Thành cổ trên núi Lam Thành trước nguy cơ bị lãng quên

09/03/2024 - 13:16

PNO - Với địa thế “tựa sơn, vọng thủy”, làng mạc trù phú nên Lam Thành từng giữ vị trí chiến lược quan trọng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Song trải qua thời gian, thành cổ này chỉ còn sót lại một số tàn tích, đang dần bị lãng quên.

Lam Thành hay còn gọi là thành Rum nằm trên đỉnh núi Lam Thành cao hơn 150m (xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). 

Đường lên thành Rum được đổ bê tông một đoạn chừng 300m - Ảnh: Phan Ngọc
Đường lên thành Rum được đổ bê tông một đoạn chừng 300m - Ảnh: Phan Ngọc

Theo sử sách, khi nắm binh quyền, Hồ Quý Ly (1336-1407) chú trọng huấn luyện quân đội đề phòng quân Minh xâm lược. Ông củng cố các địa bàn chiến lược ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh, bố trí người thân tín trấn giữ. Từ năm 1397 trở đi, Hồ Quý Ly cho người đắp thành Rum.

Năm 1406, sau khi nhà Minh đưa quân sang xâm lược nước ta, núi Lam Thành bị giặc chiếm đóng. Quân Minh đã xây dựng trên núi này một hệ thống thành lũy kiên cố làm nơi đóng quân, phong tỏa cả vùng đồng bằng rộng lớn của Nghệ An, Hà Tĩnh.

Nội thành Nghệ An rộng khoảng 1km2, được xây dựng từ chân núi lên đỉnh núi theo hình tam giác, gồm thành phía đông và thành phía tây. Tường thành được xếp bằng đá phủ đất theo hình thang cân, đáy lớn khoảng 3,5m, đáy nhỏ 1,5m, cao 3,5m.

Khu vực nội thành Rum rộng khoảng 1km2 - Ảnh: Phan Ngọc
Khu vực nội thành Rum rộng khoảng 1km2 - Ảnh: Phan Ngọc
Trải qua nhiều tác động của thiên nhiên và con người, Lam Thành dần bị xuống cấp, chỉ còn sót lại một số tàn tích - Ảnh: Phan Ngọc
Trải qua nhiều tác động của thiên nhiên và con người, Lam Thành dần bị xuống cấp, chỉ còn sót lại một số tàn tích - Ảnh: Phan Ngọc

Cũng chính nơi đây đã ghi dấu sự kiện quan Ngự sử Nguyễn Biểu (1350-1413) được vua Trần Trùng Quang cử làm sứ cầu hòa, gặp Quan tổng binh nhà Minh là Trương Phụ để thương thuyết nhưng không thành.

Ngự sử Nguyễn Biểu bị giặc trói dưới cầu Yên Quốc (bắc qua một nhánh của sông Lam) cho thủy triều dìm chết. Để tưởng nhớ ông, nhân dân vùng Lam Thành sau đó lập đền thờ ông ở Lam Thành.

Theo cuốn Nghệ An ký, khi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh, Lê Lợi chọn An Tĩnh là vùng chiến lược để rèn binh. Thành Rum là địa điểm quân sự quan trọng mà 2 phe đều đặt mục tiêu đoạt lấy để làm căn cứ địa và phần thắng nghiêng về phía Lê Lợi. Sau hơn 2 năm chiêu binh mãi mã trên núi, Lê Lợi lập được đại quân thiện chiến, tấn công vây hãm và tiêu diệt quân Minh ở Nghệ An.

Trong suốt hơn 370 năm (1428-1801), Lam Thành là trấn lỵ của vùng Nghệ An. Ngoài di tích Thành cổ, còn có hàng chục đền, chùa được xây dựng xung quanh như: đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Tuyên Nghĩa Hầu, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê, chùa (đền) An Quốc, chùa Ông, chùa Mụ... Năm 1962, quần thể di tích núi Lam Thành được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Ông Hồ Sỹ Đóa (70 tuổi, trú xã Hưng Thành) cho biết, thời kháng chiến chống Mỹ, xung quanh thành cổ có nhiều đơn vị đóng quân. Vì thế, khu vực này bị máy bay địch bắn phá, ném bom rất ác liệt. Sau hòa bình, khu vực này lại bị ảnh hưởng bởi công trình khai thác quặng. Trải qua nhiều tác động của thiên nhiên và con người, Lam Thành dần bị xuống cấp, chỉ còn sót lại một số tàn tích.

Xung quanh núi Lam Thành có khá nhiều ngôi đền - Ảnh: Phan Ngọc
Xung quanh núi Lam Thành có khá nhiều ngôi đền - Ảnh: Phan Ngọc
Một số đền bên trong bám đầy bụi trên các bàn thờ - Ảnh: Phan Ngọc
Các bàn thờ bị bám đầy bụi - Ảnh: Phan Ngọc

Là một trong những di tích được công nhận sớm nhất ở Nghệ An, song ngày nay di tích này gần như rơi vào quên lãng. Thỉnh thoảng, có nhiều nhóm bạn trẻ kéo nhau về đây chơi, chụp hình check-in nhưng chỉ vì cảnh quan đẹp, chứ ít ai biết đến lịch sử của nó.

Một lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, hiện Nghệ An có hơn 480 di tích trong tổng số 2.602 di tích đã được xếp hạng. Trong số này có 145 di tích cấp quốc gia, số còn lại là cấp tỉnh. Riêng di tích núi Lam Thành hiện chưa có kế hoạch trùng tu, phục hồi. “Tỉnh cũng rất quan tâm đến vấn đề tôn tạo di tích lịch sử. Tuy nhiên, ngân sách tỉnh còn khó khăn, mỗi năm chỉ bố trí được hơn 13 tỉ đồng nên chưa thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay” - lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Nghệ An nói.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI