Thành phố thay da đổi thịt
Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. 21 tuổi, tôi rời xa nơi chôn nhau cắt rốn với khí thế hừng hực nhiệt huyết và ngời ngời lý tưởng tuổi trẻ, với khát vọng góp phần xây dựng đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh,
Kể từ khi giã biệt, phải hơn 20 năm sau, tôi mới về lại Sài Gòn. Tôi trở về khi tóc đã phai xanh, chợt nhận ra mình như một người lạc thời giữa thành phố thay da đổi thịt đến không ngờ. Sài Gòn như cô gái trong thơ Nguyễn Bính: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều…”.
Cái “hương đồng gió nội” mà khi ra đi, tôi mang theo cất giữ trong ký ức của mình, là một góc quận 8 còn thưa thớt dân cư, những xóm lao động nghèo cùng hình ảnh người dân lam lũ, những căn nhà mái lợp tôn còn được gọi tên là nhà thiếc, những ruộng rau muống và một ít cánh đồng lúa, những kênh rạch, ao tù cùng với cái sở rác to đùng mà có một thời người dân phải giăng mùng khi ăn cơm.
|
Bà Nguyễn Thị Thảo - 76 tuổi, ở phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM - cùng hàng ngàn người dân TPHCM đạp xe diễu hành vào ngày 30/4/2023 kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Tam Nguyên |
Tôi trở về, ngỡ ngàng nhìn xóm nhỏ ngoại ô trở thành thị tứ, nhà cửa chen nhau, lớp lớp tòa nhà cao tầng mọc lên trên mảnh đất bao la dừa nước với những bãi sình lầy năm nào. Hàng loạt công trình hiện đại nối liền quận 8 với trung tâm thành phố. Đại lộ Võ Văn Kiệt thênh thang chạy dọc theo bờ kênh Tàu Hủ. Trước khi dòng kênh thông thoáng, sạch đẹp như bây giờ, con kênh đã từng một thời là nỗi ám ảnh của người dân bởi cái mùi đặc trưng của nó. Xưa, dọc 2 bên bờ, những xóm ổ chuột với nhà sàn lụp xụp, nhếch nhác, tạm bợ; dưới lòng kênh, dòng nước sền sệt đen ngòm, rác rến nổi lềnh bềnh… Bây giờ, mỗi bận tháng Tư, mùa hoa kèn hồng nở, con đường trở nên rực rỡ, tạo thành một khung cảnh nên thơ, tuyệt đẹp.
Vắt ngang đại lộ Võ Văn Kiệt là những nhịp cầu nối đôi bờ ngoại ô trầm mặc và phố thị phồn hoa. Trong đó, cây cầu Nguyễn Tri Phương làm nhiệm vụ chia lửa với cầu Chà Và, rút ngắn đoạn đường từ quận 8 sang quận 5. Đồng thời, việc mở đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng giúp người dân giáp Quốc lộ 50 tiết kiệm đáng kể thời gian cho những chuyến hành trình xuôi về miền Tây.
Đó là một góc đang cùng toàn thành phố phát triển từng ngày.
Vấn vương quá khứ, mở lòng cho tương lai
Tất nhiên, để phục vụ cho sự đổi mới diện mạo của thành phố, hàng loạt biểu tượng, địa danh tồn tại hơn trăm năm, gắn bó với nhiều thế hệ người Sài Gòn đã trở thành hoài niệm. Với người Sài Gòn, ngậm ngùi, tiếc nuối là có thật.
Còn nhớ vào tháng 12/2014, để chuẩn bị khởi công xây dựng nhà ga metro Bến Thành, 2 bức tượng Trần Nguyên Hãn và liệt nữ Quách Thị Trang trước cửa chợ Bến Thành phải dời đi. Quảng trường Quách Thị Trang sau đó cũng bị lập rào chắn. Tất cả, khiến cho nhiều con tim người Sài Gòn thổn thức.
Tượng Trần Nguyên Hãn khi ấy được chuyển đến công viên Phú Lâm, còn bức tượng Quách Thị Trang được dời về công viên Lý Tự Trọng (trước có tên là công viên Bách Tùng Diệp). Hồi đó, cơ quan tôi nằm sát Bách Tùng Diệp. Mỗi sáng qua đây uống cà phê, tôi hay chọn góc ngồi hướng về phía bức tượng bán thân của người liệt nữ trong nắng sớm, tưởng tượng biết bao câu chuyện về nỗi buồn của một linh hồn tượng đá…
Đầu năm 2023, mặt bằng khu vực này được khôi phục và hoàn trả. Tháng Tư này, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được rốt ráo hoàn thiện để cuối năm nay đưa vào khai thác thương mại. Mặc dù cái bùng binh được thay thế bằng một ngã tư, nhưng 2 pho tượng Trần Nguyên Hãn và liệt nữ Quách Thị Trang sắp tới sẽ được tôn tạo và di dời về địa điểm cũ.
Cũng như vậy, việc hàng cổ thụ trăm năm tuổi trên con đường Tôn Đức Thắng (trước đây là đường Cường Để) bị đốn hạ, di dời để khởi công xây dựng cầu Ba Son vào tháng 2/2015 cũng làm người Sài Gòn muôn phần hụt hẫng. Cảm động nhất là hình ảnh những bông hồng đỏ tươi thắm nằm trên mặt các gốc cây xà cừ vừa bị đốn hạ mà “ai đó” đã đặt lên như một lời chia biệt ngậm ngùi. Không biết là ai nhưng hẳn đó phải là người rất yêu Sài Gòn, yêu con đường và hàng cây.
Nếu như “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” đi vào ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy như một sự đánh dấu bản quyền cho tên gọi “con đường học trò” thì đường Cường Để với 2 hàng cổ thụ lâu đời nhất Sài Gòn cũng được xem là “khung trời đại học” đầy hoa mộng trong ký ức của biết bao nhiêu thế hệ học trò.
Tôi cũng từng có những buổi chiều ở một nơi thật xa Sài Gòn, ngồi co ro trong cái lạnh mùa đông, nhớ xiết bao những con đường Sài Gòn quanh năm phủ bóng cây xanh, nhớ con đường Cường Để vào mùa hoa dầu rụng, những cánh hoa như những cánh chuồn chuồn xoay xoay trong gió trước khi đáp xuống mặt đất tạo thành một tấm thảm hoa.
Thế mà đột nhiên, tất cả trở thành quá vãng, thành hoài niệm, thành ký ức. Người Sài Gòn ai mà không tiếc nhớ ngẩn ngơ, không ngậm ngùi, không vương vấn nỗi buồn ly biệt.
Có điều, người Sài Gòn bụng sao miệng vậy, tiếc thì nói tiếc, buồn thì nói buồn, nói rồi thôi, không cố chấp. Người Sài Gòn biết suy nghĩ thấu đáo. Họ hiểu rằng, thay đổi là quy luật tất yếu của sự vận động, phát triển. Một quảng trường, một hàng cây mất đi là để phục vụ cho việc phát triển đô thị. Và họ cũng thấu hiểu, bất cứ sự thay đổi nào cũng nhằm phục vụ sự phát triển của thành phố.
|
Cầu Ba Son (cầu Thủ Thiêm 2) đưa vào khai thác tạo nhiều thuận lợi cho lưu thông. Công trình cũng là niềm tự hào của người dân TPHCM - Ảnh: Minh An |
Tháng Tư, Sài Gòn nóng như thể có bao nhiêu nắng thì ông trời hào phóng lùa hết xuống nhân gian. Vậy mà ở khu vực trung tâm, bên cạnh chợ Bến Thành, nhà ga metro vẫn đông đúc người dân và du khách đến vui chơi. Ga trung tâm Bến Thành thuộc tuyến metro số 1 như cái giếng trời khổng lồ với mái lấy sáng có hình hoa sen tuyệt đẹp như thể làm cho cái nắng Sài Gòn dịu bớt.
Cách đó không xa, cầu Ba Son nối đôi bờ sông Sài Gòn, được chính thức thông xe cũng vào một ngày cuối tháng Tư đầy nắng năm 2022. Người dân thành phố đang trông chờ cầu bừng sáng vào đúng dịp lễ Quốc khánh 2/9 năm nay với việc lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, trở thành điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn.
Gần 50 năm, trải qua bao thăng trầm, Sài Gòn xưa giờ là TPHCM ngày càng phát triển không ngừng theo sự phát triển chung của đất nước. Để có được những biểu tượng cho một Sài Gòn không lẫn với ai, hàng trăm năm trước, ông cha ta đã bắt đầu như chúng ta hôm nay đang làm cho trăm năm sau. Không thể không va vấp, không thể không có trở ngại, nhưng tôi tin rằng, bất kỳ ai khi đến sinh sống, làm việc, học tập hay chỉ để dạo chơi, cũng đều yêu thương và nhận ra một Sài Gòn - TPHCM đầy sức sống, đầy nội lực và cũng luôn mở rộng vòng tay chào đón mọi người.
Ngô Thị Thu Vân
Tác phẩm tham gia cuộc thi viết về Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, chủ đề “Thành phố của tôi” xin gửi về: tòa soạn Báo Phụ nữ TPHCM, 311 Điện Biên Phủ, quận 3, TPHCM; ngoài bì thư ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi” hoặc gửi qua email: saigon-tphcm@baophunu.org.vn; tiêu đề ghi rõ “Bài dự thi cuộc thi viết Thành phố của tôi”. Hạn chót nhận bài dự thi: 31/12/2024. Cơ cấu giải thưởng: - 1 giải Đặc biệt trị giá 70 triệu đồng. - 1 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng. - 2 giải Nhì, trị giá 40 triệu đồng/giải. - 3 giải Ba, trị giá 30 triệu đồng/giải. - 10 giải Khuyến khích, trị giá 10 triệu đồng/giải. - 1 giải Bài viết hay nhất về phụ nữ TPHCM trị giá 30 triệu đồng. - 1 giải Bài viết hay dành cho tác giả là người nước ngoài, kiều bào sinh sống ở nước ngoài, trị giá 30 triệu đồng. - Giải tháng: 10 triệu đồng/giải. Ngoài ra, còn có các giải ấn tượng do ban giám khảo bình chọn cho bài viết chân dung phụ nữ, tác giả nữ cao tuổi nhất, tác giả có nhiều bài chất lượng nhất… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM sẽ xem xét trao giải cho bài viết hay vào mỗi quý. Xem thông tin chi tiết về cuộc thi tại đây: https://www.phunuonline.com.vn/cong-bo-cuoc-thi-viet-thanh-pho-cua-toi-a1503685.html.
|