PNO - Tháng Sáu hằng năm được xem là Tháng tự hào (Pride Month) của cộng đồng người đồng tính, song tính, vô tính, chuyển giới… (gọi chung LGBTQ+) tại Mỹ. Năm nay, các hoạt động kỷ niệm đã gặp phải một làn sóng phản ứng gay gắt.
Cộng đồng LGBTQ+ tổ chức cuộc tuần hành Pride tại Santa Fe Plaza, bang New Mexico, Mỹ vào năm 2021 - Ảnh: Santa FE New Mexican
Sự kỳ thị gia tăng ngay tại “cái nôi” của phong trào
Tập đoàn bán lẻ Target đã trở thành tâm điểm của các cuộc tẩy chay hàng hóa. Đám đông phản đối việc công ty thay đổi logo bằng các vòng tròn 7 màu, trưng bày các sản phẩm đồ tắm, ly tách với hình ảnh, thông điệp “tự hào nói ra giới tính linh hoạt của mình”. Không những thế, Target còn tiếp thị các sản phẩm mang chủ đề LGBTQ+ cho trẻ em. Trước sức ép dư luận, các cửa hàng ở khu vực phía nam nước Mỹ của tập đoàn này đã phải dỡ bỏ tất cả những gì liên quan đến chủ đề LGBTQ+.
Ngày 1/6, kênh truyền thông của chương trình truyền hình “Peppa Pig” cũng nhận “gạch đá” vì đánh dấu tháng của LGBTQ+ bằng bài đăng trên Instagram: “Chúc mừng Tháng tự hào. Đây là dịp để kỷ niệm tình yêu”. Đi kèm nội dung đó là hình ảnh heo Peppa - nhân vật hoạt hình yêu thích của trẻ con - cùng gia đình, bạn bè đứng trước cầu vồng. Phần bình luận bên dưới tràn ngập sự căm ghét của những người chống đối cực đoan. Những người kỳ thị đồng tính cho rằng con cái họ “không cần biết về cái gọi là LGBTQ+”. Họ chỉ trích Hasbro - công ty sở hữu “Peppa Pig” - là đang cố gắng tuyên truyền trong bối cảnh làn sóng chống LGBTQ+ ngày càng gia tăng.
Tương tự Target, những tuần gần đây, các công ty lớn bao gồm Bud Light, Walmart, Kohl’s, adidas và Starbucks cũng đối mặt với phản ứng dữ dội khi bán các sản phẩm liên quan đến Tháng tự hào hoặc đơn giản chỉ là dùng những người LGBTQ+ trong các chiến dịch tiếp thị, quảng cáo. Cuộc tẩy chay còn chuyển hướng sang đánh mạnh vào thị trường cổ phiếu đối với Bud Light hay Target. Phản ứng dữ dội khiến giá trị vốn hóa của Anheuser-Busch - công ty mẹ của Bud Light - giảm hàng tỉ USD. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Target đã giảm khoảng 10% kể từ cuối tháng Năm khi hãng khởi đầu chiến dịch ủng hộ Tháng tự hào.
Nghiêm trọng hơn, cuộc biểu tình phản đối LGBTQ+ tụ họp vào tháng Sáu tại Trường tiểu học Saticoy ở Los Angeles từ ôn hòa đã biến thành bạo lực. Cảnh sát phải can thiệp, tách nhóm phản đối việc giảng dạy các vấn đề LGBTQ+ của nhà trường ra khỏi những người ủng hộ.
Hy vọng trong tháng kỷ niệm
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan gọi những người đồng tính là mối đe dọa cho xã hội, đồng thời tập hợp những người bảo thủ lên kế hoạch cản trở. Cuối tháng Năm, Uganda thông báo rằng Tổng thống Yoweri Museveni đã ký ban hành luật quy định các biện pháp hà khắc mới chống lại những người đồng tính. Các hình phạt đối với “hành vi đồng tính” cực đoan đến mức những người tái phạm có thể phải đối mặt với án tử hình.
Tuy nhiên, vẫn có những nỗ lực thắp lên hy vọng về sự bình đẳng trong giới tính. Nữ ca sĩ Taylor Swift mạnh dạn chia sẻ thông điệp Tháng tự hào trong buổi trình diễn Eras Tour ở Chicago, Mỹ hôm 2/6. “Đêm nay, tôi nhìn ra ngoài và thấy rất nhiều anh chị em đáng kính trọng đang sống một cách chân thực và đẹp đẽ với giới tính của mình. Và đây là không gian an toàn cho các bạn, đây là không gian để ăn mừng của các bạn” - Swift nói với khán giả và cho biết cô cảm thấy tự hào khi được hát “bài quốc ca bình đẳng” mang tên You need to calm down.
Thái Lan là nước có cộng đồng LGBTQ+ nổi bật nhất châu Á và nơi tiên phong về quyền bình đẳng hôn nhân đồng giới. Pita Limjaroenrat - người đang có nhiều khả năng trở thành tân thủ tướng - hứa sẽ thúc đẩy một đạo luật hôn nhân như thế nếu ông thành lập chính phủ. Bangkok cũng tuyên bố đang chạy đua cho việc đăng cai Lễ hội cộng đồng LGBTQ+ toàn cầu WorldPride vào năm 2028 và khẳng định mạnh mẽ là thành phố cởi mở nhất châu lục.
Robin Abcarian - cây bút bình luận của Los Angeles Times - cho rằng, trong một thế giới đầy chia rẽ, Tháng tự hào là một biểu tượng quan trọng của vẻ đẹp và sự đa dạng. “Nó cho phép chúng ta tôn vinh bản sắc độc đáo của mình và tìm thấy niềm an ủi trong một cộng đồng hiểu và chấp nhận. Bằng cách tôn vinh niềm tự hào, chúng ta khẳng định giá trị nội tại của mỗi cá nhân, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới ra sao. Đó cũng là lời nhắc nhở rằng sự đa dạng là một món quà cần được trân trọng, vì nó làm phong phú thêm cuộc sống của chúng ta và mở rộng quan điểm của nhân loại” - bà nói.
Nam Anh (theo NYT, LAT, CNN)
Cảnh sát Los Angeles, Mỹ tách người phản đối và ủng hộ LGBTQ+ trong cuộc biểu tình ôn hòa biến thành bạo lực tại Trường tiểu học Saticoy hôm 2/6 - Ảnh: AP
Bảo vệ sức khỏe tinh thần cho cộng đồng LGBTQ+
Trong cuộc tranh luận về luật tại Quốc hội Malaysia vào ngày 23/5, một chính trị gia thuộc đảng đối lập Perikatan Nasional đã đề xuất xem LGBTQ+ là một dạng bệnh tâm thần. Ngay sau đó, nghị sĩ Kelvin Yii - một bác sĩ từ khu vực Bandar Kuching, tỉnh Sarawak - đã phản đối, nói rằng những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ nên được đối xử bằng lòng trắc ẩn, sự đồng cảm thay vì bị phân biệt đối xử. Đồng tình với nghị sĩ Kelvin, người sáng lập tổ chức hỗ trợ vấn đề tâm thần Relate Mental Health Malaysia - Chua Sook Ning - cho biết: “Vào năm 1973, đồng tính luyến ái đã không còn bị xem là một chứng rối loạn sức khỏe tâm thần”.
Tuy bản thân tính hướng và bản dạng giới LGBTQ+ không phải là bệnh tâm thần, nghiên cứu cho thấy các cá nhân thuộc cộng đồng LGBTQ+ có khả năng sống chung với chứng rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn gấp đôi so với nam và nữ dị tính. Những lý do đằng sau rủi ro gia tăng này rất phức tạp và khó nhận biết. Phần lớn xuất phát từ sự kỳ thị xã hội, chẳng hạn như sống với nỗi sợ bị phân biệt đối xử và trải qua sự phân biệt đối xử, bị từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế phù hợp với giới tính, trải qua chấn thương do bạo hành… Tất cả có thể kết hợp, làm giảm lòng tự trọng của người thuộc cộng đồng LGBTQ+, đưa họ đến trạng thái tuyệt vọng. Những cảm giác này thường dẫn đến trầm cảm và gia tăng lo lắng, cũng như các tình trạng sức khỏe tâm thần khác.
Tại Mỹ, Trevor - một tổ chức phi lợi nhuận thành lập vào năm 1998 nhằm ngăn chặn hành vi tự tử - đã khảo sát hơn 28.000 người thuộc cộng đồng LGBTQ+ trong độ tuổi từ 13-24. Kết quả thu thập được trong năm 2022 cho thấy 41% có ý định tự tử trong năm 2022. Phần lớn nói do “trải nghiệm bị kỳ thị và trở thành nạn nhân bị bắt nạt”.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy 70% thanh thiếu niên LGBTQ+ trải qua các triệu chứng rối loạn lo âu, 57% trải qua các triệu chứng trầm cảm, 81% muốn được chăm sóc sức khỏe tâm thần. Có hơn một nửa (56%) cho biết không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc phù hợp. Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần (NAMI), thanh thiếu niên LGBTQ+ có nguy cơ mắc các triệu chứng trầm cảm cao gấp 6 lần so với dân số nói chung.
Cory Russo - Văn phòng giám định y tế, thành phố Salt Lake, bang Utah, Mỹ - nhớ lại vụ tự sát gần đây của một thanh niên. Sau các cuộc phỏng vấn, Russo biết rằng chàng trai đã bị gia đình đuổi ra khỏi nhà vì là người đồng tính. Cậu ấy đã phải vật lộn với những biến động cảm xúc và nghiện ngập. Casey Pick - Giám đốc Trevor - cho biết, điều đầu tiên cần làm hiện nay là thu thập dữ liệu về sức khỏe tâm thần và ý định tự sát của cộng đồng LGBTQ+, từ đó hoạch định các chính sách chăm sóc sức khỏe phù hợp, giúp thanh thiếu niên LGBTQ+ cảm thấy an toàn hơn về sức khỏe tinh thần và cảm xúc.
Theo Trevor, những thanh niên LGBTQ+ được gia đình, xã hội hỗ trợ có tỉ lệ tự tử thấp hơn một nửa so với những người cô độc, bị kỳ thị. Những cuộc trò chuyện cởi mở, thường xuyên về xu hướng tính dục và bản dạng giới cho phép thanh thiếu niên chia sẻ cảm xúc. Cha mẹ cần tôn trọng quá trình con cái khám phá bản thân và có thể cùng con vượt qua những thử thách nảy sinh trong cuộc sống bên ngoài.
Ngoài ra, cha mẹ có thể làm quen với bạn bè và người yêu của con mình. Điều này sẽ giúp họ đưa ra hướng dẫn phù hợp khi trẻ học cách xây dựng các mối quan hệ bền vững bên ngoài gia đình.
Ngọc Hạ (theo New York Times, Business Insider, New Straits Times)
Những sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tập trung vào việc hủy bỏ các chính sách thời ông Biden và bổ sung nhân sự cho chính phủ liên bang.