nào khi đi chơi, đi học. Cho nên, việc Sở Nội vụ TP.HCM mới đây, yêu cầu công chức phải ăn mặc chuẩn, không áo thun quần jeans là hoàn toàn chính đáng.

Có điều, chớ nên vội vàng chỉ liếc qua chuyện ăn mặc mà phán, vì đi cùng nó là yêu cầu về hành xử văn hóa công sở, nhất là trong bối cảnh không ít công chức vô cảm, ăn nói với người dân bằng giọng vỉa hè; hành hạ, yêu sách, đòi hỏi này nọ; rồi trong cùng cơ quan, ứng xử giữa nhân viên với nhau, lính với sếp cũng chưa chuẩn mực.

Đừng nghĩ nhà nước đến mức phải làm chức phận mẹ cha, yêu cầu con cái vốn đã thành “ông này bà nọ” rồi phải ăn mặc này kia, nói năng ra sao, mà đây là quy định để công chức xem lại mình.

Từ ăn mặc gọn gàng đến tự điều chỉnh hành vi khi tiếp xúc với người khác, tưởng chừng là xa, nhưng gần lắm. Y phục thẩm mỹ, nói năng thanh lịch sẽ gây thiện cảm. Nhưng, chừng đó là chưa đủ. Người dân luôn phán xét và yêu cầu các công bộc của mình phải “y phục xứng kỳ đức”, “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. 

Một khi sự đòi hỏi tự thân về thẩm mỹ lẫn giá trị văn hóa đích thực về hành xử  không được công chức ý thức trọn vẹn, một khi yêu cầu về cái đẹp hình thức lẫn nội dung trong một môi trường hành chính thời buổi văn minh bị nhập nhèm, thì nhà nước sẽ chế tài. Nhưng, đã làm thì làm cho tới, đi kèm đánh giá, xử lý.

Người dân ngán ngại nhất là tất cả công chức rồi đây sẽ ăn mặc như hoa, “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” nhưng hồ sơ giấy tờ, những quyền lợi thiết thân của họ vẫn “án binh bất động”, hoặc “vẽ rắn thêm chân”, hành hạ công dân “lên bờ xuống ruộng”. 

Cải cách hành chính, đó là yêu cầu bức bách. Nhưng, đã thay đổi thì phải toàn diện từ trong ra ngoài. Một nền hành chính chuyên nghiệp là ở đó, công chức hiện ra như là cánh cửa rộng mở đón nhận và giải quyết những yêu cầu của công dân, của xã hội bằng trách nhiệm, hiệu quả, với thái độ thân thiện, tôn trọng. 

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Thanh lịch không chỉ đến từ áo quần. Tôi nhớ nụ cười của chị công chức kia. Tôi nghĩ chị hài lòng, bởi chị xứng đáng được vậy. Khi mình thân thiện, lịch sự, hãy nghĩ người được đầu tiên chính là mình. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI