Thanh âm của bình minh đồi Thơm

28/11/2021 - 06:48

PNO - Dạo bước qua con đường rợp bóng cây, tôi ngửi được mùi thơm của lá tre đẫm sương mai lẫn mùi lá khô, cỏ non và cả mùi lá héo úa. Đã rất lâu rồi tôi mới nghe trong gió thoảng những mùi hương tinh khôi của rừng, của lá…

Chào chú hươu nhỏ phía cuối đồi

Đó là một ngày mưa phùn. Suốt những ngày tôi đến xứ “hoa vàng cỏ xanh”, Phú Yên cứ mưa rả rích. Tôi không chờ được đến ngày nắng để đi khám phá quả đồi xanh um đầy tiếng chim hót ấy.

Mặc kệ mưa, tôi che dù đi ra phía thung lũng - nơi nghe nói có rất nhiều cò trắng, là vùng đất nguyên sơ dành cho chim muông tự do trú ngụ. Đi hết con dốc trải nhựa là đến lối mòn, hai bên là rừng cây, chỉ có tiếng lá reo và tiếng chim. Thi thoảng nghe tiếng đập cánh của đàn cò, có khi thấy bóng dáng chúng trên những ngọn cây, bãi cỏ. Cảnh vật thật trong lành và bình yên. 

Con đường chạy bộ mỗi sớm mai  ảnh: Phương Huyền
Con đường chạy bộ mỗi sớm mai - Ảnh: Phương Huyền

Nửa năm rồi kể từ ngày dịch bệnh bùng phát ở Sài Gòn rồi lan ra các tỉnh, thành lân cận, tôi cũng như bao người đã trải qua quãng thời gian vô cùng căng thẳng. Giờ được đi giữa đất trời, nhìn ngắm vạn vật, cảm giác này quý giá biết bao nhiêu. Nơi tôi đang dạo bước là đồi Thơm - cách TP. Tuy Hòa (Phú Yên) khoảng 10km, xa khu dân cư.

Chuyến đi này, chúng tôi cũng chỉ cần như thế - lặng lẽ, yên tĩnh, để thiên nhiên tỏa bóng dỗ dành. Hừng đông, lũ chim ríu rít gọi tôi thức giấc, có cả tiếng bìm bịp kêu. Nghe nói đuôi chim bìm bịp càng dài nghĩa là chúng có tuổi đời càng cao.

Trên lối mòn phía triền đồi, tôi đã nhìn thấy một chú bìm bịp đuôi dài; còn lũ gà rừng thì dạn dĩ lang thang. Bọn gà rừng thong thả kiếm ăn, tôi thong thả nhìn ngắm chúng. Người và vật chia sẻ với nhau không gian xanh trong tôn trọng, hòa bình và thật ra, tôi biết ơn chúng vì đã cho tôi được nhìn thấy. 

Hôm trước, một thành viên trong đoàn chúng tôi chạy bộ ra phía thung lũng và chụp được bức ảnh chú ngựa trắng từ tốn gặm cỏ. Lần này, tôi không “gặp” được chú ngựa, đổi lại, tôi thấy một chú hươu đứng phía xa xa nhìn con người. Như một phản xạ tự nhiên, tôi giơ tay vẫy vẫy: “Xin chào hươu nhé!”.

Mẩu đối thoại có phần buồn cười vì chẳng có lời đáp nhưng tim tôi cứ đập rộn ràng khi quyết tâm đi trong mưa ra đến cuối đồi đã được đáp đền xứng đáng. Tôi cứ nhìn chú hươu nhỏ và mỉm cười, còn chú thì đứng ngơ ngác nhìn người khách lạ...

Trong vườn cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa
Trong vườn cây đỏ ở cao nguyên Vân Hòa

Phú Yên có những điểm đến nổi tiếng: gành Đá Đĩa, nhà thờ Mằng Lăng, đầm Ô Loan, Vũng Rô, mũi Đại Lãnh… Nhưng, thời dịch bệnh, chúng tôi hạn chế việc đến các khu du lịch.

Từ đồi Thơm, tôi nhìn thấy núi Chóp Chài được người xứ Nẫu ví như chú rùa mẹ đang bò ra biển (rùa con là núi Nhạn); ở khúc quanh của rừng cây, phóng mắt phía xa là biển; bên dưới thung lũng thấp thoáng những mái nhà.

Suốt những ngày lưu lại Phú Yên, cứ hừng đông thức giấc tôi lại lang thang ra triền đồi hái hoa dại, ngắm những con đường xanh mướt trong mưa, nghe tiếng chim ríu rít trên cành. 

Đi tìm gành đá dĩa trên cạn

Trên lối mòn dẫn vào chân núi, người dẫn đường phăm phăm đi trước, cả đoàn chúng tôi vạch lá lần theo. Đi một đoạn vài trăm mét qua lối mòn sình lầy, chúng tôi được thông báo rằng khó có thể đi tiếp. Ai đó tiếc rẻ: “Sao điểm du lịch mà lại không có đường đi thế này?”.

Mọi người lục tục quay ra, còn lại một số ít thành viên quyết tâm đi bằng được. Nơi mọi người muốn đến chính là gành đá dĩa trên cạn, vừa được phát hiện vài năm gần đây. Việc khai thác mỏ đá vô tình làm lộ ra những cột đá bazan với hình dáng như gành đá dĩa ở biển Tuy An: những cột đá xếp tầng thành từng vỉa tựa vào vách núi. Từ đỉnh núi, một dòng thác trắng xóa đổ xuống tạo nên một cảnh tượng thiên nhiên kỳ vĩ. 

Gành đá dĩa trên cạn thuộc địa phận xã An Phú, TP. Tuy Hòa. Đường vào chỉ là lối mòn, các “chỉ dấu” để ghi nhớ đường đi ở những ngã rẽ là “chỗ bụi chuối”, “chỗ cây đu đủ”… Du khách muốn khám phá cần chuẩn bị giày dép phù hợp hoặc chấp nhận lội chân trần qua những đoạn đường đất sình lầy vào những ngày mưa.

Nơi này được nhiều người gọi là “tuyệt tình cốc” của Phú Yên vì cho đến nay, vẫn chưa có nhiều người tìm đến. Giữa hoang vu bỗng phát lộ một tạo tác thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ.

Nhìn vẻ đẹp ngàn năm mới thấy của gành đá dĩa trên cạn, tôi chợt nghĩ biết đâu trong những nơi chốn hoang vắng nào đó trên dải đất hình chữ S này vẫn còn ẩn tàng những tuyệt tác mà con người chưa phát hiện. 

Toàn cảnh bãi Xép
Toàn cảnh bãi Xép

Trên đường từ gành đá dĩa trên núi trở về, khách cũng có thể ghé thăm vườn cây đỏ hơn 100 tuổi ở cao nguyên Vân Hòa. Đây là vườn dâu đất (còn gọi là dâu da đất), trái mọc thành chùm, có màu đỏ đậm, tạo điểm nhấn độc đáo cho khu vườn. Dâu đỏ ăn chua hơn dâu da xanh nhưng… lên hình rất đẹp. 

Du khách đến xã An Phú còn có thể ghé thăm bãi Xép - bối cảnh phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trở nên nổi tiếng sau khi bộ phim công chiếu.

Bầu trời Phú Yên tháng 11 cứ xám xịt và mưa dầm, bãi Xép nhìn không được xanh lung linh như trong những thước phim. Trên đồi, cỏ mọc dày và cao quá gối vì lâu ngày không có người lai vãng. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy khung cảnh thật đẹp và vô cùng phù hợp với bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. 

Người chủ quán cà phê ở bãi Xép nói chúng tôi là đoàn du lịch đầu tiên đến đây kể từ khi dịch bệnh bùng phát - không khác câu nói của người đầu bếp ở resort nơi chúng tôi lưu trú. Đồi Thơm, bãi Xép, Vũng Rô, mũi Đại Lãnh… vẫn thơ mộng, xinh đẹp nhưng vắng dấu chân du khách. Nhìn cảnh vật trước mắt, chúng tôi lặng lẽ buồn. 

Mùa này, đi đâu có lẽ cũng khó mà háo hức reo vui như ngày trước. Nơi nào cũng đang phải đối mặt với dịch bệnh, người còn có thể đi được đến những miền đất xa xôi để nhìn ngắm vạn vật đã là hạnh phúc hơn tất thảy… 

“Tôi đã ăn hết… đặc sản Phú Yên”

Người xứ hoa vàng cỏ xanh đón khách phương xa bằng bữa cơm thân tình, trong đó có món khổ qua rừng nhồi thịt, ăn vào thì đắng mà vị ngọt hậu, nước canh mát và ngon vô cùng.

Một số món đặc sản Phú Yên

Tôi đã “phải lòng” ẩm thực Phú Yên từ bữa cơm thơm lành trong ngày đầu đặt chân đến vùng đất này. Suốt những ngày sau đó, phải nói rằng tôi đã… ăn hết đặc sản Phú Yên khi chiếc bụng không từ chối bất cứ món ngon nào: bánh hỏi lòng heo, cháo lòng, cá ngừ đại dương, chả dông, bánh xèo, bánh canh hẹ, bánh hỏi thịt quay… - món nào cũng đậm đà hương vị. 

Có những món ngon tôi đã từng thưởng thức nhưng cũng có món lần đầu tôi thử qua như cá ngừ đại dương cuộn rau chấm với mù tạt. Đã được cảnh báo vị cay nồng sẽ xộc lên mũi nhưng không cầm lòng được, tôi nhón lấy một miếng cá, chấm vào nước tương đã trộn với mù tạt, vắt chanh và thêm vài lát ớt xanh, rồi cuộn với rau cải, tía tô… Cắn thử một miếng, vị cay nồng đến chảy nước mắt nhưng ngon khó cưỡng. Đến lần thứ hai, tôi đã “bình tĩnh” hơn, ngồi nín thở và thưởng thức luôn cảm giác mù tạt xộc lên mũi còn miếng cá ngọt thơm đã trôi xuống cổ họng. 

Quà mang về từ “xứ Nẫu” có thể là bánh tráng mè, bánh ít lá gai, chả dông cấp đông, cá thu, chả cá thu, má cá ngừ, rong biển… Khi viết những dòng này, tôi như còn nghe thoang thoảng đâu đó mùi bánh xèo thơm phức sớm mai và vị của chén nước mắm chua ngọt pha khéo đến nỗi thực khách phải tấm tắc mãi không thôi. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI