“Giáo dục giá trị con người (GTCN) là chương trình khơi gợi và phát huy những phẩm chất hay lòng tốt bên trong đứa trẻ. Để tránh cho giáo dục GTCN chỉ còn là một môn buộc học sinh (HS) phải học cho dù thích hay không, chúng tôi cố gắng khiến nó trở nên thú vị, sinh động. Trong nhiều trường hợp, giáo viên (GV) cùng với HS ra quyết định về những gì chúng sẽ học”.
Con gái Kỳ Nam, sinh viên khoa âm nhạc Đại học North Park (Chicago, Mỹ) dự khóa học hè ở trường Sathya Sai ở tỉnh Lopburi, Thái Lan gọi điện cho tôi, giọng đầy hào hứng: “Mẹ qua đây thăm con đi. Mẹ sẽ khám phá một nơi chốn bình yên nhất trái đất...”. Thế là tôi cùng con trai Đức Nam có mặt tại trường này.
Dạy trẻ thành những con người tốt bụng và trung thực
Sáu giờ kém, Kỳ Nam gọi chúng tôi dậy, sang phòng “Praying Hall” dự lễ cầu nguyện. Chúng tôi ngồi thiền trong tiếng cầu kinh trang nghiêm. Sau khoảng 30 phút, các em được xem những đoạn phim chuyển tải sinh động về giáo dục môi trường, cách ứng xử yêu thương…
|
Niềm vui trong học tập và thực hành của các học sinh trường Sathya Sai, Lopburi, Thái Lan |
Kết thúc lễ cầu nguyện, các em đến nhà ăn dùng bữa sáng. Hầu hết lãnh đạo trường, từ GV, khách tham quan đều cùng ăn chay với các em. HS rất ngoan, xếp hàng trật tự lấy thức ăn. Chợt tất cả dừng lại, nhanh chóng đứng ngay hàng thẳng lối, đọc bài kinh cảm tạ.
Triết lý giáo dục của trường thật đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Trường thành lập với mục đích giúp trẻ em nâng cao nhận thức, để phát triển thành những con người tốt bụng và trung thực, những con người sẽ kiến tạo xã hội yêu thương và quan tâm nhau hơn. Mặc dù trường tuân thủ giáo trình quốc gia Thái Lan, các phẩm chất con người được tích hợp vào mọi khía cạnh của chương trình học thuật và sinh hoạt hàng ngày.
Trường cũng là trọng điểm học tập kinh tế tự cấp tự túc - một triết lý do đức vua Bhumipol Adulyadej sáng tạo nhằm khuyến khích người dân sống bền vững, cân bằng và điều độ. Kết quả là, HS và GV học cách sống giản dị, dựa trên những phẩm chất vĩnh hằng: tình yêu, chân lý, chính nghiệp, thanh thản và phi bạo lực”.
“Con đã tìm thấy hạnh phúc và bình yên”
Tôi gặp bà Loraine, một GV người Anh, đã có hơn 20 năm gắn bó với trường ngay trong căn phòng bà dạy học. Khi được hỏi cơ duyên nào từ Anh, bà đã đến Thái Lan, hiến đời mình cho sự nghiệp giáo dục ở trường Sathya Sai, bà rất mở lòng, kể một câu chuyện dài về mình.
Bà xuất thân trong một gia đình thượng lưu. Năm 1980, bà cùng chồng đến Thái Lan. Chồng bà làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Bà bộc bạch: “Trước khi đến Thái Lan, tôi đã đến nhiều nơi ở châu Á. Năm 1983, tôi đến Ấn Độ dự hội nghị EHV (Education in Human Values - Giáo dục trong GTCN) và rồi sau đó, tôi quyết định dâng hiến cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục.
|
Cô Laurent (giữa, áo trắng) có hơn 20 năm gắn cuộc đời với trường Sathya Sai. Cô không có con nhưng cô hạnh phúc vì có một gia đình lớn với rất nhiều học sinh xem cô như mẹ |
Quả là thế giới có quá nhiều vấn đề. Cách giải quyết vấn đề từ gốc là nuôi dạy HS theo một cách mới. Giáo dục các GTCN là một phương pháp giáo dục cổ vũ. Triết lý giáo dục Educare, được khai sáng bởi Sri Sathya Sai Baba, hiệu trưởng của một số trường cao đẳng và đại học uy tín nhất của Ấn Độ.
Từ “Educare” trong tiếng Latin có nghĩa là khơi gợi và rút ra từ bên trong. Nói cách khác, là phát huy những tiềm năng bên trong đứa trẻ, chứ không chỉ nhồi nhét kiến thức. Tôi được chinh phục bởi triết lý ấy. Chúng ta rất khác nhau nhưng vẫn là một. Dù có tôn giáo hay không, chúng ta vẫn phải thực hành tôn giáo của tình yêu thương!”.
Tôi hỏi: “Khi quyết định ở lại Thái Lan, bà gặp những trở ngại gì?”. Bà chân thành kể: “Lúc đầu, gia đình tôi rất sốc. Nhưng sau khi từ Thái Lan về Anh, mọi người thấy tôi thay đổi hẳn: hạnh phúc, tươi vui, thanh thản hơn. Từ đó, mẹ tôi hiểu và ủng hộ, kể cả cha tôi”.
Mô hình giáo dục của “con người đặc biệt”
Một con người khiến tôi nghiêng mình ngưỡng mộ khi được gặp, đó là ông Jum Sai - hiệu trưởng trường Sathya Sai, Thái Lan. Xuất thân từ hoàng gia, du học sang Mỹ, được tuyển dụng làm việc cho NASA, có cuộc sống được nhiều người mơ ước nhưng sau khi gặp Sathya Sai Baba ở Ấn Độ, ông từ bỏ công việc điều khiển những con tàu vũ trụ, về Thái Lan, tìm đến vùng đất xa xôi ở Lopburi để xây dựng một trường học với mô hình giáo dục nhằm nâng cao GTCN.
Thật thú vị khi nghe ông nói về sức ảnh hưởng của con người đặc biệt Sathya Sai Baba: “Năm 1980, tôi tìm đến Ấn Độ, gặp Baba. Lần đầu tiên gặp ông, người tôi run lên vì luồng ánh sáng, giống như cảm giác tôi nghĩ về ông lúc ở Thái Lan. Lúc đó, tôi biết Baba đã gọi tôi.
Lần gặp sau, tôi chuẩn bị 20 câu hỏi để phỏng vấn ông. Ông nói “đừng hỏi”, rồi ông bắt đầu trả lời những câu hỏi trong đầu tôi. Tôi cảm nhận ngay tức khắc, ông là một con người thật đặc biệt. Con người đặc biệt ấy nói với tôi: “Tôi có một trường đại học ở Ấn Độ nhưng suốt cuộc đời, tôi dành tâm lực cho việc dạy dỗ những học trò nhỏ vì những đứa trẻ là tương lai của thế giới”. Tôi hiểu và về Thái Lan, mở trường theo mô hình của Baba”.
Tôi hỏi: “Nhưng mô hình giáo dục từ con người đặc biệt ấy có gì đặc biệt?”. Ông mỉm cười đôn hậu: “Thế giới càng có quá nhiều người thành đạt nên càng cần đền những con người tốt để kiến tạo xã hội. Giáo dục GTCN là chương trình khơi gợi và phát huy những phẩm chất hay lòng tốt bên trong đứa trẻ. Để tránh cho giáo dục GTCN chỉ còn là một môn buộc HS phải học cho dù thích hay không, chúng tôi cố gắng khiến nó trở nên thú vị, sinh động.
Trong nhiều trường hợp, GV cùng với HS ra quyết định về những gì chúng sẽ học; một dự án hay chủ đề sẽ được chọn, rồi GV và HS cùng làm việc với nhau để khám phá môn học và thu thập nhiều kiến thức, thông tin hơn. Trong quá trình đó, HS, với sự hướng dẫn của GV, phát hiện những giá trị hay bài học vốn tồn tại trong vạn vật. Nhiều kỹ thuật sư phạm có thể được áp dụng trong các lớp giáo dục GTCN, như ngồi thiền, cầu nguyện, đồng ca, hoạt động nhóm, kể chuyện…
Mục đích của những lớp này là giúp HS phát hiện các giá trị từ trong bản thân, giúp HS cải thiện hành vi, trở nên hạnh phúc hơn, thanh thản hơn và lớn lên thành những nhân tố biết yêu thương, có trách nhiệm và biết chia sẻ trong xã hội”.
|
Con thuyền gắn cờ tổ quốc được đoàn sinh viên quốc tế kéo qua sân khấu sau mỗi phần trình diễn của sinh viên |
Nuôi dậy học sinh miễn phí bằng nguồn “tự cấp, tự túc”
Tôi hỏi: “Với mô hình giáo dục ưu việt, mới mẻ nhưng ít phổ biến như thế, HS của trường có hội nhập với trình độ chung của giáo dục trong nước và thế giới?", ông Jum Sai tự tin nói: “Trường đào tạo các em nhỏ từ bậc tiểu học đến trung học. 100% HS của Sathya Sai tốt nghiệp trung học vào đại học, được học bổng du học nước ngoài”.
Gần 300 HS nội trú, được nuôi dạy miễn phí, nhà trường lấy kinh phí từ đâu? Ông Jum Sai từ tốn: “Chúng tôi tự sản xuất ra mọi thứ cho nhu cầu của trường. Chúng tôi trữ nước mưa trong một hồ lớn và xử lý để sử dụng. Kể cả nước thải cũng được giữ lại và tái sử dụng cho hoạt động nông nghiệp. Chúng tôi tự trồng và thu hoạch lúa, rau củ quả đủ cho HS, GV, công nhân viên dùng suốt năm. Chúng tôi còn sản xuất xăng sinh học để cung cấp chất đốt cho mọi phương tiện giao thông trong trường. Và chúng tôi sản xuất điện mặt trời, bán điện cho nhà nước để góp thêm nguồn kinh phí cho trường”.
Theo ông, điều cốt lõi gì làm nên sự thành công của nhà trường? Mô hình này có quá khó để nhân rộng? “Vai trò của GV có tầm quan trọng cốt lõi. Giáo dục GTCN là chương trình có thể áp dụng ở mọi trường học, với mọi giáo trình. Nó là sự tích hợp các giá trị vào mọi môn học và hoạt động, cũng là những bài học riêng biệt về đạo đức. Để chương trình thành công, quan trọng là GV phải làm ví dụ tốt trong việc thực hành các phẩm chất. Thật sự HS học rất ít từ những gì GV nói, mà đa phần từ những gì GV làm. Làm nên sự thành công của trường, cần một yếu tố quan trọng nữa, đó là phụ huynh. Phụ huynh cần phải hành động thống nhất với những gì GV thực hành ở trường. Trẻ em là tương lai của chúng ta. Nếu ta muốn bảo đảm một tương lai tươi sáng cho thế giới, ta phải cho trẻ em cơ hội trưởng thành trong bầu không khí thấm nhuần các giá trị nhân đạo”.
Một tuần ở lại trường, tôi có nhiều dịp trải nghiệm những gì ông Jum Sai chia sẻ. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong học tập và cuộc sống hàng ngày của các em. Tôi cũng nhìn thấy tình yêu thương của những bậc làm cha mẹ đến thăm con vào những ngày nghỉ. Các em rất ngoan, gặp tôi là chắp tay chào, chia sẻ cùng tôi những câu chuyện ước mơ. Quyển sổ tay của tôi đặc kín tên tuổi và ước mơ vào ngày mai, những ước mơ thánh thiện được các em nâng niu trên trang giấy và tôi tin những ước mơ đẹp như chuyện cổ tích sẽ là điều có thật.
Trầm Hương