Thanh Bùi: “Nghệ sĩ Việt muốn ra quốc tế phải đi từ giáo dục”

21/09/2024 - 13:22

PNO - Theo ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi, nghệ sĩ Việt đang hòa nhập với thế giới thông qua YouTube hay mạng xã hội. Hướng đi này chưa bền vững.

Sau 12 năm hoạt động, mới đây, Thanh Bùi kiện toàn Học viện Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật Soul trở thành Học viện nghệ thuật đa lĩnh vực mang tên Soul Institute of Arts (SIA).

Thanh Bùi cho biết, sau thời gian dài làm trong lĩnh vực giáo dục và có quan sát thị trường, anh mong muốn tiếp tục hỗ trợ các tài năng trẻ có thể bước ra thế giới, học tập tại các trường nghệ thuật lớn.

Đến nay, với sự hỗ trợ của Thanh Bùi, đã có nhiều tài năng nhận được học bổng tại các trường nghệ thuật uy tín thế giới như Nguyễn Trọng Nhân tại Trường Idyllwild Arts Academy (Mỹ), Lê Phước Khang tại Interlochen Center for the Arts (Mỹ), Nguyễn Hàng Thy tại Berklee College of Music (Mỹ), Châu Mẫn Linh tại Jacobs School of Music (Mỹ)…

Tay trống Nguyễn Trọng Nhân từng gây sốt trên mạng xã hội nay theo học tại Trường Idyllwild Arts Academy (Mỹ)
Tay trống Nguyễn Trọng Nhân từng gây sốt trên mạng xã hội nay theo học tại Trường Idyllwild Arts Academy (Mỹ)

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết: “Các nghệ sĩ Việt chưa thật sự hòa nhập vào thế giới. Cách mình hòa nhập hiện tại là thông qua YouTube hay sự cởi mở của mạng xã hội. Nhưng tiêu chuẩn để hòa nhập với tôi phải nằm ở vấn đề tư duy.

Ở nước ngoài, đặc biệt các nước phát triển, âm nhạc nghệ thuật là phần không thể thiếu trong đời sống. Nếu các tài năng Việt được đi học, được làm việc, viết nhạc trong môi trường quốc tế cùng các nghệ sĩ Grammy chẳng hạn thì sau này trở về Việt Nam, các em sẽ mang tư duy khác. Từ tư duy mới mẻ có thể nâng giá trị, bản sắc Việt hơn nữa”.

Nhiều năm qua, Thanh Bùi tập trung làm giáo dục trong lĩnh vực giải trí, sáng tạo
Nhiều năm qua, Thanh Bùi tập trung làm giáo dục trong lĩnh vực giải trí, sáng tạo

Thanh Bùi cho biết, việc giữ bản sắc Việt khi ra quốc tế là cách hay để bạn bè các nước biết đến Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có thể dung hòa được giữa văn hóa bản địa và hơi thở âm nhạc thế giới thì sẽ dễ tiếp cận đông đảo công chúng hơn.

“Việt Nam muốn hòa nhập như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì vấn đề tư duy, nền tảng của chúng ta phải được đào tạo. Ví dụ như âm nhạc Hàn Quốc hay Nhật Bản, họ giữ bản sắc của mình nhưng vẫn hòa nhập được với thế giới. Họ làm được bởi họ hiểu tiêu chuẩn mà quốc tế cần và thứ mà họ đang có. Họ hòa trộn và cho ra những sản phẩm mà quốc tế cảm nhận được và cũng đúng bản sắc dân tộc của mình. Âm nhạc Việt Nam đang trải những giai đoạn mà Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã trải qua. Ở đây, tôi nghĩ mọi thứ phải thông qua giáo dục” - nhạc sĩ Thanh Bùi nói thêm.

Thời gian qua, nhạc Việt có nhiều tác phẩm nổi tiếng, gây sốt toàn cầu như See tình của Hoàng Thùy Linh, Hai phút hơn của Pháo, Dễ đến dễ đi của Quang Hùng MasterD... Các ca khúc vang lên tại nhiều nước và được nhiều nghệ sĩ quốc tế cover gây chú ý.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI