Thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người khu vực Nam bộ

23/12/2024 - 14:23

PNO - Số ca ghép tạng ở Việt Nam trong mỗi năm cao nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nguồn tạng chủ yếu đến từ người cho sống.

Sáng 23/12, Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM và Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã tổ chức hội thảo truyền thông, vận động hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi.

Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến - Chủ tịch Hội Vận động hiến mô và bộ phận cơ thể người Việt Nam - cho biết, Việt Nam hiện có 28 bệnh viện được Bộ Y tế cấp phép đủ điều kiện ghép thận, gan, tim. Trung bình mỗi năm thực hiện khoảng 1.000 ca ghép thận, 100 ca ghép gan. Tính đến hiện tại, có 90 ca ghép tim, 13 ca ghép phổi, 2 ca ghép tụy, 2 ca ghép ruột non được thực hiện.

Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghép gan cho một bệnh nhi - Ảnh do bệnh viện cung cấp
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 2 ghép gan cho một bệnh nhi - Ảnh do bệnh viện cung cấp

Mỗi năm, Việt Nam thực hiện trên 1.000 ca ghép tạng, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhưng nguồn tạng chủ yếu đến từ người cho sống, số lượng hiến từ người chết não thấp nhất trong khu vực.

“Thực tế này trái ngược với các quốc gia khác. Trong khi đó, hàng ngàn người bệnh suy tạng giai đoạn cuối vẫn đang mòn mỏi chờ đợi tạng phù hợp để kéo dài sự sống”, phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến, đối với các đơn vị tư vấn hiến tạng và điều phối ghép tạng, chức năng quan trọng là chủ động phát hiện người bệnh chết não hoặc chết tim tiềm năng, tư vấn gia đình người bệnh đồng ý hiến tạng sau khi qua đời, báo cáo với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia sau khi có nguồn tạng hiến.

PGS Nguyễn Thị Kim Tiến (áo dài) cùng các đại biểu phát động chương trình Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi - Ảnh Phạm An
Phó giáo sư Nguyễn Thị Kim Tiến (áo dài) cùng các đại biểu phát động chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi" - Ảnh: Phạm An

Việc vận động hiến tạng là một quá trình đòi hỏi sự công phu và kiên nhẫn để thay đổi nhận thức của người dân, gia đình, xã hội. Nguồn tạng từ người hiến đã qua đời được sử dụng công bằng, công khai, minh bạch để cứu người.

Theo phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Chi hội trưởng Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người khu vực Nam bộ - riêng năm 2024 có 36 trường hợp ghép tạng từ người cho chết não, là con số cao nhất từ trước đến nay. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm chỉ có từ 10-11 người chết não hiến tạng và năm 2023 tăng lên 16 trường hợp.

“Việc mở rộng mạng lưới vận động sẽ giúp tăng nguồn mô tạng từ người cho chết não, cứu được nhiều người bệnh hơn nữa.

Bên cạnh đó, các bệnh viện trong mạng lưới sẽ chia sẻ kinh nghiệm ghép tạng, liên kết nguồn lực, công khai minh bạch việc hiến và ghép tạng”, bác sĩ Bắc nói thêm.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI