Thanh Hóa: Vợ chồng giáo viên "mất việc" cùng 1 ngày, về chăn lợn, nuôi gà

09/07/2016 - 12:09

PNO - Nhiều thầy cô rơi tình cảnh trớ trêu, không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn lâm vào khủng hoảng tâm lý.

Thực hiện các chỉ đạo về việc tinh giản biên chế, ngày 27/6, Huyện uỷ Vĩnh Lộc ra thông báo số 139-TB/HU với nội dung "Dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp đã hết hạn hợp đồng đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện cho đến khi có chủ trương chính thức của tỉnh". Thông báo này cũng chỉ đạo: Xây dựng cơ chế cụ thể hỗ trợ người lao động trong thời gian tìm công việc mới.

Thực hiện thông báo này, ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc ra thông báo số 98/TB-UB về việc dừng ký lại hợp đồng với đối tượng hợp đồng lao động hưởng lương từ ngân sách huyện, trong đó có 376 giáo viên. UBND huyện này cũng chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trường học gặp gỡ, trao đổi, động viên giáo viên tìm công việc mới.

Ngày buồn nhất: 2 vợ chồng cùng nhận thông báo "mất việc"

Chị N.N.H (giáo viên dạy môn Công nghệ tại trường THCS) cho biết, 376 thầy cô hợp đồng này bất ngờ được gọi lên hội trường huyện Vĩnh Lộc nhận thông báo tạm dừng ký tiếp hợp đồng (đối với những thầy cô đã hết hạn hợp đồng). Và như vậy, đây có lẽ trở thành ngày mà thầy cô này cảm thấy sốc và buồn nhất.

Thanh Hoa: Vo chong giao vien
Hàng trăm giáo viên trẻ, tâm huyết bỗng chốc thất nghiệp (Ảnh: Lao động).

Mỗi thầy cô có những hoàn cảnh khác nhau, họ là những người đã có nhiều năm công tác, cống hiến trong sự nghiệp giáo dục, nhiều giáo viên đã có thâm niên đứng trên bục giảng 9-12 năm và rất yêu nghề, thông báo như "sét đánh ngang tai".

Chị N.N.H bùi ngùi chia sẻ: "Buồn lắm! Trước đó một ngày, người ta gọi điện về trường thông báo các thầy cô làm việc hợp đồng ngày mai lên hội trường huyện họp.

Gia đình tôi có 2 người đều theo ngành giáo và đều hợp đồng. Hôm đó, tôi không đi được, chỉ có chồng tôi (anh T.H.T, đang là giáo viên thể dục của trường Tiểu học) đi lên huyện cùng các thầy cô khác thôi. Nhận được thông báo này về nhà anh bảo vợ con, chúng tôi buồn và thất vọng lắm".

Theo như chị H., anh chị về trường giảng dạy cũng được 9,10 năm nay (anh T. về trường từ năm 2006; còn chị về công tác tại ngôi trường này từ năm 2007).

"Trước đây đi làm giáo viên cũng đã vất vả vì đồng lương hợp đồng sau khi trừ bảo hiểm cũng chẳng còn lại bao nhiêu, tính ra được 1 triệu 1 trăm/ tháng, vợ chồng tôi cũng đã phải chăn nuôi lợn, gà để kiếm tiền cho sinh hoạt gia đình, nuôi dưỡng 2 cháu nhỏ", chị H. nói.

"Công ty may nhận theo thời vụ... chúng tôi ở nhà chăn nuôi thêm lợn, gà"

Chia sẻ về dự định hiện tại, chị H. cười trừ không biết phải trả lời sao, chần chừ mãim chị cho biết, chị mới sinh cháu thứ hai được 5 tháng nên cũng chưa thể đi làm, chưa thể tính chuyện lâu dài được.

"Vợ chồng chúng tôi ở nhà chăn nuôi lợn gà, kiếm thêm thu nhập... Hiện tại chúng tôi chưa có kế hoạch tiếp theo nên làm gì để trang trải cuộc sống ngoài chăn nuôi, bởi vì tôi vừa sinh xong, cháu còn nhỏ, 2 vợ chồng cũng đã ngoài 30 nên xin việc cũng khó", chị H. nói.

Được biết, sau khi nhận tin về việc ngừng ký hợp đồng, nhiều giáo viên trẻ đã xin đi làm tại công ty may trên địa bàn, nhưng theo chia sẻ của chị H., muốn vào đó làm cũng không dễ, vì họ có chỉ tiêu của họ về độ tuổi, tay nghề.

"Cũng có một số người trẻ còn có thể đi làm công ty may trên địa bàn nhưng họ lại nhận thời vụ thôi chứ không làm chính  thức. Và chỉ tiêu của họ là những người trên 30 tuổi thì họ không nhận, tức là họ không nhận biên chế của công ty mà nhận làm thời vụ thôi, khi nào có việc thì người ta gọi", chị H. cho biết.

Được biết, không chỉ gia đình chị H. anh T. rơi vào hoàn cảnh trớ trêu này, nhiều thầy cô khác, gia đình giáo viên khác cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn như anh chị. Các giáo viên này mong muốn phía huyện có hướng giải quyết giúp họ thoát khỏi giai đoạn khó khăn này.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI