Đàn ông kiểu gì họ cũng chê được. Người tốt trăm bề họ cũng tìm được vài mặt để chê.
Trong một câu chuyện “người tốt việc tốt” mười mươi, họ cũng soi ra được vài ba chi tiết đặng than thở. Kiểu như đang nằm phòng hồi sức hậu phẫu, thoi thóp thở, mà hễ thấy người đàn ông vừa với tay làm gì đó cho mình, cũng phải gượng dậy chê một câu rồi mới nằm xuống… thở tiếp. Miễn người đàn ông đó là… chồng mình.
Chê chồng như một… triết lý hôn nhân
Cái nhóm kín gồm mấy chục ngàn chị em, đang “ế độ” thì bỗng dậy sóng khi có cô em vô nhờ tư vấn… bỏ chồng. Tôi càng bất ngờ khi nhận ra cô bé đang nỉ non ấy là người quen của mình. Em viết rất dài, rằng chồng em thụ động, không linh hoạt, dở giao tiếp, không biết nói chuyện, không chủ động… Em tự lý giải sự chán nản của mình là do em đã trót lấy chồng quá nhỏ tuổi, anh mới… 28 và “chỉ hơn em có một tuổi”. Rồi em kể về giai đoạn mới yêu, giải thích vì sao em cưới. Anh chồng là một kỹ sư giỏi, hết mực yêu thương vợ. Từ thuở mới yêu, anh đã gánh vác cuộc sống qua bao nhiêu lần em thất nghiệp.
Cưới nhau về, anh cũng một mực yêu chiều, vợ cần gì đều sẵn lòng đáp ứng. Biết vợ muốn mua nhà ở Hà Nội, anh chồng quyết thay đổi lối sống, cắt giảm hầu hết chi tiêu cá nhân để tiết kiệm tiền. Anh không biết nấu ăn, nhưng giai đoạn vợ mang bầu, anh sẵn lòng học để “cân” toàn bộ chuyện bếp núc cho vợ.
Đến đây, chúng tôi bắt đầu thấy… rối. Còn em thì đanh thép: “Anh sống hướng nội, chỉ trò chuyện với vợ chứ không hoạt bát khi gặp người ngoài, khiến em rất ngại mỗi lần dắt anh đi gặp bạn bè. Anh không tự biết làm việc nhà, việc gì quen rồi, biết rồi anh mới làm, còn hễ có việc mới là phải nhắc”.
Đỉnh điểm câu chuyện là mới đây, “chứng kiến chồng của cô hàng xóm dọn dẹp bếp núc, sắp xếp lại mọi thứ, đóng thêm kệ để trang trí lại căn bếp, em… chột dạ, thấy chồng mình chưa bao giờ được như thế. Toàn thụ động, vợ nói thì mới làm”. Em kết: “Phụ nữ cưới chồng là để được nương tựa, được bảo ban, chứ suốt ngày phải nhắc tuồng cho chồng thì hẳn là em đã lấy nhầm chồng rồi phải không các chị?”.
May là nhóm kín ấy cũng khá “chất lượng”, các chị em đều tỉnh táo bênh vực anh chồng, phân tích cho em gái thấy rằng, em đang “được voi đòi luôn thằng quản tượng”. Chê chồng cũng có trăm đường, nhưng chê kiểu “vạch lá tìm sâu” bằng cảm thức bi ai, rồi thấy thương thân mãnh liệt như cô em ấy thì quả là… tuyệt vọng. Thế mà “típ” này lại khá phổ biến trong giới “chị em chê chồng” mới tài.
Vùi dập để... chê
“Anh thì biết cái gì” là câu cửa miệng của một “típ chê chồng” khác. Kinh khủng hơn, câu ấy thường được bắn ra giữa chốn đông người, trước mặt bạn bè, thậm chí là họ hàng của hai bên. Kiểu này có thể đúc kết ngắn gọn giống như một chiêu thức “vùi dập để chê”. Kịch bản quen thuộc là hễ anh chồng nhiệt tình tham gia vào đề tài nào đó của cả nhóm hoặc khi anh sốt sắng phụ vợ việc gì đó mà anh vốn được vợ “quảng cáo” là “không bao giờ đụng tay vào” - thì cô vợ sẽ: “Thôi, anh thì biết cái gì”.
|
Ảnh minh họa |
Tôi nhớ có lần, mấy cặp vợ chồng thân thiết đang ngồi cà phê nói chuyện chăm con. Anh bạn tôi (vốn ít nói) trầm tư, bày tỏ quan điểm: “Anh nghĩ, nếu con khóc, mình cần kiểm tra mọi thứ xem con có đói, có bị ướt, có bị nóng/lạnh/đau đớn gì không. Nếu mọi thứ ổn thì cứ để con được khóc. Mình sốt sắng, luống cuống lên, lại tập cho con thói quen không tốt”.
Tôi còn chưa kịp thán phục sự hiểu biết của anh bạn vốn là chuyên gia máy tính thì vợ anh đã lanh lẹ: “Ủa, anh cũng quan tâm chuyện này hả?” - giọng đầy hoài nghi pha lẫn cười cợt. Câu nói mang hiệu quả bất ngờ. Anh chồng cười gượng rồi tiếp tục “không quan tâm” cho đến cuối cuộc trò chuyện.
Sau này, tôi rất cẩn trọng khi nhắc đến chồng trên Facebook. Những lúc vui, tôi mới dạt dào cảm hứng chia sẻ. Chồng tôi, nếu có xuất hiện trong đó, cũng vì ảnh đã làm điều dễ thương gì đó. Nhưng, tôi liên tục được cảnh tỉnh khi có những cô lẹ làng… “tag” chồng mình vào, kèm lời gửi gắm: “Vào mà xem chồng người ta nhé!” hay “bao giờ mình mới được vầy?”. Có cô bóng gió xa xôi: “Cùng một tuổi, cưới cùng một năm mà sao khác nhau thế này”. Cô bạn thân của tôi thì chỉ lẳng lặng gắn thẻ chồng bạn vào, không giải thích gì thêm. Tôi hiểu tinh thần của “cái tag” ấy.
Cách đây chưa lâu, tôi đăng hình căn phòng trống (vốn dành cho khách) trong căn hộ của mình, sau khi được chồng trang trí lại. Cô bạn cũng “tag” chồng vào, kèm bình luận: “Anh xem, căn phòng này anh từng ở hai đêm, giờ nó thay đổi thế nào. Còn anh tính làm giàn bông đậu biếc mà bao nhiêu năm rồi, đến nắm đất cũng chưa mua”. Tôi toát mồ hôi. Đúng là năm ngoái, vợ chồng bạn tôi đã ở căn phòng này, khi họ vào Sài Gòn. Nhưng sao phòng nhà tôi lại liên quan đến giàn hoa đậu biếc gì gì đó?
Tôi vội tắt chế độ công khai bài viết, vĩnh viễn chôn vùi kỷ niệm trang trí nhà cửa của vợ chồng mình vào kho bí mật. Với các “thánh chê chồng”, đôi khi chỉ cần nhắc đến chữ “chồng” giữa chốn đông người thôi, bạn có thể đã gây… nghiệp chướng.
Một thủ phạm, hai nạn nhân
Ngoài hình thức “giáp lá cà”, đánh trực diện vào chồng giữa thanh thiên bạch nhật, bệnh chê chồng biểu hiện rõ nhất ở thói quen kể xấu, than phiền, bỉ bai những thói tật của người đàn ông vắng mặt. Có người chỉ kể xấu chồng một thời gian, đến khi “trưởng thành”, lại biến những biểu hiện đó thành chuyện vui, kể chơi để chị em cùng cười.
Nhưng những thánh chê chồng thực thụ thì lại có siêu năng lực - có thể chê bai một thói xấu của chồng suốt mấy chục năm vẫn không hề chán, vẫn dạt dào “bi cảm”. Luôn có hai nạn nhân trong một cuộc chê chồng. Số một, dĩ nhiên là… anh chồng đó. Số hai chính là cô bạn thân hoặc bất kỳ người nào trót dại lại còn kiên nhẫn ngồi nghe.
Với những người kiên nhẫn, mấy “tâm sự chồng tệ” này nghe vào ngày thường thì không sao; nhưng nhằm ngày xấu trời, bản thân đang không vui mà phải nghe mãi thì cũng khó lòng chia sẻ, động viên. Tôi biết chồng của bạn mình khá ổn, nên luôn tìm cách vun vào, để cứu nguy người đàn ông “hễ mặt trời mọc là bị vợ đòi bỏ”, cũng là để giải tỏa bớt những ấm ức thường trực của bạn. Nhưng cứ qua một ngày là bạn lại chất thêm những muộn phiền mới. Anh chồng có tính hay quên, nên mỗi ngày đều khiến vợ “thất vọng đến mức tuyệt vọng”, vì “quên tắt điện khi ra khỏi nhà tắm”, “quên mang ví”, “quên chìa khóa nhà”.
Tôi phải tự dìm hàng mình, để an ủi bạn, rằng “tao cũng quên mang ví hoài, tuần nào cũng có ngày… mua chịu bánh mì của hàng quen, vì đến nơi mới biết quên ví”. Thế rồi hôm sau, tôi lại nhận tin nhắn thống thiết: “Tao chịu hết nổi rồi mày ạ, đàn ông ra đường mà đến cái chìa khóa nhà cũng quên thì còn làm được gì nữa”.
Tôi cũng… chịu hết nổi, đổi giọng nghiêm túc: “Ừ, chán thật, thôi mày ly hôn đi”. Bên kia gửi lại một biểu tượng gương mặt thất thần. Tôi cũng thông thái xuất thần: “Tính hay quên không phải cái gì quá nghiêm trọng, nhưng hễ mày đã thấy nghiêm trọng thì nghĩa là nó nghiêm trọng. Mày đừng chịu đựng nữa, ly hôn đi!”. Không có phản hồi. Một khoảng im lặng đầy… triết học. Tôi trở lại công việc của mình.
Đến trưa, người phụ nữ đòi bỏ chồng ban sáng lại lân la nhắn tin, kể vì phát hiện quên chìa khóa trên đường về nhà lấy tập hồ sơ (cũng) bị bỏ quên, anh chồng gọi điện cầu cứu vợ, rồi chạy sang công ty vợ… “vay” chùm chìa khóa. Khi quay lại chỗ vợ để trả chìa khóa, anh rủ vợ xuống quán dưới đường, uống cà phê.
Cô bạn kể xong những chi tiết vốn chẳng mấy khi xuất hiện trong những đoạn tâm sự hôn nhân, tẽn tò nói: “Thật ra thì lão… cũng được mày ạ. Phiền lên thì chê lão một chặp để giải tỏa bớt thôi, chứ tính ra mọi mặt lão đều tốt. Lão nhiều việc thế, gánh vác cả hệ thống phân phối của một công ty to, chịu trách nhiệm với hàng trăm con người thì quên mấy cái lặt vặt cũng phải. Không thì tao đâu theo lão cho tới bây giờ”. Tôi lúc này mới “vỡ lòng” một chân lý đầy trái ngang. Hóa ra, đôi khi người ta dành cả thanh xuân để chê chồng, cũng chỉ nhằm… giải trí thôi các mẹ ạ!
Minh Trâm