PNO - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (1/8/1930-1/8/2020) và 70 năm thành lập Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn (11/1949-11/2019), Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - về những đóng góp của ngành tuyên giáo cùng những thách thức trên mặt trận tư tưởng trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phóng viên: Thưa ông, năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, trong đó có kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống ngành tuyên giáo. Ông có thể nêu một số thành tựu qua 90 năm xây dựng và phát triển của một bộ phận quan trọng trong tuyên truyền, lý luận chính trị, củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam?
Ông Phan Nguyễn Như Khuê: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức được rằng công tác tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu, là một bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ rất sớm đã nhấn mạnh: “Công việc thành hay bại đều do tư tưởng và lề lối làm việc đúng hay sai”. Với vai trò đặc biệt và sự quan tâm từ rất sớm của Bác Hồ, của Đảng, ngành tuyên giáo qua 90 năm trưởng thành đã có những đóng góp quan trọng trong việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân.
Công tác tuyên giáo cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài của Đảng và Nhà nước. Từ đội ngũ này mà việc giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các phong trào cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Có thể nói, 90 năm dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng và Bác Hồ, công tác tuyên giáo của Đảng có thể đúc kết một số bài học lớn. Đó là sự kiên định và trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bài học thứ hai là biết phát huy sức mạnh của nhân dân, gần dân, dựa vào dân để làm công tác tuyên giáo; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, bám sát cơ sở. Thứ ba, là không ngừng đổi mới, sáng tạo, trách nhiệm; luôn nâng cao tính chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo; bám sát thực tiễn, kịp thời dự báo, định hướng tư tưởng chính trị, tạo sự thống nhất nội bộ và đồng thuận xã hội trong quá trình triển khai chủ trương, đường lối của Đảng. Và thứ tư, là quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có nghề, có bản lĩnh, tâm huyết, có tri thức và phương pháp, năng lực công tác khoa học, thực tiễn, đáp ứng các yêu cầu công tác trong mọi tình huống.
* Theo ông, đâu là những thuận lợi, khó khăn đối với công tác tuyên giáo trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế?
- Đúng là công tác tuyên giáo trong tình hình hiện nay có nhiều thuận lợi song cũng không ít khó khăn, thách thức gay gắt, phức tạp. Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới làm thay đổi căn bản mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân; tình hình an ninh chính trị cơ bản được giữ vững; quốc phòng an ninh và công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều diễn biến phức tạp khó lường, có mặt mang thách thức lớn nhưng nhìn chung được đảm bảo, tiềm lực được nâng lên. Đặc biệt là uy tín, vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao.
Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo trên khắp các lĩnh vực, trong đó có đội ngũ những người làm báo ngày một tăng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tuy nhiên, thách thức khó khăn cũng không ít. Sự phát triển của công nghệ, nếu ta không nắm bắt được, thì sẽ trở thành thách thức. Mặt trận đấu tranh tư tưởng hiện nay phần lớn trên không gian mạng, thậm chí đã trở thành môi trường tác chiến thứ năm trong chiến lược an ninh trong tình hình mới giữa các quốc gia. Thông tin thì đa chiều, đan xen mà các cơ quan chức năng đang từng bước hoàn thiện giải pháp quản lý phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, những khó khăn, thách thức mang tính chất truyền thống vẫn còn nguyên tác động, thậm chí gay gắt hơn như những mặt trái của kinh tế thị trường dẫn đến những tiêu cực xã hội, chênh lệch khoảng cách giàu nghèo, xung đột lợi ích. Tình trạng tiêu cực, vi phạm pháp luật, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên… gây mất niềm tin trong dân; các thế lực thù địch lợi dụng khai thác, tuyên truyền, xuyên tạc… Đó là những vấn đề không mới nhưng luôn là “đối tượng” mà công tác tuyên giáo phải giải quyết, khắc phục.
Hai nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thị Quyết Tâm và Thân Thị Thư trong chuyến về nguồn tại Côn Đảo
* Thưa ông, trong thời đại 4.0, các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo là gì để việc tuyên truyền đến người dân đạt được hiệu quả tốt nhất trong bối cảnh có nhiều “luồng thông tin” như hiện nay?
- Chúng ta đang từng bước tận dụng công nghệ, nhất là không gian mạng như là một giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đội ngũ cán bộ tuyên giáo ngày càng tiếp cận, nâng cao trình độ và kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin vào công tác. Và đó là điều hết sức cần thiết. Các sản phẩm tuyên truyền được xây dựng với hình thức đổi mới, thực hiện bằng công nghệ thông tin hiện đại; sau đó được lan truyền trên không gian mạng; tận dụng các trào lưu, hình thức, phong cách tích cực từ mạng để đa dạng hóa sản phẩm tuyên truyền. Các tư liệu, tài liệu mang ý nghĩa truyền thống, lịch sử được số hóa và chia sẻ.
Phát huy vai trò số đông các thành viên trên mạng xã hội… cũng như các sản phẩm báo chí, bên cạnh sản phẩm truyền thống là báo giấy, hiện nay các cơ quan báo chí đã tăng cường hoạt động báo điện tử, các trang fanpage trên các mạng xã hội phổ biến, đa dạng các sản phẩm truyền thông đa phương tiện để mở rộng không gian và số lượng, thúc đẩy nhanh thời gian, tần suất tiếp cận thông tin của người đọc, người xem. Cách tiếp cận mới là phù hợp và cần tiếp tục hoàn thiện thêm, cũng có thể coi như là một kinh nghiệm để đổi mới phương pháp tuyên giáo.
* Ông có thể đưa ra các đề xuất, nhiệm vụ nào trọng tâm cần đặt ra đối với công tác tuyên giáo hôm nay?
- Vấn đề có ý nghĩa quyết định là việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương khóa XII, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu… phải thật sự nghiêm túc, thực chất; sự gương mẫu nói đi đôi với làm của cán bộ lãnh đạo; sức chiến đấu, tinh thần tự phê và dám phê bình của từng đảng viên tại từng chi bộ. Để những hạn chế, khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra và khắc phục ngay từ khi mới manh nha, khi hậu quả chưa lớn, mức độ chưa nghiêm trọng; người mắc lỗi còn có thể sửa chữa lỗi lầm.
Trong nhiệm vụ này, báo chí - với tư cách là một lực lượng trong binh chủng tuyên giáo - cũng có vai trò rất quan trọng.
* Xin cảm ơn ông.
Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng. Ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên Ngày quốc tế đỏ 1/8.
Sau khi phát hành, tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.
Đánh giá cao sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.