Cách trung tâm Sài Gòn chừng 2km nhưng Thanh Ða như một vùng đất lạ với nhiều nét hoang sơ, cư dân chân chất. Nếu xem tính cách của cư dân là bản sắc của đô thị thì nơi đây hội đủ các yếu tố để có thể tạo nên “đặc sản” của Sài Gòn, và vì thế, quy hoạch Thanh Ða không nên xổ tung hết mà hãy như dân làm ruộng, chỉ phát quang bụi rậm, dọn bờ thửa. thay áo cho đất không phải hốt hết bỏ đi mà phải giữ lại, thêm phân, thêm nước, lọc và thải những gì cần, để đất trở dạ tươi mới mà không đánh mất mình…
Tôi ngạc nhiên quá đỗi vì không thể ngờ rằng ngay tại Sài Gòn, những người dân sống cách nhau tới mấy cây số vẫn biết nhà nhau. Ðó là khi tôi hỏi đường tới nhà anh Quy, chủ một quán ăn nhỏ ở bán đảo Bình Quới - Thanh Ða (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), vào một chiều cuối năm 2019. Do nhầm đường, thay vì chạy vào con hẻm 480 trên trục đường Bình Quới (P.28, Q.Bình Thạnh) tôi lại chạy vào một con hẻm khác cách đó khá xa và loay hoay không tìm được nhà.
Ðợi lâu, chưa thấy tôi đến, anh Quy sốt ruột gọi điện hỏi: anh tới đâu rồi, đi qua cái cầu sắt nhỏ chưa? Tôi nói đã đi qua rồi. Anh Quy dặn tiếp: vậy là đúng đường rồi, cứ chạy thẳng gần cuối đường thấy tấm biển nhỏ ghi quán Ngoại, rẽ vào là tới. Tôi chạy mãi, tới mấy cây số mà chẳng thấy quán Ngoại đâu. Gặp mấy người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trò chuyện trước cổng nhà, tôi dừng xe hỏi đường kiểu hên xui. Không ngờ, người đàn ông mặc quần cụt, ở trần chỉ rành rọt: “Ði vào hẻm này là lộn đường rồi nhưng không sao, chú chạy đến cuối đường gặp cái đình thì quẹo phải, chạy một đoạn nữa có ngã ba thì quẹo phải tiếp, chạy thêm chừng cây số nữa là tới. Mà cái quán của anh em thằng bé Ba hình như nghỉ bán rồi thì phải”.
Theo hướng dẫn của người đàn ông đứng tuổi, tôi tìm được tới quán Ngoại khá dễ dàng. Thì ra trên đường này cũng có một cái cầu sắt nhỏ và quang cảnh hao hao giống chỗ tôi bị lạc. Nhà cửa ở đây thưa thớt, cách vài trăm mét mới có một căn. Hình như nhà nào cũng có vườn rộng, có hồ cá, ao sen. Tôi đến Bình Quới - Thanh Ða nhiều lần nhưng không hình dung phía sau những dãy nhà đông đúc dọc theo trục đường lớn lại chẳng khác gì sông nước miệt vườn. Cảnh vật ở đây hoàn toàn tương phản với bên kia sông, nơi chỉ toàn nhà phố cao tầng mọc lên san sát.
Tôi thắc mắc vì sao người dân sống cách xa tới mấy cây số lại biết nhà nhau, anh Hà Quốc Quy nhoẻn miệng cười hiền hành, giải thích: “Ở đây toàn dân gốc, dây mơ rễ má bà con họ hàng nên biết nhau hết trơn à. Những người không họ hàng bà con nhưng sống gắn bó lâu năm cũng gọi nhau thân thiết với danh xưng cậu, mợ như trong gia đình vậy”.
Tôi thắc mắc sao anh lại có tên bé Ba, anh Quy lại cười khúc khích: bé Ba là tên gọi của mình lúc nhỏ. Nhà có bốn anh em, mình thứ ba nên gọi là bé Ba. Giờ đã hơn 40 tuổi nhiều người vẫn quen gọi như thế. Anh đưa mấy ngón tay lên đếm nhẩm, rồi nói tiếp: “Gia đình mình sống ở đây đã năm - sáu đời rồi. Bà con ở đây cũng vậy, gia đình nào cũng đều sống tới mấy đời”.
Nhìn những chòi lá vắng hoe bên mấy cái ao cá, tôi hỏi quán nghỉ bán rồi à, anh Quy gật đầu: “Ừ, nghỉ rồi. Bán quán thu nhập cũng được nhưng ồn ào nên không thích. Nghỉ bán tạm một thời gian rồi tính tiếp”. Chúng tôi đang trò chuyện thì có người chở thức ăn cho cá tới. Tiếng máy xe làm cho bầy cò trắng đậu trên bụi cây ở mép sông giật mình bay chấp chới. Không ngờ ở đây vẫn còn nhiều cò như thế, nhưng anh Quy lại trầm tư, nói với giọng đầy tiếc rẻ: “Lúc trước, chỗ này chim gì cũng có, cá cũng đầy nhóc. Nói đâu xa, chừng 20 năm trước, chỗ khúc sông này mình thường xuyên bắt được cua to, tôm càng xanh, cá bống dừa… Giờ thì cá tôm hết rồi, có lẽ tại nước sông ô nhiễm quá. Chim chóc cũng ngày càng ít đi…”.
Bốn mặt giáp sông, với tổng diện tích rộng hơn 427ha, Bình Quới - Thanh Ða là bán đảo lớn nằm sát trung tâm Sài Gòn. Nơi đây hiện có hơn 3.000 hộ dân sinh sống, trong đó có rất nhiều gia đình đã sống qua nhiều đời, đất vườn rộng lớn. Nếu lấy sông Sài Gòn là “xương sống” để quy hoạch đô thị, bán đảo Bình Quới - Thanh Ða là một vùng đất ở hạ lưu còn hoang sơ, chưa bị đô thị hóa tàn khốc như khu vực Q.2, Q.7. Dù Bình Quới - Thanh Ða đã được UBND TP.HCM phê duyệt thực hiện dự án khu đô thị sinh thái vào năm 1992 nhưng đến nay dự án này vẫn chưa thực hiện. Qua 28 năm, bán đảo vẫn còn trong tình trạng quy hoạch “treo” khiến người dân luôn có cảm giác sống tạm, phập phồng.
Khi tôi đề cập đên dự án khu đô thị Thanh Ða có thể sẽ khởi động lại, anh Quy chạnh buồn: “Khu này bị quy hoạch “treo” hơn 28 năm rồi, bà con ở đây chỉ mong quy hoạch được xóa bỏ. Mình nghĩ, thực hiện khu đô thị sinh thái không nhất thiết phải thu hồi đất của dân. Tại sao phải thu hồi đất, phải phá vỡ cảnh quan tự nhiên rồi sau đó lại xây dựng những mô hình bắt chước cảnh quan đã mất”.
Vì thế, dù được bà ngoại để lại hơn 10.000m2 đất nhưng anh Quy không muốn bán hay giao cho dự án. “Với giá thị trường bây giờ, khu đất của mình bộn tiền. Nhưng mình cũng như nhiều bà con nơi đây muốn giữ lại đất đai của ông bà, để tiếp tục sống một cuộc sống giản dị, bình yên”, anh Quy bộc bạch.
Từng làm hướng dẫn viên du lịch và quản lý ở khách sạn lớn, nhưng những năm gần đây anh Quy nghỉ việc để thực hiện kênh YouTube về thiên nhiên hoang dã. Mới đây, anh mua một chiếc ghe nhỏ, rong ruổi khắp các dòng kênh, sông, rạch ở Sài Gòn để quay những cảnh đẹp cũng như tìm kiếm những món ăn đồng quê để giới thiệu lên kênh YouTube của mình. Thu nhập từ công việc này đủ anh trang trải cho một gia đình nhỏ, vợ chồng và hai cô con gái.
“Nhờ đi quay phim làm YouTube mình mới phát hiện cảnh ở Bình Quới - Thanh Ða bình yên và đẹp không thua gì những vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Dân ở đây lại sống rất lâu đời, chân chất. Nếu bị đô thị hóa như những nơi khác, Thanh Ða sẽ mất đi nét đẹp hoang sơ vốn có mà không gì có thể bù đắp được”, anh Quy chia sẻ.
Tôi tìm đọc các tài liệu nghiên cứu về bán đảo Bình Quới - Thanh Ða nhưng có rất ít thông tin về vùng đất này, nhất là các nghiên cứu về đặc tính cư dân. Trong hàng chục tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển đô thị Sài Gòn từng đọc, tôi nhớ tác giả Quang Dương (nguyên Trưởng ban Tâm lý học - Viện Nghiên cứu giáo dục và đào tạo phía Nam) có nói một ý rằng, khi nhìn vào Sài Gòn - Hòn Ngọc Viễn Ðông để khám phá vùng đất này, chúng ta không nên tự mãn rằng, đây là vùng “đất vàng” hay “kim cương” mà các nhà hoạch định chiến lược phải biết phát hiện, khơi dậy và làm thăng hoa những nét “văn hóa vàng” - những phong cách sống và văn hóa sống mà không vàng bạc nào có thể mua được. Ðó là phong cách sống thoáng đãng, tự do, bao dung, quảng đại… của người dân Sài Gòn.
Cũng có người nói rằng, với tình trạng đô thị hóa, Sài Gòn rồi cũng giống như những thành phố hiện đại khác trên thế giới. Ðiều có thể làm nên sự khác biệt chính là tính cách của cư dân đô thị. Xét ở góc độ này, tính cách của cư dân đô thị chính là bản sắc của Sài Gòn chứ không phải là những công trình lịch sử như Dinh Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành hay Bưu điện Trung tâm Sài Gòn… Nếu như nơi nào cũng bị thu hồi đất để xây khu đô thị, thì không những cảnh đẹp tự nhiên như Thanh Ða sẽ mất dần mà cốt cách Sài Gòn cũng sẽ nhạt phai. Khi đó, liệu người dân có cảm thấy hạnh phúc hay không?
Có một nhà kinh tế học đến một ngôi làng nọ, ông ngạc nhiên khi thấy một ngư dân chỉ đánh bắt một lượng cá nhỏ đủ nuôi sống gia đình, thời gian còn lại ông sống nhàn nhã bên vợ con. Nhà kinh tế gợi ý với ngư dân rằng, ông sẽ đầu tư tàu lớn và các trang thiết bị hiện đại giúp tăng sản lượng đánh bắt cá và giúp ngư dân từng bước trở nên giàu có… Người đánh cá hỏi lại: vậy đến khi đó, tôi sẽ nhận được gì? Nhà kinh tế nói, lúc đó ông sẽ được tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã bình yên bên gia đình. Nghe đến đây, người đánh cá nhoẻn miệng cười: “Ô, chẳng phải đó là cuộc sống hiện tại của tôi đấy sao?”.
Cũng giống như câu chuyện ở bán đảo Thanh Ða, có nhất thiết phải xây dựng khu đô thị không, có cần thiết phải bắt người dân rời xa hay đổi thay cách sống trên mảnh đất mà họ đã gắn bó bao đời? “Sao không quy hoạch hệ thống đường bộ chất lượng, xóa dần các phương tiện chạy bằng động cơ xăng dầu, thay thế bằng xe điện hay xe đạp để bảo vệ môi trường cho bán đảo Thanh Ða? Tại sao không giữ lại cảnh đẹp tự nhiên ở đây rồi trồng thêm nhiều cây xanh và cây ăn trái? Khi đó, chẳng cần phải xây dựng khu đô thị sang trọng hay làm khu du lịch cao cấp gì cả. Hãy nghĩ đến cảnh cuối tuần bà con sống ở khu trung tâm Sài Gòn ngột ngạt ra đây hưởng thụ không khí trong lành, trẻ nhỏ có chỗ vui chơi hái hoa, bắt bướm, câu cá… là đã thấy Thanh Ða đáng giá đến ngần nào!”, anh Quy lại trăn trở khi nói về quy hoạch khu đô thị ở Bình Quới - Thanh Ða.
________________
Trung Thanh
Kỹ thuật: Ngô Tới