Trẻ tại mái ấm Tình Mẹ 1 đang ăn cơm chiều
Bấp bênh, nguy hiểm
Mái ấm Mây Bốn Phương nằm trong con hẻm trên đường Nguyễn Thị Nê (ấp Phú Hòa, xã Phú Hòa Đông, H.Củ Chi), do đôi vợ chồng khiếm thị - anh Lê Văn Đến, chị Bùi Thị Kim Loan, gây dựng được bảy năm. Mái ấm thực chất là căn nhà cấp bốn cũ kỹ cùng dãy nhà trọ 10 căn cưu mang các mảnh đời. Bảng hiệu mái ấm đã được tháo, chỉ còn tấm bảng nhỏ ghi dòng chữ “Xin các nhà hảo tâm tham quan và giúp đỡ”.
Mây Bốn Phương hiện cưu mang hơn 30 người khiếm thị và khoảng tám trẻ mồ côi, cơ nhỡ từ hai đến chín tuổi. Nhóm người khiếm thị sống trong những căn phòng sát nhau, mỗi căn chưa đầy 9m2, chật chội, ẩm thấp. Riêng nhóm trẻ mồ côi được bố trí trong căn phòng 20m2 tù túng, làm nơi sinh hoạt, ăn ngủ, nhà vệ sinh dơ bẩn và bốc mùi hôi. Một bé trai khoảng bảy tuổi, người gầy nhom, không mặc quần và bị xích tay chân. Cậu bé có gương mặt ngây ngô, hướng mắt nhìn khách rồi bước tới nhưng bị ngã xuống sàn nhà trơn trượt, dính phân. Hai người già khiếm thị và một người đàn ông trung niên đang nấu ăn, cho biết “nó bị bệnh tâm thần, sẽ có người chuyên môn lo cho nó”.
Một người cơ nhỡ tá túc tại đây cho hay cậu bé này được nuôi dưỡng, cho ăn ngủ chung với những trẻ bình thường. Mỗi tối có người lớn ngủ chung để canh chừng, vì sợ cậu bé cắn những đứa trẻ khác.
Anh Lê Văn Đến cho biết, hầu hết mọi người trong mái ấm đều được hỗ trợ chi phí ăn ở, được tạo công ăn việc làm. Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động dựa vào việc cho thuê dàn nhạc và một số anh chị em đi làm nghề đấm bóp kiếm thêm. Tuy nhiên, mái ấm thường rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền nong, nhất là vào những thời điểm có nhiều trẻ bị bệnh, trong khi các khoản hỗ trợ của nhà hảo tâm rất ít, không thường xuyên. Vợ chồng chủ mái ấm cũng khó khăn khi có bốn con nhỏ đang tuổi ăn học. Do thiếu kinh phí nên mái ấm không thuê bảo mẫu, nhân viên y tế đủ kiến thức, trình độ. Việc chăm sóc trẻ chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của chính người lớn sống cùng mái ấm hoặc bà con hàng xóm.
Trẻ nhỏ tại mái ấm Pháp Lâm (H.Hóc Môn) được mang ra ngoài sáng để tránh muỗi khi trời chập tối
Mái ấm Pháp Lâm (ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn) cũng không có bảng hiệu, nằm giữa cánh đồng trống, đường vào lầy lội đầy ổ gà. Nhà nuôi trẻ, nhà bếp, nhà nghỉ được lợp bằng lá dừa, tường gạch, sàn gạch. Khi chúng tôi đến, các bé lớn đang khiêng những chiếc chõng tre đặt các bé nhỏ hơn, ra phía ngoài nơi có ánh sáng để tránh muỗi.
Bà Hiền Thanh xưng là chủ mái ấm, cho biết: mái ấm được lập ra từ 25 năm trước lúc chưa có đường vào, phải đi bằng ghe, ban đầu dạy học miễn phí cho trẻ nghèo. Từ năm 2006, nơi đây bắt đầu nhận nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Hiện mái ấm nuôi 11 trẻ, nhỏ nhất ba tháng tuổi, lớn nhất 11 tuổi.
Nhân sự chăm sóc các bé chỉ có bà Thanh và một người nữa, lo từ việc nấu nướng, cho ăn đến thay tã, uống sữa, và cả việc đưa đi bệnh viện. Cơ sở nằm sâu trong cánh rừng tràm nên rất ít người biết đến, thỉnh thoảng mới có vài nhà hảo tâm đến thăm. Nguồn thu chính của mái ấm là từ vườn tràm 10 ha, ba-bốn năm thu hoạch một lần.
Ngoài ra, một số trẻ được mái ấm nuôi nấng, nay trưởng thành cũng trở về hỗ trợ chút ít. Y tế không. Bảo mẫu không. Cấp cứu khó khăn. Nhà ở không đảm bảo, có nguy cơ tốc mái, giật sập khi mưa to gió lớn. Xung quanh mái ấm còn có nhiều ao lớn không rào chắn, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ.
Chị Huyền, nhân viên mái ấm Hoa Hồng (Tỉnh lộ 8, xã Tân Thạnh Tây, H.Củ Chi) cho biết mái ấm do xơ Nguyễn Thị Mỹ quản lý, chưa được cấp phép do không đủ cơ sở vật chất. Diện tích của cơ sở chỉ vỏn vẹn 120m2 với năm phòng gồm hai phòng ngủ (mỗi phòng hơn 30m2) cho hai nhóm trẻ khuyết tật não, tay chân, một phòng cho trẻ mầm non và hai phòng còn lại dành cho y tế và nơi làm việc.
Toàn bộ sinh hoạt từ vui chơi đến ăn uống của trẻ đều diễn ra ở sân gạch chưa đầy 70m2. Dù điều kiện của mái ấm này khá hơn hai cơ sở kể trên, nhưng vẫn quá tải khi chỉ có 14 nhân viên chăm sóc hơn 90 trẻ, trong đó hơn một nửa là trẻ khuyết tật. Để giảm tải, mái ấm này phải thuê một ngôi nhà khác ở tận Long An để nuôi dưỡng 30 trẻ lớn.
Mái ấm La Vang (đường 5F, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) cũng phải thuê thêm căn nhà ba tầng đối diện để chuyển trẻ sơ sinh và mầm non sang chăm sóc riêng. Mái ấm nuôi dưỡng 78 em mồ côi, cơ nhỡ từ sơ sinh đến 18 tuổi trong căn nhà thuê bốn tầng khá khang trang. Chị Anh, người quản lý chính ở đây cho biết, mái ấm có 10 người trực tiếp chăm sóc các bé, trong đó hai người phụ trách nhóm mầm non gồm 25 bé. Hầu hết phòng ngủ, nơi sinh hoạt của các bé đều được bố trí tại các tầng 1, 2, 3, rất dễ xảy ra sự cố té ngã.
Mái ấm Tình Mẹ 1 nằm trong con hẻm đường Phan Văn Trị phía sau nhà thờ Đức Tin, P.10, Q. Gò Vấp do nữ tu Hàn Lệ Thúy quản lý, cũng hoạt động không phép nhiều năm nay. Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, hơn 10 bé, bốn quản lý và các mẹ bầu đang quây quần bên bàn ăn. Chị Phúc, một trong 10 người chăm sóc các bé cho biết, mái ấm hiện đang nuôi dưỡng 20 bé độ tuổi mầm non. Mái ấm còn có hai cơ sở khác, một nuôi dưỡng nhóm trẻ trên năm tuổi và một cưu mang các mẹ bầu lầm lỡ. Tất cả ba cơ sở đều phải đi thuê. Không chỉ chật hẹp, thiếu không gian sinh hoạt, vui chơi cho các bé, mái ấm cũng thiếu kinh phí hoạt động nhất là những khi các mẹ bầu sinh mổ hay các bé đau bệnh cùng một lượt…
Trẻ tại mái ấm Tình Mẹ 1
Giải thể những mái ấm không đủ điều kiện
Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) TP.HCM, thành phố vẫn còn 21 mái ấm chưa có phép, trong đó hai cơ sở có quyết định hoạt động, còn lại 19 cơ sở được hướng dẫn hoàn tất các thủ tục trình cấp thẩm quyền xem xét. Hầu hết các cơ sở đều thuộc tổ chức tôn giáo, đối tượng tiếp nhận là trẻ em, người cao tuổi và người khuyết tật.
Ông Giang cho biết: “Hiện Sở đã yêu cầu các quận, huyện rà soát tất cả các mái ấm trên địa bàn mình quản lý. Quan điểm của chúng tôi là cơ sở nào chưa có phép nhưng điều kiện hoạt động, chăm sóc đối tượng đảm bảo thì hướng dẫn thủ tục để thành lập mái ấm theo quy định. Các cơ sở chưa có phép nhưng không đủ điều kiện hoạt động thì phải chấm dứt, giải thể”.
Ông Giang khẳng định việc giải thể sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của các đối tượng. Cụ thể, với các đối tượng có thân nhân, có nguyện vọng hồi gia sẽ được hỗ trợ hồi gia, trường hợp thân nhân không có điều kiện chăm sóc hoặc không có thân nhân thì sẽ được chuyển đến các cơ sở bảo trợ do Nhà nước quản lý. “Quá trình trước và sau khi chuyển, đối tượng sẽ được tư vấn tâm lý, tìm hiểu các khó khăn, nguyện vọng để giải quyết xác đáng”, ông Giang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (H.Hóc Môn), một người làm thiện nguyện, sáng lập website maiamgiuadoi.com, cho rằng: “Nuôi dưỡng, cưu mang một đứa trẻ không chỉ là nuôi cho chúng lớn lên về chiều cao, cân nặng mà quan trọng là nuôi nhân cách, bồi dưỡng tâm hồn để các em trở thành người tốt cho xã hội.
Việc tư nhân chung tay cùng Nhà nước giúp đỡ các mảnh đời khó khăn là cần thiết nhưng phải hoạt động trong khuôn khổ, đúng quy định, mọi người cùng nhau giám sát để mái ấm ngày càng tốt hơn vì thực tế một số mái ấm cho nhận con nuôi khá dễ dãi, một số trẻ ra vô không rõ số lượng, ai biết được chúng đi đâu, về đâu…”.
Theo ông Lê Văn Khá, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Củ Chi, huyện còn bốn cơ sở nuôi dưỡng trẻ hoạt động không phép. Các mái ấm thỉnh thoảng được kiểm tra để làm rõ nguồn gốc, nhân thân trẻ, hướng dẫn chủ cơ sở làm giấy khai sinh để các bé được đi học và hoàn thiện các thiếu sót để được cấp phép theo quy định. “Mái ấm được cấp phép sẽ dễ quản lý và hoạt động bài bản hơn. Chúng tôi tạo điều kiện để các cơ sở tư nhân hoạt động nhưng phải đảm bảo theo quy định. Các cơ sở nuôi dưỡng trẻ nếu quá tệ dứt khoát sẽ kiến nghị giải thể”, ông Khá cho biết.
Ông Hoàng Công Hợp, Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Tân cho biết, quận này còn 12 cơ sở nuôi dưỡng người già, trẻ em chưa có phép, trong đó nhiều cơ sở nuôi trẻ không có người đủ chuyên môn chăm sóc y tế, sức khỏe, dinh dưỡng… “Chúng tôi ủng hộ những mái ấm đủ điều kiện chung tay cùng Nhà nước chăm lo những mảnh đời bất hạnh. Với những mái ấm không đủ điều kiện, dựng lên chỉ nhận tài trợ thì dứt khoát kiến nghị dừng hoạt động”, ông Hợp nói.
THU HỒNG